Đó là nhận định của ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) tại hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản (NXB) năm 2013 ngày 9-1.
Theo ông Tiến, chỉ có 4/64 NXB làm ăn khá, các NXB còn lại đang trong tình trạng lay lắt. Thậm chí có NXB đã làm sẵn “cáo phó” rồi nhưng chưa được phê duyệt. Rõ ràng, xuất bản đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn từ sự chuyển đổi của xã hội, từ lượng phát hành của báo in đến việc bảo vệ bản quyền và sự phổ biến của các thiết bị kỹ thuật số.
Ông Tiến cũng cho biết các NXB đều lên tiếng về mức thuế xuất bản hiện vẫn khá cao. “Ngành xuất bản sẽ đứng bên bờ vực thẳm nếu không có chính sách hỗ trợ cũng như không ưu tiên về thuế. Tôi sẽ bảo vệ đến cùng việc đấu tranh giảm thuế cho ngành xuất bản báo chí, từ 10% như hiện nay xuống còn 5%” - ông Tiến nói.
Báo cáo của Vụ Báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo trung ương) thống kê trong số 20 NXB thuộc mô hình doanh nghiệp thì có một NXB chủ quản đã đề nghị trả giấy phép, dừng hoạt động; hơn một nửa trong số 19 NXB còn lại kết thúc khóa tài chính năm 2013 trong tình trạng lỗ; bốn NXB là doanh nghiệp nhà nước đến nay vẫn chưa được chuyển đổi (trong khi Luật doanh nghiệp nhà nước đã hết hiệu lực từ năm 2010)…
Số đầu sách mới của TP.HCM giảm gần 50%
Số đầu sách xuất bản mới của ba nhà xuất bản tại TP.HCM: Trẻ, Văn Hóa Văn Nghệ và Tổng Hợp TP.HCM trong năm 2013 đạt 3197 nhan đề, giảm đến 46%, và doanh thu giảm 7% so với năm 2012. Đây là thông tin từ hội nghị giao ban báo cáo hoạt động xuất bản - in - phát hành năm 2013 do Sở Thông tin và truyền thông cùng Ban tuyên giáo Thành ủy tổ chức sáng 18-12.
Theo đó, mặc dù sách tái bản tăng 7% nhưng số lượng bản in của ba nhà xuất bản kể trên vẫn giảm 35%. Trong một so sánh với cùng kỳ năm 2012, các mảng sách trong nước, sách dịch, sách liên kết đều giảm, lần lượt là 9%, 3% và 1%. Báo cáo tại hội nghị, NXB Trẻ cho biết đơn vị này giảm 3% doanh thu nhưng lợi nhuận tăng 32 triệu đồng, được xem như đơn vị có kết quả hoạt động khả quan hơn cả.
Tại hội nghị, một số vấn đề tồn đọng, những khó khăn của ngành xuất bản TP cũng được các đơn vị nêu ra. Ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ - cho rằng hiện nay ngành xuất bản chưa có những quy định cụ thể, thiếu những chính sách được thể chế hóa để xuất bản hoạt động như một ngành kinh tế đặc thù chứ không phải ngành kinh tế đơn thuần, cụ thể là vấn đề sử dụng lợi nhuận sau thuế của nhà xuất bản. Ông Cao Xuân Sơn - đại diện NXB Kim Đồng - cảnh báo về tình trạng sách ma, là những trường hợp vi phạm bản quyền sách, nhưng khi đơn vị bị vi phạm hỏi đến thì những cơ sở vi phạm lại chối bỏ trách nhiệm và cho rằng: ai đó mạo danh. Đại diện Công ty Fahasa cho biết tình hình phát hành sách văn học và sách tham khảo trong năm qua có giảm do bị cạnh tranh bởi sách điện tử, và đây sẽ là xu thế tiếp tục trong 3-5 năm tới.
Còn một số vấn đề như NXB xin cơ chế xuất bản tạp chí, phương cách đào tạo và cấp chứng nhận cho biên tập viên..., đại diện Sở Thông tin và truyền thông và đại diện Ban tuyên giáo cho biết sẽ bàn bạc tiếp để thực hiện sao cho tốt.