“Bà gì?/ Bà ngoại/ Ngoại gì?/ Ngoại xâm” - cái gọi là “những câu đồng dao” ấy khi đưa vào sách đã bị phản ứng. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, dùng đồng dao để dạy ngôn ngữ là đúng đắn, nhưng cần cẩn thận khi chọn tác phẩm.
Bìa cuốn Đồng dao dành cho trẻ mầm non - tập 6
Đơn vị xuất bản, Công ty Văn hóa Đinh Tị tuyên bố nhận trách nhiệm về cuốn sách Đồng dao dành cho trẻ mầm non - tập 6 (NXB Mỹ thuật và Đinh Tị ấn hành) vừa bị NXB Mỹ thuật yêu cầu thu hồi.
Bộ sách Đồng dao dành cho trẻ mầm non gồm 12 tập, ra mắt cuối năm 2012 (in 2.000 cuốn đưa ra thị trường 920 cuốn, tồn kho 1.080 cuốn). Quyết định thu hồi do NXB Mỹ thuật gửi cho Công ty Đinh Tị vào ngày 14/10. Đến nay đã có 300 cuốn sách trong tổng số 920 cuốn đã phát hành được thu hồi và tiêu hủy. Công ty đang tiếp tục thu hồi và cam kết tiêu hủy toàn bộ số sách nói trên.
Thu hồi vì sự cầu toàn của người làm sách
Cuốn sách bị NXB Mỹ thuật yêu cầu thu hồi do các bài đồng dao như Đồng dao chơi vỗ tay: “Bà gì?/ Bà ngoại/ Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng… Ao gì?/ Ao cá/ Cá gì?/ Cá quả/ Quả gì?/ Quả đấm”.
Hay Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng: “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro”. Hay Vè nói ngược (II): “Đàn ông to vú/ Đàn bà rậm râu/ Hay sủa thì trâu/ Hay cày thì chó”…
Hôm 27/11, bà Trần Lệ Thu, Phó Giám đốc Công ty Đinh Tị, nói với TT&VH: “Chúng tôi nhận trách nhiệm về bộ sách và riêng cuốn Đồng dao dành cho trẻ mầm non tập 6 vì đã đưa vào sách những dị bản đồng dao không có tính giáo dục”.
Đồng dao thường không có tác giả cụ thể mà được truyền miệng và sưu tầm từ đời này qua đời khác, và có nhiều dị bản. Bà Thu cho biết, trong quá trình biên soạn, Đinh Tị đã sưu tầm và sử dụng những bài đồng dao được đăng trong những cuốn sách khác và thuê họa sĩ vẽ tranh minh họa.
Cũng theo Phó Giám đốc Công ty Đinh Tị, đây không phải là lần đầu tiên những bài đồng dao như vậy được in vào sách, mà thực ra đã được đưa nhiều lần thậm chí có cả tuyển tập đồng dao của các nhà xuất bản có uy tín. “Nhưng tôi đồng ý là nên lược bỏ những bài không có tính giáo dục” - bà Thu nói với TT&VH.
Bà Trần Lệ Thu thừa nhận: “Chúng tôi đang cố gắng làm tốt quá trình thu hồi vì sự cầu toàn của người làm sách. Việc thu hồi không gặp nhiều khó khăn. Đây là một tai nạn nghề nghiệp và chúng tôi sẽ cố gắng rút kinh nghiệm”.
Cần ý tứ khi tuyển chọn
Trao đổi với TT&VH chiều 27/11, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết: “Trước hết tôi ủng hộ cách dùng đồng dao để dạy ngôn ngữ cho trẻ của bộ sách này. Cách dạy vừa phù hợp với tính cách thích nói vần vè của người Việt, vừa hợp với lứa tuổi của người học - trẻ con thích nói ngắn, hơn nữa còn tạo cảm giác đây là trò chơi đối đáp, càng dễ tiếp thu với trẻ con.
Có những từ vựng hoặc khái niệm trẻ chưa biết, người lớn có thể vừa đọc vừa giải thích để trẻ có thêm hiểu biết.
Nhưng vấn đề là người biên soạn phải ý tứ khi chọn chất liệu. Cùng xuất phát từ chữ bà, ta có thể tự biên một đoạn đồng dao như: “Bà gì?/ Bà nội/ Nội gì?/ Nội tình/ Tình gì?/ Tình yêu/ Yêu gì?/ Yêu nước/ Nước gì? Nước Việt/ Việt gì? Việt Nam”…
Theo ý kiến của ông Nguyên, một số bài đồng dao thiếu tính giáo dục như Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng thì nên loại bỏ.
Nguồn: TTVH