Đó là ý kiến của ông Nguyễn Kiểm – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam về mô hình hoạt động của các Nhà xuất bản (NXB) trong năm 2013.
Năm 2013, sức mua của thị trường xuất bản phẩm tiếp tục giảm, đã có nhà xuất bản đề nghị trả giấy phép, ngừng hoạt động, 19 nhà xuất bản báo lỗ, có nhà xuất bản cho cán bộ nghỉ không lương vô thời hạn… Đó là thực trạng không mấy sáng sủa của ngành xuất bản trong năm qua. Do vậy, năm 2014 sẽ là năm khởi động những quyết sách để từng bước giải quyết vấn đề liên quan đến cơ chế và mô hình hoạt động của các nhà xuất bản.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam về vấn đề này.
Ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam (ảnh: Phương Thúy)
PV: Thưa ông. Trong năm 2013, chỉ có 4/64 Nhà xuất bản có doanh thu cao và nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước. Đó là NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Giáo Dục và NXB Chính trị quốc gia. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Ông Nguyễn Kiểm: Ở đây có 2 nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là sự ủng hộ của cơ quan chủ quản. Nhưng tôi nghĩ sự ủng hộ này đến lúc nào đó cũng phải được Luật hóa, được quy định bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế hiện nay, nhiều nhà xuất bản đang đứng trước khó khăn không đủ tiền thuê đất, sử dụng đất. Mặt khác, các nhà xuất bản ấy vẫn vươn lên được, trụ được còn do yếu tố tự thân với đội ngũ biên tập viên giỏi.
Ở đây, tôi vẫn đề cao nguyên nhân chủ quan hơn bởi vì họ có đội ngũ chuyên nghiệp với biên tập viên và những người làm kinh doanh. Họ nắm được thị trường cần gì, muốn gì và biên tập viên làm sách theo hướng đó. Đó là hướng đi hay và nên khuyến khích. Còn tiếp tục đưa “bầu sữa mẹ” để bao cấp thì tôi nghĩ chúng ta không nên đi theo hướng này. Phải nghĩ tới một ngày nếu chúng ta bơi ra biển lớn, ra thị trường quốc tế thì khi đó chúng ta không thể đứng vững được. Tất nhiên, không thể theo thị hiếu tầm thường mà phải hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
PV: Mô hình và cơ chế hoạt động của nhà xuất bản là vấn đề được bàn thảo trong rất nhiều hội nghị. Theo ông, hướng đi nào là khả quan để dần giải quyết vấn đề này trong năm 2014?
Ông Nguyễn Kiểm: Tôi nghĩ Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản cần có sự phối hợp chặt trong năm 2014 để tham mưu cho các cơ quan Chính phủ về việc đánh giá, rà soát mô hình, cơ chế hoạt động các nhà xuất bản. Nhà xuất bản nào còn phù hợp với mô hình hiện tại và có nhà xuất bản không còn phù hợp với mô hình hiện tại nữa thì cần phải được chuyển đổi.
PV: Năm 2013, 7 nhà xuất bản nộp đơn yêu cầu sự hỗ trợ của các cơ quan chủ quản về mặt thuế đất, thuế nhà. Cũng có thông tin cho rằng hiện nay nhiều người không dám nhận nhiệm vụ làm Tổng biên tập Nhà xuất bản. Nếu trong năm 2014 tiếp tục có những sự việc này thì ông nghĩ thế nào?
Ông Nguyễn Kiểm: Tôi nghĩ rằng việc có được giải tỏa hay có những người hăng hái nhận trách nhiệm hay không thì phải có một giải pháp đồng bộ. Ngoài cơ chế về thuế đất, miễn giảm thì cần quan tâm đến vấn đề con người nữa. Họ cần phải có một môi trường phù hợp để phát triển. Cái này chúng ta chưa quan tâm đồng bộ, đúng mức.
PV: Mảng sách điện tử vẫn được coi là “gà đẻ trứng vàng” trong bối cảnh cạnh tranh thị trường sách và có nhiều điều kiện để phát triển trong những năm tới. Vậy ngành Xuất bản sẽ hỗ trợ như thế nào đối với mảng sách này?
Ông Nguyễn Kiểm: Hội Xuất bản Việt Nam đã có cuộc họp về Giải thưởng sách 2013, trong đó đề nghị bổ sung sẽ đưa sách điện tử là một trong những loại sách được trao giải năm 2013. Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa thể nào làm được. Có hai lý do: thứ nhất là những tiêu chí đánh giá về sách điện tử vẫn chưa được bàn thảo kĩ, e rằng nếu đưa vào sẽ quá sớm; thứ hai, chúng ta vẫn chưa có nhiều nhà xuất bản công bố được nhiều xuất bản phẩm điện tử. Cho nên nếu đưa sách điện tử vào giải thưởng sách Việt Nam năm 2013 sẽ có ít lựa chọn, ít đề cử. Tôi nghĩ rằng trong năm tới cần phải đẩy mạnh việc này hơn.
Tôi cho rằng tương lai đối với sách điện tử là rất sáng sủa. Một số nước phát triển như Đức, Mỹ, doanh thu của họ trong năm 2012 tăng tới 200%. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Tất nhiên, đối với chúng ta thì cơ sở về sách điện tử chưa tương xứng với sách truyền thống. Nhưng tôi nghĩ năm 2014, với Luật Xuất bản mới thì chắc chắn sách điện tử sẽ có tỷ trọng cao hơn, với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.