(NXBGTVT). Như tin đã đưa nhà văn Trần Thanh Giao đã tạ thế ngày 19/01/2016, hưởng thọ 85 tuổi. Tưởng nhớ ông, Nhà xuất bản GTVT xin giới thiệu với bạn đọc bút ký "Dọc đại lộ Đông Tây" - giải Nhì thể loại Bút ký Cuộc vận động sáng tác văn học về GTVT do Bộ GTVT tổ chức năm 2015.
Nhà văn Trần Thanh Giao (thứ hai bên trái) cùng đoàn cán bộ Nhà xuất bản GTVT trong chuyến đi thực tế sáng tác về GTVT, tháng 11/2015
Xe chúng tôi từ phía miền Tây quốc lộ 1A ôm nút giao thông ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh vào đại lộ Võ Văn Kiệt, hướng tới trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Đây là phía đầu Tây của đại lộ Đông - Tây, đại lộ mới mở, rộng thênh thang. Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé cũng vừa chỉnh trang, chạy cặp theo đường, dòng nước tràn đầy, gió lùa mát rượi... Ngày tôi còn bé, nhà cha mẹ tôi ở Cầu Kho (đường Trần Đình Xu bây giờ), cũng gần bờ rạch chạy cặp đại lộ này; lúc đó con mương trước nhà tôi còn đầy ô rô, u du, cỏ nước mặn, tôi thường hái chùm trái ô rô giả làm nải chuối chơi bán hàng với cô bạn nhà bên. Thỉnh thoảng, tôi và lũ bạn cắm đầu chạy ra đường Galliéni (Trần Hưng Đạo bây giờ) xem xe chữa lửa bên kia đường sơn đỏ chói bóp còi inh ỏi “cháy đâu, cháy đâu”, kéo nhau hàng đàn đi chữa cháy...
Sau ngày thống nhất, tôi về Sài Gòn làm báo nên có dịp tới lui đoạn đường và dòng kênh này mà ấn tượng còn đọng lại là đường ngày càng nát, chung cư tróc vữa lòi cốt thép, nhà lụp sụp mọc đầy, cái sau chen cái trước, rác rến nổi lềnh bềnh làm kênh càng hẹp dần và càng hôi thối. Nay thì kênh đã sạch quang, dòng nước trong trở lại, có nơi người ta ngồi câu cá ven bờ, phớt lờ lệnh cấm...
Người Sài Gòn ai mà không biết con kênh Tàu Hủ nối thông rạch Bến Nghé ra tới sông Sài Gòn, “tiền thân” của đường giao thông thủy sát bên phải đại lộ Đông - Tây hôm nay. Tàu Hủ - Bến Nghé là dòng kênh có lịch sử hơn 300 năm, đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển của vùng đất trù phú Sài Gòn - Chợ Lớn. Kênh này nguyên là một con rạch nhỏ bị cạn, hẹp lại, nên vào năm 1819 vua Gia Long hạ lệnh cho Phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý chỉ huy đào vét thành kênh và đặt tên là An Thông Hà, cũng gọi là Kinh Mới hay rạch Chợ Lớn, vì chảy ngang Chợ Lớn, nối với các tỉnh miền Tây bằng đường thủy. Trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (1885), Trương Vĩnh Ký viết: “Hai bên bờ rạch Chợ Lớn là hai dãy nhà phố lớn bằng gạch gọi là Tàu Khậu để cho người Hoa từ Trung Quốc hằng năm đi ghe biển tới thuê. Họ đem hàng hóa chứa trong các phố đó, hoặc để bán sỉ hoặc để bán lẻ khi lưu trú tại Sài Gòn”. Theo Huỳnh Tịnh Của, Tàu Khậu là phát âm từ Thổ Khố theo giọng Triều Châu, [kho đất (nung), tức “kho gạch”] để chứa hàng hóa, sau đọc trại ra thành Tàu Hủ. Nhiều tài liệu cho rằng kênh Tàu Hủ được nạo vét thêm hai lần vào các năm 1887 và 1895, rồi sau đó được làm rộng thêm lần thứ ba vào năm 1922. Trên bờ kênh, phía Đông Nam là thôn Bình Đông, phía Tây Bắc là thôn Bình Tây, năm 1820 (thời vua Minh Mạng) cả hai thôn thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Từ tên thôn, Bình Đông thành tên bến ở bờ Đông kênh Tàu Hủ, chính thức là từ năm 1955 cho đến nay...
Có nhiều chuyện về con kênh Tàu Hủ, con kênh được mệnh danh là “kênh quyên sinh”... vì nơi đây liên tục xảy ra những vụ chết đuối. Người Sài Gòn cũng rất quen thuộc với tên bến Bình Đông. Đây là nơi buôn bán vận chuyển các loại hoa quả từ miền Tây Nam Bộ lên Sài Gòn bằng đường sông. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, nơi đây là một chợ nổi trên kênh tương tự như các chợ nổi thuộc sông Tiền, sông Hậu, trên bến dưới thuyền, dòng kênh ngập tràn hoa trái. Dân Chợ Lớn, quận 8 thường rủ nhau đến bến Bình Đông “rinh” Tết về nhà. Bến Bình Đông xưa (khu vực Trần Văn Kiểu thuộc Q.6 và bến Bình Đông thuộc Q.8 ngày nay) là một bộ phận quan trọng của Chợ Lớn, hình thành ngay từ khi người Hoa từ cù lao Phố (Biên Hòa) về đây vào năm 1778, khi quân Tây Sơn đánh dẹp quân Gia Long. Xưa kia, đây là một trung tâm quan trọng của vựa lúa miền Nam bởi có sự kết hợp liên hoàn giữa hệ thống các nhà máy xay lúa, chành (nơi chứa thóc), kho gạo và bến bãi dọc theo hai bờ kênh. Nơi đây cũng từng chứng kiến những giai đoạn thịnh vượng nhất của việc mua bán và xuất khẩu lúa gạo trong suốt lịch sử 300 năm phát triển Sài Gòn - Chợ Lớn. Bên cạnh vai trò kinh tế quan trọng của mình, bến Bình Đông còn mang đậm nét kiến trúc đặc thù của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam, đồng thời mang dấu ấn của sự giao thoa văn hóa Đông - Tây.
Theo tư liệu còn ghi lại thì từ đoạn cầu Chà Và trở xuống đến gần đình Bình An là dãy nhà kho gạo, bên kia bờ kênh là khu nhà máy xay. Kiến trúc thường theo dạng nhà phố, bề ngang hẹp, nhưng trang trí lại mang ảnh hưởng phương Tây với các cây cột bằng gạch, lan can bằng sắt, gờ chỉ làm bằng thạch cao hoặc vôi, kết hợp đường nét Đông - Tây. Cảnh tượng “trên bến, dưới thuyền”, dãy phố cột gạch, lan can sắt... là một giá trị văn hóa đặc trưng của khu vực này. Trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Sơn Nam đã miêu tả: “Dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo hai con nước lên, nước ròng thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả thật là tiện lợi”. Ghe thuyền không chỉ là phương tiện di chuyển, chuyên chở mà còn là nhà ở, là nơi sinh sống của người dân. Cuộc sống trên sông, ghe thuyền là nhà, bến bãi là nơi mua bán, những đặc tính này đã tạo nên cả một nét văn hóa đặc trưng của người miền Nam và Tây Nam bộ. Nhưng cũng có cái nhìn của người lao động: Đừng ham hốt bạc ghe chài / Bờ kinh cao, bao lúa nặng, tấm đòn dài khó đi... Ghe chài (dựa theo phát âm Triều Châu của từ tải trong vận tải) là ghe to có loại chở cả chục tấn lúa, thời đó phải thuê người vác từng bao dăm bảy chục ký theo tấm ván bắc lên bờ kênh gọi là đòn dài để đưa thóc vào nhà máy xay...
Để có con đường thênh thang, đẹp đẽ hôm nay, người Sài Gòn đã qua bao khó khăn, trăn trở, có khi phải chịu mất mát, hy sinh. Trong lúc làm đại lộ Đông - Tây, điều khó là đền bù, giải tỏa mà việc giải tỏa bến Bình Đông lại khó khăn và nặng nhọc nhất. Khu nhà cổ cùng kho gạo trên đường Trần Văn Kiểu là đoạn giải tỏa cuối cùng để bàn giao mặt bằng cho dự án đại lộ Đông - Tây. Một đêm, tôi có việc đi ngang qua đây, thấy cả dãy phố vừa bị đập bỏ, những bức tường im lìm “thọ hình” đứng trơ trọi dưới trăng mờ, vì dãy đèn đường cũng vừa bị đập bỏ luôn... Những ngày “giải tỏa”, bến Bình Đông không còn nhộn nhịp “trên bến dưới thuyền” mà đã trở nên vắng lặng. Đại lộ Đông - Tây đoạn này chỉ rộng 50m. Tuy vậy, vì đường cũ quá hẹp nên những ngôi nhà cổ, những dãy nhà kho, thậm chí đình Bình An, một ngôi đình được xây dựng từ năm 1842, cũng phải đập bỏ... Những ngày này ở bến Bình Đông hoạt động buôn bán thu hẹp hẳn. Tại một góc phố có bảng ghi rõ: “Khu vực cấm tụ tập buôn bán”.
Người ta đập phá các dãy nhà kho một cách thận trọng để giữ lại những viên gạch thẻ đỏ xưa vẫn còn rất tốt, bán cho các nhà thầu với giá 400 đồng/viên. Ngôi đình cổ Bình An được nhà thầu trả giá 30 triệu đồng để lấy lại những cây xà và cột gỗ đã có từ khi xây dựng cách đây 160 năm... Tiếc thì có tiếc, nhưng sau khi đại lộ thênh thang và đẹp đẽ làm xong, dân Sài Gòn vẫn tìm mọi cách khôi phục lại hồn vía xưa của bến Bình Đông. Một đề án qui hoạch và điều chỉnh của quận ủy và UBND quận 8 mới được phê duyệt xác định: Sẽ khôi phục cảnh quan sông nước truyền thống tại các trục đường bến Ba Đình, bến Bình Đông, bến Mễ Cốc, đồng thời hình thành các tuyến giao thông thủy trên các trục đường này. Một dự án tàu buýt đường sông cũng đã được đệ trình. Và Saigontourist cũng có dự án: Một trong những điểm nhấn của du lịch sông nước Sài Gòn chính là tuyến Tàu Hủ - Bến Nghé, vì khu vực này còn tập trung nhiều nhà cổ, nếu giải quyết tốt nguồn nước thì “khá lý tưởng để tái hiện hình ảnh Sài Gòn - Gia Định, trên bến dưới thuyền thời xa xưa của ông cha”. Tuyến Tàu Hủ - Bến Nghé cũng rất phù hợp với những “tour thăm thành phố trên sông”... Còn đình Bình An thì chuyển về nơi mới ở số 32-34-36 đường số 29, P10, Q6 với tên gọi “Quan Thánh Đế Miếu – Bình An Hội quán” cùng với mọi đồ tế tự được giữ nguyên...
Xe chúng tôi chui qua dạ cầu chữ Y. Đây là một cây cầu rất nổi tiếng nối liền quận 5 và quận 8, có ba nhánh tạo thành chữ Y, nên được người dân đặt luôn tên này. Cầu được người Pháp xây từ năm 1937, nhiều lần sửa chữa…Dọc đại lộ Đông - Tây, còn nhiều cầu qua kênh Tàu Hủ và rạch Bến Nghé, như cầu Lò Gốm, cầu Chà Và, cầu Nước Nhỉ, cầu Nước Lên, cầu Ông Lãnh, cầu Mống, cầu Khánh Hội... Cầu Chà Và đã có hơn 100 năm tuổi. Từ thời xưa, vùng này là phố chợ của người gốc chuyên bán vải. Dân Sài Gòn thường lẫn lộn, gọi người Ấn Độ là Chà Và, từ đó mà có tên cầu, chứ thật ra thì Chà Và là phiên âm địa danh Java, một đảo lớn của In-đô-nê-xi-a. Sau ngày năm, cầu được nâng cấp và sửa chữa lại. Năm, cầu Chà Và ngưng hoạt động để tháo dỡ làm mới, triển khai dự án, đến năm mới thông xe trở lại. Còn cầu Ông Lãnh? Theo Trương Vĩnh Ký, ông lãnh đó là lãnh binh Thăng: Cầu Ông Lãnh do Lãnh binh (khi ấy đóng quân ở đồn Cây Mai gần đó) cho xây dựng. Ban đầu, cầu làm bằng gỗ, người Pháp cho xây lại bằng xi măng...
Khi thi công hầm Thủ Thiêm thì hai cầu gần vàm Bến Nghé là cầu Mống và Khánh Hội bị tháo dỡ hoặc ngưng lưu thông cho đến lúc xong hầm thì khôi phục lại. Thời Pháp, cầu Khánh Hội có tên là cầu Quay vì có nhịp quay ngang, vào một giờ nhất định trong ngày, cho tàu ghe từ sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ, và ngược lại. Có câu ca: Chừng nào cầu Quây nọ thôi quây / Thì qua với bậu đứt dây cương thường. Khi Diệm lên nắm quyền thì cầu quay được phá đi, xây cầu Khánh Hội... Cầu Mống là một trong những cây cầu cổ xưa nhất của Sài Gòn do Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes của Pháp bỏ vốn xây dựng vào năm 1893 - 1894, bằng thép kiên cố. Cầu làm theo kiểu cong vòng mống cho nên dân gian gọi là cầu Mống. Sau khi hầm Thủ Thiêm làm xong, cầu Mống đã được lắp ghép lại theo nguyên bản, gia cố thêm phần trụ móng kèm sơn mới và trang bị chiếu sáng mỹ thuật. Tôi có một kỷ niệm nhớ đời trên cầu Mống. Số là khi tôi ba bốn tuổi, nhà ba má tôi ở Xóm Chiếu (quận 4), buổi chiều, má hay dắt tôi qua bến Chương Dương (lúc đó là đường Arroyo Chinois) đón ba làm việc cho hãng tàu buôn rồi đi ăn tối. Hôm ấy, hai má con đang “dung dăng dung dẻ” trên cầu Mống thì có tiếng còi xe gì đó sát sau lưng. Tôi hoảng hồn lôi má tôi chạy tránh sang bên, vội quá má tôi té sấp xuống mặt cầu trong khi mang bụng bầu. Sau đó, bà sanh em gái tôi, nhưng may thay, mẹ tròn con vuông...
Chúng tôi tiến đến hầm Thủ Thiêm gần vàm rạch Bến Nghé. Vàm Bến Nghé là nơi dân Sài Gòn định cư buổi ban đầu khi đậu thuyền quần tụ tìm kế sinh nhai ở vùng sông rạch chằng chịt này. Có người bảo Bến Nghé là bến tắm trâu và tên chữ là Ngưu Tân (ngưu = trâu, tân = bến). Nhưng không phải vậy. Nhiều ảnh chụp còn ghi lại cảnh sông rạch và ghe thuyền đậu san sát ở nơi mà bây giờ là các đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi... Lúc đó, nơi đây là đầm lầy, sông rạch cây cối như vùng rừng Sác liền kề bây giờ, lấy đâu ra ruộng để có trâu từng đàn ra tắm. Chỉ có cá sấu! Đặc biệt là sấu bông, vẩy xen kẽ vàng đen, to lớn gấp nhiều lần so với sấu mốc nuôi trong sở thú. Cá sấu kêu giống tiếng trâu nghé, vì vậy dân Nam bộ gọi là sấu nghé. Cho nên phải hiểu đúng: bến nghé là bến cá sấu, bến đầy tiếng sấu kêu! (Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu chép: tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự).
Trước mặt chúng tôi là đường hầm sông Sài Gòn với hai vòm nhô ra mở rộng đón khách sang sông. Có người có ý tưởng vẽ miệng hầm thành hình chim phượng mà giải phân cách trước hầm là đầu và cổ chim, hai miệng hầm là hai cánh chim giương ra như sắp bay bổng, với những nét màu vàng, xanh, đỏ cùng ánh sáng mỹ thuật ban đêm... Hầm được thiết kế cho sáu làn xe, cao ngót 9m và tổng chiều dài ngót 1.500m, do nhà thầu chính là Obayashi corporation của Nhật Bản thi công. Hầm dìm có bốn đốt, bể đúc hầm đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, ngay giáp sông Nhà Bè - đoạn trước khi sông “Nhà Bè nước chảy chia hai” để “Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Cùng lúc với đúc hầm là đào dưới đáy sông Sài Gòn, sâu đến 13 - 14m và xây sẵn móng chuẩn bị cho việc đặt các đốt hầm. Sau khi đúc xong, các đốt hầm tạm thời được bít kín lại, rồi cho nước vào bể đúc để các đốt hầm nổi lên. Bốn tàu lai dắt kéo các đốt hầm to như cái sân đá bóng này ra sông Nhà Bè, vào sông Sài Gòn, rồi đánh chìm đúng vào vị trí móng đã được ấn định gần vàm Bến Nghé - Thủ Thiêm (nên còn gọi là hầm Thủ Thiêm), sau đó dùng kỹ thuật để nối ghép các đốt hầm lại thành một đường hầm nằm sâu dưới đáy sông.
Minh họa của Phạm Hà Hải
Ánh sáng trong hầm dần chuyển sang màu trắng xám. Đường dốc xuống thoai thoải. Tôi đang ở dưới mặt nước 24 mét, trên đầu là cả dòng sông Sài Gòn! Rồi xe bắt đầu hướng lên dốc. Những ngọn đèn trong hầm tỏa ánh vàng ấm áp. Cách quãng chừng 50 mét, ánh đèn xanh yên bình báo cửa thoát nạn. Trong hầm lắp đặt thiết bị phục vụ cho việc vận hành, gồm: Hệ thống cấp nước, chiếu sáng; hệ thống chống cháy; hệ thống thông gió; hệ thống đo đạc độ ô nhiễm không khí; hệ thống đếm xe... Ngoài ra còn có hệ thống loa phóng thanh, báo động khi xảy ra sự cố. Tất cả các thiết bị này đều tự động truyền thông tin về trung tâm điều khiển (đặt đầu bên kia hầm Thủ Thiêm) và tự động xử lý các tình huống xảy ra. Ví dụ, khi nồng độ khí ô nhiễm trong hầm tăng lên thì trung tâm điều khiển sẽ tự động tăng thêm công suất quạt thông gió; hay trường hợp mật độ xe lưu thông trong hầm quá đông thì trung tâm điều khiển sẽ cho ngăn bớt lượng xe xuống hầm... Hai bên hầm còn có khoang thoát hiểm rộng 2m, cho mọi người chạy bộ khi xảy ra sự cố. Tôi nhớ những ngày sửa soạn thông xe, nhiều đoàn đại biểu đã được mời đến tham quan, các bạn trẻ hớn hở phất cờ vẫy chào và đoàn lân sư rồng tưng bừng nhảy múa...
Trước mắt tôi, vầng sáng cửa hầm bên kia bờ đã mở ra, trắng lóa... Trên nền trời xa xa ấy, có gương mặt của những người đã làm nên đại lộ Đông - Tây và hầm chui qua đáy sông Sài Gòn: những nhà quản lý, những kỹ sư và công nhân ..., những anh hùng tạo ra nhiều kỳ quan, tạo ra những thành phố nguy nga tráng lệ được gọi là “ngọc sáng”, là “minh châu”... nhưng chưa được vinh danh xứng đáng trong văn chương như những người bạn nông dân hay binh lính của mình...
*
Xe chúng tôi đang chạy trên đất Thủ Thiêm. Đây sẽ là khu trung tâm của thành phố trong tương lai. Đường rộng mênh mông, có đoạn tới 140m đủ cho mười bốn làn xe lưu thông. Trên đại lộ Mai Chí Thọ đến ngã ba Đồng Văn Cống, hàng cây hai bên đường đang lên xanh, cành lá lắt lay trong gió. Cùng với dãy cây lấy bóng mát đang độ tuổi thiếu niên mà sau này sẽ lớn lên thành cổ thụ, là hàng cây thấp, nhiều cây dáng đẹp như kiểng đặt trong sân nhà. Thỉnh thoảng nổi lên những cụm cao ốc điểm xuyết cho không gian đang còn lộng gió thênh thang, đợi chờ các dự án lớn,...
Hàng trăm năm qua, nằm sát bên “hòn ngọc viễn đông” Sài Gòn, nhưng Thủ Thiêm vẫn còn là vùng đất hoang vắng với rừng Sác và đầm lầy, năn lác..., vùng “bưng biền”, vùng của những tay giang hồ hảo hớn và những cư dân nghèo khó, lầm than... Dân nghèo Thủ Thiêm khi đó thường chỉ biết cắt bàng (loại năn to, cao) đươn đệm, may nóp kiếm từng xu hay sang Sài Gòn qua con đò hoặc phà Thủ Thiêm để bán sức lao động rẻ mạt của những thợ thuyền, cu li...
Gặp em chưa kịp trao lời
Kiểng Ba Son vội đổ rã rời đôi ta...
Ngày đầu Nam bộ kháng chiến, nơi đây là Mặt trận số 4 của Sài Gòn, trải dài từ Thủ Thiêm qua Nhà Bè đến Cần Giuộc do Nguyễn Văn Trân và sau đó Dương Văn Dương (một anh hùng hảo hớn của Bình Xuyên) chỉ huy. Vùng “bưng biền” thường sẵn năn, lác, bàng (dùng đươn đệm may nóp thay cho mùng màn vì nghèo quá)... cho nên hình ảnh hào hùng của người kháng chiến Nam bộ “nóp với giáo mang ngang vai” còn sống mãi với sử xanh... Cho đến hôm nay, đại lộ Đông - Tây mở ra, đánh thức cả vùng đất này và sẽ biến “cô lọ lem” Thủ Thiêm trăm năm cắm mặt xuống đầm lầy thành “nàng công chúa” đẹp đẽ xinh tươi...
Nhìn từ trên cao, khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tròn tròn như viên ngọc bao bọc bởi một vòng cẩm thạch xanh là sông Sài Gòn. Đây sẽ là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của thành phố Hồ Chí Minh. Thủ thiêm sẽ được ghi tên trên bản đồ du lịch bởi khu công viên rừng ngập nước độc đáo ở ngay giữa lòng đô thị...
Xe chúng tôi vẫn bon bon trên đại lộ Đông -Tây hướng về phía Cát Lái, đoạn cuối của đại lộ nối với xa lộ Hà Nội và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây... Từ đầu Tây, chúng tôi đã đi hết con đường ra tới đầu Đông, dài ngót 22km. Đã xong một khối công việc khổng lồ, đập phố cũ, mở đường mới, tháo dỡ cầu, dời đình miếu, nạo vét mở rộng kênh rạch, xây kè đá, làm hầm chui dưới lòng sông... trong vòng chưa đến mươi năm. Và đang bắt tay xây dựng cả một khu đô thị mới hoành tráng “phố Đông Sài Gòn”...
Đại lộ Đông - Tây rồi sẽ trở thành “con đường di sản” chạy suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh...