Nhà văn Trần Thanh Giao - một trong những nhà văn tiêu biểu của dòng văn học kháng chiến và văn học thời kỳ đổi mới đã đột ngột từ trần tại nhà riêng lúc rạng sáng ngày 19/01, hưởng thọ 85 tuổi. Ông là nhà văn cao tuổi nhất tham gia Trại sáng tác văn học về đề tài GTVT tại khu vực phía Nam nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành GTVT Việt Nam. Nhà Xuất bản GTVT xin vĩnh biệt ông - nhà văn có nhiều đóng góp lớn cho văn học nước nhà, trong đó có ngành GTVT Việt Nam với tiểu thuyết 2 tập "Cầu Sáng" viết về cuộc chiến đấu của cán bộ công nhân viên ngành GTVT bảo vệ cầu Hàm Rồng trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước...
Nhà văn Trần Thanh Giao có các bút danh là Song Thanh, Song Văn..., sinh năm 1932, ở Thới Long, Ô Môn, Cần Thơ, định cư ở TP HCM. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1946, làm liên lạc cho Báo Kèn gọi lính của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ. Sau đó, ông vào chiến khu làm cán bộ nghiệp vụ Báo Độc lập Nam bộ.
Nhà văn Trần Thanh Giao phát biểu tại Lễ khai mạc Trại sáng tác văn học về GTVT khu vực phía Nam, tháng 10/2014
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc làm công nhân Nhà in Báo Nhân dân, đến năm 1961 chuyển sang làm phóng viên Báo Nhân dân. Từ năm 1969, ông ở trong Lực lượng sáng tác Văn học công nhân của Tổng Công đoàn Việt Nam và biên tập viên Nhà Xuất bản Lao động. Đến năm 1971 làm phóng viên Báo Thống nhất. Sau 30/4/1975, ông về TP HCM làm phóng viên Báo Giải phóng, sau đó là Báo Đại đoàn kết.
Sinh hoạt tại Hội Nhà văn TP HCM, nhà văn Trần Thanh Giao giữ các cương vị Ủy viên Ban Chấp hành các Khóa 1, 2, 3, 4, 5; Thư ký thường trực (khóa 1), Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn, Trưởng trại Sáng tác và bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ; Thường trực cơ quan đại diện phía Nam Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 6,7).
Nhà văn Trần Thanh Giao còn có các bút danh khác như Song Thanh, Song Văn… và nhiều tác phẩm đã xuất bản như: Dòng sữa (truyện ngắn, 1962), Đi tìm ngọc (truyện 1964, 1972, 1987, 2002), Đất mới vỡ (tiểu thuyết 1978, 1981), Giữa hai làn nước (truyện 1979), Sao Mai gần gũi (truyện và ký 1983), Một vùng sông nước (truyện 1985), Thị trấn giữa rừng Sác (bút ký 1985), Câu chuyện một chiều thứ bảy (truyện ngắn 1987), Một thời dang dở (tiểu thuyết 1988, 1992), Thời áo trắng (tiểu thuyết 1995, 2002)...
Ông có sức sáng tác rất mạnh mẽ, từ những năm 1960 của thế kỷ trước ông đã có nhiều sáng tác nổi bật và gần đây nhất là ký sự Chui qua đáy sông Sài Gòn của ông đã giành giải Nhất cuộc thi ký sự “40 năm - Những ký ức không thể nào quên” do Báo SGGP tổ chức năm 2015. Trước đây, năm 1985, cũng trong một cuộc thi bút ký do Báo SGGP tổ chức, với tác phẩm Đường xe xuyên rừng Sác, ông đã đoạt giải nhất.
Nhà văn Trần Thanh Giao (thứ hai, phải sang) trong chuyến đi thực tế tại Tổng công ty Bảo đảm ATHH Miền Nam, tháng 10/2014
Năm 2014, khi Bộ GTVT tổ chức Trại sáng tác văn học về đề tài GTVT dành cho các nhà văn khu vực phía Nam, nhà văn Trần Thanh Giao được mời tham dự. Là nhà văn cao tuổi nhưng ông hăng hái đi thực tế, dẫu thời tiết nắng nóng, từ TP. Hồ Chí Minh đi thăm dự án cầu Cao Lãnh, Vàm Cống xa ngót nghét 300 km. Ban Tổ chức Trại còn nhớ mãi giọng nói của ông đầy tâm huyết: "Chúng tôi đã viết, đang viết mà mãi mãi viết về đề tài giao thông vận tải".
Ông có nhiều tác phẩm viết về đề tài GTVT, đặc biệt phải kể đến tiểu thuyết "Cầu Sáng" viết về cuộc chiến đấu của quân và dân ta, trong đó có ngành GTVT bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước đã được xuất bản năm 1976 và tái bản năm 1985. Năm 2015, tác phẩm "Dọc đại lộ Đông - Tây" của ông tham gia Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2015). do Bộ GTVT và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã đạt giải Nhì thể loại bút ký.
Làng văn Việt Nam tiếc nhớ những bài phê bình, phân tích về văn học, nghệ thuật, xã hội sâu sắc của ông, như có lần ông từng nêu quan điểm nổi bật trong sáng tác của mình là: “Tôi tin rằng nếu không có tư tưởng lớn thì chẳng có tác phẩm lớn, dù ta có muốn đẩy một tác phẩm nào đó lên tới đâu…”
Tác phẩm đã xuất bản:
- Dòng sữa (truyện ngắn, 1962);
- Đi tìm ngọc (truyện 1964, 1972, 1987, 2002);
- Cầu sáng (tiểu thuyết 1976, 1985);
- Đất mới vỡ (tiểu thuyết 1978, 1981);
- Giữa hai làn nước (truyện 1979);
- Sao Mai gần gũi (truyện và ký 1983);
- Một vùng sông nước (truyện 1985);
- Thị trấn giữa rừng Sác (bút ký 1985);
- Bầu trời thềm lục địa (bút ký 1986);
- Câu chuyện một chiều thứ Bảy (truyện ngắn 1987);
- Một thời dang dở (tiểu thuyết 1988, 1992);
- Thời áo trắng (tiểu thuyết 1995, 2002);
- Tuyển tập truyện ngắn (2002);
- Ai vượt Cửu Long Giang (bút ký 2003);
- Ai tri âm đó… (phê bình, tiểu luận…, 2003),
- Văn học TP.HCM 1975-2005 (nghiên cứu, khảo luận…, 2008),
- Chuông chùa (truyện ngắn 2011)...
Giải thưởng văn học:
- Giải thưởng truyện ngắn báo Thống nhất (1959) với Câu chuyện một chiều thứ Bảy;
- Giải thưởng truyện ngắn báo Văn Nghệ (1960) với Dòng sữa;
- Giải thưởng bút ký báo Sài Gòn giải phóng (1985) với Đường xe xuyên rừng Sác;
- Giải thưởng bút ký Đài Tiếng nói Việt Nam (1986) với Bầu trời thềm lục địa;
- Giải thưởng bút ký Bộ Giao thông vận tải (2000) với Ai vượt Cửu Long Giang trên cầu Mỹ Thuận...
- Giải Nhì bút ký Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Giao thông vận tải (2015) với: Dọc đại lộ Đông - Tây
- Giải nhất Cuộc thi ký sự "40 năm - Những ký ức không thể nào quên", do báo Sài Gòn Giải Phóng và Hội Nhà văn TP HCM tổ chức năm 2015.
(Nguồn: theo website Hội Nhà văn TP HCM)