Tin tức - Sự kiện

Xuất bản điện tử và xu thế đọc

- http://daidoanket.vn/van-hoa/xuat-ban-dien-tu-va-xu-the-doc-tintuc420150

Nằm trong xu thế đọc sách điện tử, các hình thức xuất bản truyền thống đang bị giảm thị phần trên toàn thế giới. Trong khi ngay cả với sách điện tử, việc các tác giả tự xuất bản sách đang chiếm ưu thế.


 

 

Ảnh minh họa.

Tự xuất bản - sự dịch chuyển của sách điện tử thế giới 

Theo Báo cáo vừa được công bố của Nền tảng xuất bản điện tử Waka về sự dịch chuyển của lĩnh vực xuất bản sách điện tử, thị phần sách điện tử toàn cầu vẫn đang tiếp tục tăng trưởng khả quan. Nếu như năm 2013, doanh số sách điện tử chỉ chiếm 12% doanh số toàn ngành sách thì dự kiến đến cuối năm 2018, con số này sẽ tăng hơn gấp đôi, đạt 25%. Trong đó, Mỹ là quốc gia có thị trường sách điện tử phát triển mạnh mẽ nhất với doanh thu dự kiến trong năm 2018 gấp hơn 4 lần so với quốc gia đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng là Nhật Bản.

Tuy nhiên, đồng thời thị phần của các nhà xuất bản sách điện tử truyền thống lớn đang giảm mạnh, nhường chỗ cho những hình thức xuất bản khác, đặc biệt là hình thức tự xuất bản. Nguyên nhân lý giải cho sự đổi ngôi này của các hình thức xuất bản chính là cơ hội thành công về mặt tài chính mà mỗi hình thức xuất bản mang lại.

Theo khảo sát của Written Word Media, 72% tác giả thu nhập cao (trên 100.000 USD/năm) trên thế giới chỉ chọn hình thức tự xuất bản và 28% kết hợp cả tự xuất bản lẫn xuất bản truyền thống. Tự xuất bản sẽ mang lại thu nhập tốt hơn nhờ tỷ lệ tiền bản quyền được hưởng lớn hơn. Đồng thời, nó cũng sẽ là bước đệm tốt để tác giả có cơ hội ký hợp đồng với các nhà xuất bản truyền thống với mức tỉ lệ tiền bản quyền cao hơn.

 

Sách điện tử tại Việt Nam – thay đổi phù hợp với xu thế

Tại Việt Nam, mặc dù vẫn còn một khoảng cách khá xa so với những thị trường sách điện tử phát triển rầm rộ trên thế giới, nhưng thời gian gần đây cũng đã ghi nhận nhiều động thái bắt nhịp với thế giới và hòa chung vào xu thế sáng tác – khai thác – đọc sách của kỷ nguyên công nghệ ngày nay. Diễn biến đáng kể nhất chính là sự xuất hiện của những đầu sách xuất bản và khai thác bản điện tử trước bản sách giấy. Điều này đã tạo ra một ngã rẽ trên con đường sách đến với độc giả.

Khai thác phiên bản điện tử trước, đo đếm sự thành công rồi mới đến xuất bản sách giấy – đó là một con đường mới mở của lĩnh vực xuất bản sách và đang hứa hẹn mang đến thêm một sự lựa chọn đáng giá cho các tác giả cũng như hệ thống xuất bản, phát hành và bạn đọc.

Bên cạnh xu hướng khai thác sách điện tử trước sách giấy, thị trường Việt Nam cũng bắt đầu manh nha hình thức tự xuất bản. Tuy nhiên, do thị trường sách điện tử nói chung còn quá non trẻ, cho nên về cơ bản hình thức tự xuất bản điện tử chưa đủ tiềm lực để thực hiện tại Việt Nam hiện nay.

Với những cập nhật liên tục về công nghệ, mọi ngành nghề kinh doanh sản xuất và tất cả khía cạnh của đời sống xã hội cũng không ngừng thay đổi để thích ứng. Phát triển sách điện tử là một cách thích ứng của ngành sách. Và ngay trong phân khúc sách điện tử, sự thay đổi vẫn không ngừng xảy ra để hoàn thiện cả về mặt cấu trúc, mô hình, định hướng và thành phần tham gia.

* Cũng theo báo cáo của Waka, audiobooks là phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực xuất bản điện tử. Mỹ tiếp tục là thị trường dẫn đầu của phân khúc này, chiếm hơn 50% thị phần audiobooks toàn cầu”. Còn tại thị trường Việt Nam, số lượng audiobooks tăng gần 4 lần và số lượt nghe tăng gần 5 lần trong giai đoạn từ cuối 2017 đến Quý III/2018. Tuy có tiềm năng phát triển lớn như vậy, nhưng hiện nay vẫn còn có quá ít nhà cung cấp audiobooks tham gia vào phân khúc này.

 

Mai Trần

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG