Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 25 tháng 8 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” (gọi tắt là Chỉ thị số 42-CT/TW) đã triển khai thực hiện được hơn 10 năm.
Kết quả quan trọng nhất sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW là toàn ngành Xuất bản đã phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, ổn định hệ thống tổ chức, có bước phát triển mới về năng lực hoạt động, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường, bước đầu đáp ứng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khẳng định vị thế là một lĩnh vực tư tưởng- văn hóa quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên các lĩnh vực hoạt động của Ngành, phục vụ cho sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sáng 5/8 tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 42 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.
Mặc dù chịu nhiều áp lực khó khăn của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực xuất bản vẫn tăng trưởng khoảng 4%/năm, lĩnh vực in tăng 8-10%/năm. Chất lượng sách được nâng lên một bước. Sách lý luận chính trị phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo từng năm, các lễ kỷ niệm lớn của Đảng, dân tộc; sách pháp luật góp phần tích cực cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi đối tượng trong xã hội; sách giáo khoa, giáo dục, sách khoa học công nghệ, sách văn hóa, sách cho thanh thiếu niên đều đã hoàn thành tốt chức năng của mình với từng đối tượng bạn đọc, góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng năm 2015, toàn Ngành đã xuất bản 29.000 đầu sách với trên 369 triệu bản, đạt 4,1 sách/đầu người/năm (tăng 1,4 lần so với năm 2004), tổng sản lượng in được 1000 tỉ trang, doanh thu ngành in đạt 50.000 tỉ đồng. Bình quân mỗi năm phát hành xấp xỉ 300 triệu bản sách, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương và đất nước.
10 năm qua hệ thống các nhà xuất bản được giữ vững, ổn định, năng lực, trình độ được tăng cường, lực lượng lao động tại các nhà xuất bản có bước phát triển nhất định cả về lượng và chất; năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm in được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, hoàn thành bước đầu việc hiện đại hóa công nghệ in và sau in…; ngoài việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, ngành phát hành đã được xã hội hóa cao, phát triển mạnh về số lượng, từng bước mở rộng quy mô và năng lực hoạt động…
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo định hướng hoạt động xuất bản có nhiều đổi mới, khắc phục kịp thời một số hạn chế trong lĩnh vực xuất bản trong hoạt động thực tiễn của ngành xuất bản (cả ba lĩnh vực: xuất bản, in, phát hành). Đã thể chế hóa, xây dựng pháp luật xuất bản mà tiêu biểu là 3 lần sửa đổi, bổ sung Luật xuất bản và nhiều văn bản chỉ đạo khác của Ban Bí thư và các ngành chức năng.
Với chức năng quản lý nhà nước về công tác xuất bản, Bộ TT&TT cũng đã tích cực, chủ động trong quản lý xuất bản, hoàn thiện các nhà xuất bản, tích cực quản lý in. Bộ đã tham gia soạn thảo, bổ sung sửa đổi Luật xuất bản, tham mưu để Chính phủ đề ra nhiều Nghị định trong công tác xuất bản; thời gian qua, Bộ TT&TT đã ban hành được 9 thông tư nhằm đáp ứng kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác xuất bản, góp phần xây dựng, phát triển của toàn ngành xuất bản. Công tác thanh kiểm tra chuyên ngành được tăng cường, kịp thời phát hiện các trường hợp in lậu, xử phạt hành chính và cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với một số trường hợp in lậu. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng nghiên cứu cơ chế chính sách và kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực này.
Tuy đã đạt được nhiều thành tích như vừa nêu trên, công tác xuất bản còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: chưa khắc phục được mâu thuẫn giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh dẫn đến sự phát triển thiếu vững chắc, chưa có bước tiến mang tính đột phá, khuynh hướng thương mại hóa tác động không tốt đến hoạt động xuất bản. Những hạn chế trên có nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, cần phải được nhìn nhận một cách sâu sắc, thấu đáo trong toàn ngành xuất bản, trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp các ngành.
Phát huy những thành tựu đạt được cũng như khắc phục những mặt còn hạn chế trong thời gian hơn 10 năm qua, việc tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt hơn Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư trong thời gian tới để không ngừng nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thông tin và Truyền thông.
Như Minh