LTS: Văn hóa đọc sách đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Trong bài viết này, Ths Trương Khắc Trà cho rằng thực sự đã đến lúc chúng ta cần có một sự nhìn nhận, suy và ngẫm một cách nghiêm túc về văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay.
Châm ngôn Latinh có câu: “Nếu ví cuộc sống như một dòng sông chảy mãi thì có thể hiểu sách như những cốc nước được múc lên từ dòng sông ấy, sách có thể là hay là dở, cũng như thế nước trong cốc có thể trong có thể đục tùy tay người múc, có thể chỉ là nước của một thời điểm nhất định, cũng có thể là nước tinh khiết, nhưng mỗi giọt của nó chứa đựng cả bầu trời”.
Ngày xưa, cụ Nguyễn Tuân trong “Vang bóng một thời” từng tỉ mẩn, sốt sắng mô tả cái cảm giác mua sách về rồi nắn nót, cầu kỳ đọc từng trang, sờ cái lề giấy, mân mê từng câu chữ, nhưng bây giờ sống trong thời đại cần tri thức hơn bao giờ hết thì việc đọc sách, chăm sách, chơi sách trở nên quá xa xỉ! Vì sao vậy?
Thờ ơ với sách đang là thực trạng đáng lo ngại (Ảnh: nongnghiep.vn)
Thái độ sống gấp gáp của một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay khiến việc lựa chọn để họ đánh đổi khoảng thời gian của mình ngồi đọc những tác phẩm kinh điển hàng ngàn trang là điều khó hơn…mò kim đáy biển!
Chưa kể những tri thức được cô đọng trong các tác phẩm ấy quá súc tích để những người trẻ có thể thỏa mãn cuộc sống hiện thực đầy mơ mộng. Sẽ như thế nào nếu những chủ nhân tương lai của đất nước thiếu đi một nền tảng tri thức căn bản từ sách?
Qua một khảo sát nhỏ của người viết bài này, một bộ phận lớn thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên hiện nay không mấy quan tâm đến sự tồn tại của các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới như:
“Cuốn theo chiều gió”, “Những người khốn khổ”, “Không gia đình”, “Những tấm lòng cao cả”, “Túp lều bác Tôm” hay “Thép đã tôi thế đấy”…thậm chí cả những tác phẩm văn học trong nước như Truyện Kiều, Số Đỏ, Mùa Lạc, Chị Dậu…
Những tác phẩm được coi là tổng kết cuộc sống vào những trang sách, nếu được đọc và đọc được sẽ mang lại cho người đọc những bài học về thế giới quan và nhân sinh quan vô cùng bổ ích.
Theo số liệu từ các thư viện trong toàn quốc gửi về Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng chỉ đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm, tức là chưa đầy một cuốn, bi đát hơn, nông dân Việt đã nói không với sách! Trong khi đó Malaysia và Singapore là 10 – 20 đầu sách/người/năm.
Ngược lại cơn sốt các tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mà chỉ trong vòng một thời gian ngắn có hàng trăm tác giả lứa tuổi 8x Trung Quốc cho ra đời hàng trăm cuốn tiểu thuyết tình yêu hiện đại như Tào Đình, Tiên Chanh, Cỏ Mạn…nội dung mô tả những cuộc tình sướt mướt, bi lụy xa rời với thực tiễn cuộc sống thậm chí còn có thiên hướng sex để câu khách.
Liệu nội dung của dòng tiểu thuyết tình yêu mang âm hưởng Trung Hoa hiện đại có lợi hay hại cho giới trẻ? Có lẽ câu trả lời có lẽ sẽ dành cho ngành Văn hóa.
Riêng bản thân tác giả bài này cho rằng, đó là những tiểu thuyết “mì ăn liền” người đọc chỉ “mê” trong chốc lát rồi tỉnh ngay, giá trị nhân văn, giá trị định hướng và giáo dục của nó là con số không tròn trĩnh!
Nếu ai là tín đồ của sách và thường xuyên đến các nhà sách tinh ý sẽ thấy rằng, là nhà sách nhưng chỉ có đồ dùng học sinh là đắt khách, độc giả tìm sách chỉ lèo tèo, rải rác.
Nếu có cũng chỉ là ngó nghiêng những tiểu thuyết ngôn tình sướt mướt bi lụy, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm theo nhưng cũng…dễ quên như mì ăn liền, phù hợp với lý tưởng sống có phần hời hợt của không ít bạn trẻ.
Ngược lại, những đầu sách về khoa học, những tác phẩm kinh điển nơi chứa đựng tri thức của nhân loại ít khi được ngó ngàng đến, bị phủ trắng xóa bởi lớp bụi thời gian.
Thiết nghĩ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt với sự hấp dẫn từ mạng xã hội khiến cho giới trẻ ngày nay hình như không có khái niệm đọc sách.
Thay vào đó chỉ đọc những gì có tính giải trí tức thời, ngắn, gọn, sốt, kiểu đọc như vậy cái gì cũng biết nhưng thực ra chẳng biết cái gì.
Nhân loại đang tiến băng băng trên con đường chuyên môn hóa hợp tác hóa cao độ, điều đó đòi hỏi mỗi cá nhân hội nhập cần có những kỹ năng chuyên biệt, chuyên sâu về một lĩnh vực chứ không phải mỗi thứ mỗi ít nhưng tóm lại chẳng chuyên môn được cái gì.
Cần hơn bao giờ hết sự định hướng của gia đình, nhà trường, trực tiếp từ đội ngũ giáo viên dạy văn học, làm sao hướng dẫn, truyền cảm hứng cho các em quan tâm về sách và đọc sách.
Cần nhớ rằng cuộc cải cách nổi tiếng thế giới của Nhật Hoàng Minh Trị được bắt đầu bằng công cuộc dịch thuật các đầu sách về khoa học của Tây Phương, trong 15 năm trị vì đầu tiên đã có 1500 đầu sách được dịch ra tiếng Nhật.
Minh Trị đã phát động được một công cuộc đọc và tìm đọc chưa từng thấy trong lịch sử, điều đó đã trực tiếp đưa Nhật Bản trở thành cường quốc như hôm nay.
Rõ ràng bài học của Nhật Bản vẫn còn nguyên giá trị với Việt Nam hôm nay, Đọc gì? Đọc như thế nào? Đọc để làm gì?
Đó là những nan đề của giới trẻ Việt Nam hiện nay, tầm quan trọng của việc đọc và văn hóa đọc đang bị coi nhẹ, một thực trạng đáng báo động, đất nước sẽ đi đến đâu nếu những người chủ tương lai không chịu tiếp thu những tri thức nền tảng của nhân loại thông qua sách?.
http://giaoduc.net.vn/Van-hoa/Tho-o-voi-sach-dang-la-thuc-trang-dang-lo-ngai-post167880.gd