Tin tức - Sự kiện

Thêm cơ hội mới cho văn hóa đọc

- Tạ Dũng

Muốn văn hóa đọc quay trở lại, đã đến lúc các nhà xuất bản phải siết chặt quản lý, khắt khe hơn từ khâu tuyển chọn biên tập viên đến những tác phẩm có giá trị cho ra mắt độc giả. Tin rằng quan niệm “ sốc, sến, giật gân” không còn đe dọa những cuốn sách có giá trị theo đúng nghĩa.


 
Sau rất nhiều những nỗ lực, kéo dài trong nhiều năm của trên 90 triệu người dân thì cuối cùng văn hóa đọc đã trở lại. Đó là điều ai cũng nhận thấy từ báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2018.
 
Báo cáo cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản đăng ký xuất bản 37.153 xuất bản phẩm, Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận đăng ký xuất bản 36.740 tên xuất bản phẩm, toàn ngành nộp lưu chiểu 16.004 xuất bản phẩm với 174.671.000 bản. Đặc biệt, số lượng sách giấy đã chiếm ưu thế hoàn toàn với 15.650 xuất bản phẩm (đầu sách) và hơn 165,2 triệu bản, trong khi đó, sách điện tử chỉ có 19 xuất bản phẩm với 176.000 bản…
 
Đáng chú ý, không những phát triển về số lượng, nhiều cuốn sách được xuất bản nửa đầu năm nay còn được đánh giá về chất lượng nội dung tốt, đề cập tới những vấn đề mang tính thời sự và có tính chính trị, xã hội cao như bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, phát triển công nghệ số, giáo dục kỹ năng cho trẻ, các tác phẩm văn học kinh điển và hiện đại, sách thiếu nhi nhằm giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời đại mới… 
 
Song, cũng tại báo cáo trên, ngành xuất bản đã thừa nhận, dù đã giảm những ấn phẩm vi phạm về nội  dung buộc phải thu hồi, đình bản nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có 48 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý, trong đó có 27 xuất bản phẩm vi phạm nội dung xuất bản phẩm, 8 xuất bản phẩm vi phạm bản quyền... Có trường hợp biên tập viên biên tập sai sót có hệ thống...
 
Cùng với những cuốn sách đó là mảng  sách dành cho thiếu nhi cũng bộc lộ những sai sót không thể chấp nhận; Một số cuốn sách có nội dung mang tính trao đổi, tranh luận, chỉ là tài liệu tham khảo với một số đối tượng bạn đọc nhất định nhưng lại được xuất bản phổ biến rộng rãi, gây hoang mang, nghi ngờ cho người đọc... Không chỉ có thế, số lượng xuất bản phẩm sai sót về câu chữ, chính tả vẫn còn. Đây được xem là những lỗi cần phải khắc phục, và nó cũng cho thấy sự nghiêm khắc của bạn đọc.
 
Sai sót của hàng nghìn cuốn sách xuất bản đã được xử lý, nặng thì đình bản, nhẹ thu hồi và xử phat bằng tiền. Nhưng, dù được đánh giá là đã mạnh tay trong quản lý xuất bản, thì đâu đó vẫn còn có những hạt sạn khiến bạn đọc phải bận tâm, thậm chí là nghi ngờ khả năng quản lý, trình độ của các biên tập viên nhà xuất bản. 
 
Đã có người đổ lỗi cho việc để lọt những tác phẩm có nội dung vi phạm nói trên là do sức ép từ độc giả, dư luận và truyền thông, đặc biệt trong thời gian vừa qua mạng xã hội đang lấn lướt nên đã xảy ra sai sót. Điều này không sai, thậm chí trong một chừng mực nhất định nó hoàn toàn đúng. Bởi nếu không lấy kênh thị hiếu độc giả làm thước đo thì nhà xuất bản khác nào người đi giữa sa mạc, một mình bơi trong thế giới của thông tin, của  tri thức.
 
Muốn văn hóa đọc quay trở lại, đã đến lúc các nhà xuất bản phải siết chặt quản lý, khắt khe hơn từ khâu tuyển chọn biên tập viên đến những tác phẩm có giá trị cho ra mắt độc giả. Tin rằng  quan niệm “ sốc, sến, giật gân” không còn đe dọa những cuốn sách có giá trị theo đúng nghĩa.
 
 
Nguồn: http://baovannghe.com.vn/them-co-hoi-moi-cho-van-hoa-doc-18164.html
 

 

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG