Không phải ra tận nhà sách, bạn đọc trẻ bây giờ chỉ cần ngồi tại nhà nhấp chuột, lướt điện thoại lựa chọn cuốn sách mình cần, bỏ vào giỏ hàng, xác nhận mua hàng… là có người giao tận nơi. Quá nhanh chóng và tiện lợi. Thị trường sách online vì thế ngày càng nhộn nhịp, với lượng khách hàng tiềm năng chính là người trẻ.
Nhấp chuột mua sách
Bán sách online là xu hướng kinh doanh không mới. Tuy nhiên, trong thời đại người người online, nhà nhà lướt web mua sắm qua mạng…, thị trường sách thương mại điện tử trở thành mục tiêu kinh doanh hàng đầu, là cuộc đua cạnh tranh sôi động giữa hàng loạt “ông lớn” ngành sách.
Dễ dàng nhận thấy, hiện các trang thương mại điện tử về sách phát triển rất sôi động. Bất kể là “mọt sách” chính hiệu hay chỉ là độc giả bình thường thì không thể không biết đến những địa chỉ bán sách online như: Tiki.vn, Fahasha.com, Vinabook.com. Bên cạnh các “ông lớn” này, là hàng loạt nhà sách trực tuyến như Anybooks.vn, Chibooks.vn, Book24h.com, Pibook.vn, Nobita.vn… Các nhà sách tạo niềm tin với khách hàng nhờ vào số lượng đầu sách lớn, chương trình khuyến mại hấp dẫn…
Trong số này, Tiki là địa chỉ bán sách online khá uy tín. Với số lượng đầu sách phong phú, chất lượng, nhiều khuyến mãi (hơn 90% các mặt hàng được giảm giá từ 10% trở lên), dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tình, dịch vụ giao hàng uy tín, có thể tích lũy điểm thưởng sau mỗi lần mua để giảm giá cho lần mua tiếp theo. “Mình hay đặt sách ở Tiki và Fahasa. Các nhà sách online này gói hàng rất kỹ, nhanh và tận tình”, Võ Thị Ánh Ngọc (27 tuổi, quận 10, TPHCM) cho biết.
Với những trang bán hàng trực tuyến như Adayroi.com, Shopee.vn, Lazada.vn, gian hàng sách online cũng được đầu tư với số lượng đầu sách đồ sộ đến từ nhiều NXB uy tín hàng đầu như: NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Alphabooks, Nhã Nam... Những trang này thậm chí đã trở thành địa chỉ mua sách online được nhiều bạn trẻ truy cập, có thời điểm ngang ngửa các cửa hàng sách trực tuyến. Với ưu đãi giảm giá hấp dẫn, đầu sách phong phú, giao hàng nhanh, miễn phí vận chuyển cho đơn hàng giá trị lớn nên khá đông độc giả chọn lựa các kênh này để mua sách.
Khi mọi người đều sở hữu ít nhất một tài khoản Facebook và nhu cầu mua sắm online cao thì thị trường bán sách online cũng là cuộc cạnh tranh sôi động. Việc phát triển một fanpage Facebook bán sách, lập các hội nhóm mua bán sách là điều không hề khó.
Nhận xét về thị trường sách thương mại điện tử, nhà văn Văn Thành Lê nói: “Bên cạnh các nhà phát hành online, hiện nay hầu hết các đơn vị phát hành offline cũng không thể cưỡng lại được xu thế phát triển của công nghệ nên “đi hai hàng”, mở thêm kênh online. Kế đến là các diễn đàn trao đổi - bán sách. Mỗi cá nhân cũng thành người buôn bán sách, có thể xây dựng website hoặc chỉ với một tài khoản mạng xã hội, hay thậm chí tham gia vào nhóm tương tác. Tôi cho là tín hiệu mừng vì thêm cơ hội để những cuốn sách lan tỏa được đến nhiều người đọc trẻ hơn”.
Sôi động mua bán sách trên Facebook
Cẩn thận với sách kém chất lượng
Không thể phủ nhận lợi thế khi dùng công cụ mạng xã hội để mua bán sách online vì quá gọn và đặc biệt không tốn mặt bằng. Với Zalo, Facebook, Instagram… bất kể ai cũng có thể mua bán hoặc trao đổi sách online, tạo thành những cộng đồng, những nhóm xôm tụ để có thể “họp chợ” mua bán sách. Tuy nhiên, mua bán sách qua mạng luôn tiềm ẩn rủi ro.
Tham gia vào nhóm hội chia sẻ, mua bán sách trên Facebook để săn sách giá rẻ, Trần Thị Ngọc Sương (26 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) ngay sau khi thấy bộ sách ưng ý được giới thiệu là sách mới và giảm gần 40% đã chốt ngay. Hai hôm sau, khi nhận hàng, Sương tiu nghỉu vì có nhiều trang bị gấp, chữ rất mờ, thậm chí có trang không có chữ. Bức xúc vì bìa sách khá cũ, chất lượng sách lại tệ, không hề giống như quảng cáo, Sương nhắn tin với người bán sách thì nhận được phản hồi là chuyển nhầm sách, sẽ đổi lại sau… 1 tuần.
“Thế nhưng, nay đã qua gần 3 tháng, tôi vẫn không hề được đổi sách mới. Lúc mua thì chuyển hàng rất nhanh mà lúc đổi thì lê thê. Nhắn tin phản hồi thì tài khoản này chặn luôn mình. Gọi điện cũng chỉ nghe tiếng bíp bíp…”, Sương bức xúc kể.
Người mua phải sách kém chất lượng qua Facebook như Sương không phải là ít. Thậm chí trên thị trường mua bán đó cũng không thiếu những bài giới thiệu sách photocopy, sách kém chất lượng một cách công khai.
“Sách photocopy giá rẻ đây. Những cuốn sách đang làm mưa làm gió trên thị trường hiện nay. Nhanh tay chọn cho mình cuốn sách phù hợp trên chặng đường về đích nào, chỉ từ 45k (45.000 đồng). Cam kết rẻ nhưng chất lượng không thua kém gì sách gốc. Ai có nhu cầu liên hệ số 090743… ” (trên trang Mua - Bán sách…, một tài khoản có tên Tr.H. chào mời).
Nói về việc sách kém chất lượng mua bán công khai trên Facebook, Phan Ngọc Minh Diễm (25 tuổi, quận 5, TPHCM), chủ shop sách online “Bạn muốn tìm sách gì?”, cho biết từng có trường hợp Tuyển tập TS Lê Thẩm Dương: Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công (bản đặc biệt) có giá gần 250.000 đồng/cuốn nhưng được một số bạn rao bán chỉ với giá mấy chục ngàn đồng trên Facebook. Giá rẻ như vậy, theo Diễm, chỉ có thể là sách lậu.
“Với các trang phát hành online thì sách chất lượng, dịch vụ cạnh tranh nên tốt. Còn trường hợp ở một số diễn đàn hoặc mua bán cá nhân qua mạng, nếu người mua không có kinh nghiệm, xác suất gặp phải sách không như giới thiệu, thậm chí sách in lậu là… vẫn có”, nhà văn Văn Thành Lê khuyến cáo.
Hiện nay, các nhà sách truyền thống lâu đời đã áp dụng công nghệ để đẩy mạnh mô hình bán sách online, nhận order (đặt hàng) sách thông qua các thao tác đơn giản trên mạng. Hệ thống Nhà sách Phương Nam, Nhà sách Cá Chép, Chi nhánh NXB Kim Đồng, Nhà sách Hà Nội, Nhà sách Văn Lang… đều đã đầu tư các website như một kênh tiếp cận bạn đọc nhanh hơn, với chất lượng dịch vụ, trả lời mail chuyên nghiệp, cẩn thận đến cách giao hàng nhanh, gói hàng chu đáo.
|
CA DAO