Tin tức - Sự kiện

Rà soát, bổ sung chương trình đào tạo lái xe sát với thực tế

- Nguồn: Bộ GTVT

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về công tác đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi giấy phép lái xe sáng 9/7.



Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp
 
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau hơn 20 năm tiếp nhận công tác quản lý đào tạo lái xe từ Bộ Công an (từ năm 1995), công tác quản lý đào tạo lái xe đã được tăng cường theo các quy định của Bộ GTVT. Theo đó, các Sở GTVT đã phối hợp chặt chẽ với cơ sở dạy nghề địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát từ khâu học đến kiểm tra, thi cấp chứng chỉ nghề. Nhờ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, hệ thống cơ sở đào tạo lái xe đã tăng cả về số lượng và chất lượng, không ngừng hoàn thiện về tiêu chuẩn ngày một nâng cao, đáp ứng nhu cầu học lái xe của người dân. Chương trình, giáo trình đào tạo lái xe đã được nghiên cứu, tiếp thu từ chương trình, giáo trình của các nước tiên tiến trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore.
 
Báo cáo với Bộ trưởng về chương trình và giáo trình đào tạo lái xe, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho biết, hiện nay theo quy định của Bộ GTVT, thời gian đào tạo lái xe của Việt Nam tương đương với Trung Quốc (84 giờ), dài hơn của Hàn quốc, Nhật bản và Singapore (34 giờ), trong đó đã dành nhiều thời gian để học các môn Luật Giao thông đường bộ và thực hành lái xe.
 
Về giáo trình đào tạo lái xe, theo bà Hiền,  các học viên tham gia các khóa đào tạo lái xe đang học 5 môn học: Luật Giao thông đường bộ; Cấu tạo và sửa chữa thông thường ô tô; Nghiệp vụ vận tải; Kỹ thuật lái ô tô; Đạo đức và văn hóa giao thông. Bộ giáo trình đã được nghiên cứu bien soạn sửa đổi nhiều lần trên cơ sở tham khảo tài liệu các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore có chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở soạn giáo án giảng dạy thống nhất trong cả nước. Sau khi sửa đổi lần thứ 3 năm 2011, giáo trìnn bổ sung nội dung giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử của người lái xe khi tham gia giao thông, kỹ năng xử lý các tình huống trên đường, sơ cấp cứu người bị nạn giao thông. Các nội dung về đảm bảo an toàn giao thông cho người lái xe cũng đã được đưa vào đào tạo, bảo đảm người lái xe có đủ kỹ năng cần thiết vận hành xe an toàn.
 
"Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, trên cơ sở nghiên cứu giáo trình đào tạo lái xe của Nhật Bản, Mỹ, Singapore và tình hình thực tế, Tổng cục Đường bộ VN đang biên soạn lại bộ giáo trình đào tạo lái xe để cập nhật các nội dung kiến thức mới về xe ô tô, hệ thống báo hiệu đường bộ, bổ sung các nội dung liên quan đến đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông, bổ sung các kỹ năng xử lý tình huống trên đường giao nhau, đường bộ với đường sắt, kỹ năng lái xe trên đường băng tuyết, đường cao tốc, đường đồi núi, đường trơn... và đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan", bà Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
 
Theo ông Lương Duyên Thống Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện và người lái - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện công tác quản lý sát hạch lái xe được thực hiện rất chặt chẽ. Theo quy định của quy chuẩn, Trung tâm sát hạch lái xe phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất như phòng sát hạch lý thuyết, phòng điều hành thiết bị sát hạch thực hành lái xe, sân sát hạch, xe sát hạch và các hạng mục công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe, được lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động sát hạch lý thuyêt và thực hanh lái xe, hệ thông loa, màn hình tại phòng chờ để công khai quá trình và kết quả sát hạch từng khâu, được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động để Hội đồng sát hạch của các Sở Giao thông vận tải sử dụng làm địa điểm tổ chức sát hạch lái xe cho người dân có nhu cầu. Hiện nay việc sát hạch lái xe ô tô đã sử dụng thiết bị chấm điểm tự động ở toàn bộ quá trình sát hạch. Để nâng cao tính công khai, minh bạch chống các biểu hiện tiêu cực, các kỳ sát hạch đều được tổ chức khai mạc thông báo rõ các quy định và có lực lượng thanh tra giám sát. Do đó, chất lượng sát hạch đã nâng cao rõ rệt, các tiêu cực đã được hạn chế tới mức thấp, được dư luận rất đồng tình, đánh giá cao. Hiện nay, tỷ lệ trung bình đạt yêu cầu của các kỳ sát hạch lái xe khoảng 65%, so với tỷ lệ đạt  khoảng 90% đến 95% trước đây.
 
Sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ý kiến của các Vụ, Ủy ban ATGT quốc gia về nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sát hạch quản lý giấy phép lái xe cũng nh kinh nghiệm của các nước về các vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục rà soát lại các nội dung, chương trình đào tạo cả lý thuyết và thực hành, đồng thời bổ sung các nội dung mới cho sát với thực tế hạ tầng giao thông nước ta. Trong đó phải có các nội dung để học viên nhận diện các tình huống nguy hiểm khi lái xe, phương pháp xử lý những tình huống nguy hiểm, trong nội dung thi cần có những nội dung có tính tiên quyết (tình huống liên quan đến thái độ, hành vi của lái xe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng) để nếu học viên xử lý sai thì có thể đánh trượt luôn. 
 
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần nghiên cứu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, quản lý đào tạo lái xe, tăng cường thời gian thực hành của học viên trong hệ thống giao thông công cộng, xem xét định kỳ sát hạch trình đội đội ngũ giảng viên, sát hạch viên lái xe.

"Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan cần tiếp tục báo cáo Phó Thủ tướng công tác phối hợp quản lý giấy phép lái xe giữa Bộ GTVT và Bộ Công an", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
 

Nguồn: http://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/55532/ra-soat--bo-sung-chuong-trinh-dao-tao-lai-xe-sat-voi-thuc-te.aspx 

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG