Ngày 27/7 hằng năm, nhân dân cả nước ngược dòng lịch sử, nhớ về những trang sử hào hùng của dân tộc.
Trong dòng hồi tưởng đó, hình ảnh biết bao người Việt Nam đã hy sinh tuổi xuân, xương máu và tính mạng để gìn giữ hòa bình và độc lập cho dân tộc lại hiện về, trong số đó có những người con của ngành Giao thông vận tải đã nằm lại trên suốt chiều dài đất nước. Các anh, các chị lặng lẽ hy sinh trên những cung đường mịt mù bom đạn để nối liền mạch máu giao thông, vận tải vũ khí, hàng hóa… phục vụ cho các chiến trường đánh giặc. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Nhà xuất bản Giao thông vận tải trân trọng giới thiệu một số ấn phẩm đã xuất bản viết về những con người quả cảm đó, như một “Khúc tưởng niệm” dành cho thế hệ đi trước.
ĐƯỜNG 20 QUYẾT THẮNG (NHIỀU TÁC GIẢ)
Đường 20 Quyết Thắng thuộc hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại. Nơi trận tuyến này, Binh trạm 14, Ban Xây dựng 67 Bộ Giao thông vận tải, Trung đoàn cao xạ 224, các trung đoàn tên lửa 238, 275,... đã buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận thất bại hoàn toàn trên mặt trận giao thông vận tải. Cuốn sách “Đường 20 Quyết Thắng” được xuất bản thể theo tình yêu, hoài niệm một thời oanh liệt, hào hùng, trăm thương ngàn nhớ đồng đội một thời sinh tử có nhau. Những trang viết của những người còn sống đối với đồng động đã hy sinh thật sự xúc động bạn đọc.
NHỮNG NĂM TIỀN TUYẾN GỌI (NHIỀU TÁC GIẢ)
“Những năm tiền tuyến gọi” - tái hiện lại một thời hào hùng đánh giặc của cả nước, trong đó có những người con quê lúa Thái Bình. Biết bao chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi viết đơn ra tiền tuyến bằng máu với mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào sự bình yên của Tổ quốc. Và nhiều người đã mãi mãi nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn, gắn tên mình vào những địa danh huyền thoại: ngầm Ta Lê, cửa khẩu Cha Lo, đỉnh Trà Ang, đèo Phu La Nhích, đường 20 Quyết Thắng... Những người còn sống trở về với đời thường, có người mang thương tật suốt đời, nhiều chị em quá lứa lỡ thì, có chị cắt tóc đi tu… Nhưng dù ở hoàn cảnh nào họ vẫn luôn là những tấm gương mẫu mực trong xây dựng kinh tế, văn hóa cộng đồng… luôn giữ vững phẩm chất người thanh niên xung phong Việt Nam.
Cuốn sách “Những năm tiền tuyến gọi” là những trang hoài niệm của những cựu thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình tưởng nhớ đến đồng đội đã ngã xuống, ôn lại kỷ niệm chiến trường gian khổ ác liệt, kỷ niệm trong cuộc sống lao động sản xuất khi trở về với đời thường.... Cuốn sách còn là một tư liệu quý giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Thái Bình nói riêng, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung trong hành trình bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay và mai sau.
TRUÔNG BỒN - MỘT THỜI VÀ MÃI MÃI (NHIỀU TÁC GIẢ)
Truông Bồn là một đoạn đèo dốc như thế có chiều dài 5 km, độ cao gần 70 m trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450 m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30 - đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đây là cung đường độc đạo, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng - kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
“Truông Bồn - Một thời và Mãi mãi” là cuốn sách gửi gắm trong đó biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc của nhiều tác giả mỗi khi nhớ về mười ba thanh niên xung phong “Tiểu đội cảm tử” - “Tiểu đội thép” - “Tiểu đội cọc tiêu sống” anh hùng đã hy sinh trên cung đường độc đạo Truông Bồn. Cuốn sách gồm hai phần:
Phần I - “Truông Bồn - Quên và nhớ” gồm 23 bài bút ký của các nhà văn, nhà báo nổi tiếng như Trần Huy Quang, Lê Minh Khuê, Lê Đức Dục, Tạ Duy Anh...
Phần II - “Khúc tưởng niệm” gồm 23 bài thơ tiêu biểu của các nhà thơ như: Vương Trọng, Văn Hiền, Mai Hồng Niên, Nguyễn Đăng Chế...
TRUÔNG BỒN - KHÚC TRÁNG CA VỀ LÒNG QUẢ CẢM (NHIỀU TÁC GIẢ)
Một lần nữa Truông Bồn lại được nhắc lại trong cuốn sách “Truông Bồn - Khúc tráng ca về lòng dũng cảm” bởi địa danh Truông Bồn đã trở thành huyền thoại. Nơi đây đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca vì quyết tâm sắt đá: Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do và thống nhất của Tổ quốc. Nhà xuất bản Giao thông vận tải xuất bản cuốn sách “Truông Bồn - Khúc tráng ca về lòng quả cảm” giúp bạn đọc hiểu sâu và khách quan hơn về tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của các tập thể, cá nhân tại mảnh đất Truông Bồn khi làm công tác đảm bảo giao thông trên đường 15A - con đường chiến lược vận tải vào Nam.
HUYỀN THOẠI CẦU HIỀN LƯƠNG (NHIỀU TÁC GIẢ)
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, địa danh cầu Hiền Lương - cây cầu vắt qua sông Bến Hải hiền hoà, thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cũng đã đi vào huyền thoại, gắn liền với những chiến công hào hùng và sự hy sinh anh dũng của lớp lớp những người con đất Việt. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết, coi vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời, cây cầu Hiền Lương và đôi bờ dòng sông Bến Hải đã trở thành địa danh lịch sử, nơi gửi gắm tình cảm và niềm tin, chia sẻ nỗi đau chia cắt hai miền Nam - Bắc. Trong cuộc chiến đấu kiên cường ấy, cầu Hiền Lương và lá quốc kỳ Việt Nam luôn là biểu tượng, là niềm tin chói sáng, cổ vũ nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Năm tháng qua đi, giờ đây, cây cầu ấy đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại của bài ca giữ nước gắn liền với biết bao sự hy sinh thầm lặng của lớp lớp đồng bào đồng chí. “Huyền thoại cầu Hiền Lương” tập hợp nhiều bài viết về những tấm gương hy sinh quên mình của những người đã chiến đấu, hy sinh và giữ trọn lời thề với đất nước, non sông; những câu chuyện tưởng như rất đời thường trong chiến tranh, nhưng đó là ý chí, là niềm tin về ngày thống nhất, là chí khí quật cường của cả một dân tộc.
Đây là những cuốn sách trong tủ sách "Lịch sử - Truyền thống ngành Giao thông vận tải" của Nhà xuất bản GTVT.
Ngô Thị Bích Diệp