Ngày 7/02/2014, Nhà xuất bản GTVT đã tổ chức cho cán bộ, biên tập viên, nhân viên đi thực tế ở Hà Nam, Hưng Yên tìm hiểu về "Văn minh sông Hồng".
Đồng bằng sông Hồng là vùng đất rộng lớn nằm quanh khu vực Hạ Lưu sông Hồng bao gồm 11 tỉnh và thành phố: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Quảng Ninh với dân số hơn 20 triệu người có thể xem là cái nôi của văn minh người Việt.
Trong số 7 vùng du lịch của cả nước, nơi đây chiếm tới 70% số lượng di tích. Số di tích được công nhận ở tầm thế giới cũng lớn nhất cả nước. Bề dày lịch sử hàng nghìn năm với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Hòa Bình rực rỡ đã bồi đắp nên một vùng đất giàu tiềm năng du lịch, nhất là du lịch văn hóa tâm linh.
Nét đặc trưng nổi trội của văn minh sông Hồng đó chính là văn minh sông nước. Gần như mọi mặt của đời sống con người gắn rất chặt và bị chi phối bởi hai yếu tố sông và nước. Văn minh sông Hồng là nền văn minh có sự giao tiếp đến cao độ, bắc xuống, nam lên, đông qua, tây lại bởi vậy nó được bồi đắp lên rất nhiều lớp văn hóa.
Kho di sản văn hóa phi vật thể của văn minh sông Hồng cũng hết sức giàu có và độc đáo. Không chỉ có hàng nghìn lễ hội. Đây cũng là nơi đã sinh ra các loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc với ca trù, các chiếu chèo Thái Bình, Nam Định nức tiếng, những điệu chầu văn hòa với tín ngưỡng thờ Mẫu đầy bản sắc, rồi hát đúm, quan họ Bắc Ninh say đắm lòng du khách bốn phương, hát xẩm, hát ru, đồng dao…Trong sự đa dạng phong phú đó lại là sự thống nhất đồng điệu do hoàn cảnh tự nhiên và lịch sử.
Trong vùng đồng bằng sông Hồng, Hà Nam và Hưng Yên là hai tỉnh có vị trí đặc biệt.
Đoàn cán bộ, biên tập viên, nhân viên Nhà xuất bản đã về Hà Nam và Hưng Yên nơi được coi là "Vùng phù sa văn hóa" của "Văn minh sông Hồng", tìm hiểu các giá trị phi vật thể của văn hóa Hà Nam và văn hóa phố Hiến.. Nam Hà là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, hiện nay có hơn 100 lễ hội được tổ chức theo nghi thức truyền thống. Đối với Hưng Yên, đây là vùng đất đã đi vào câu ca "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến". Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử nhưng hiện nơi đây còn bảo tồn, lưu giữ lại được hơn 100 di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó có 18 di tích đã được xếp hạng quốc gia như Đền Mẫu, Đền Thiên Hậu....
Về Đền Lảnh Giang (Hà Nam), theo thần phả, ngôi đền này thờ Tam vị danh thần đời Hùng Vương thứ 18 và Tiên Dung công chúa, Chử Đồng Tử. Tam vị danh thần là 3 con rắn, con của nàng Quý người trang Hoa Giám (nay là xã Yên Lạc) có công giúp vua Hùng Duệ Vương chống lại Thục Phán, được phong là Nhạc Phủ Ngư thượng đẳng thần, sau được gia phong là Trấn Tây An Tam Kỳ Linh ứng thái thượng đẳng thần. Trên mảnh đất này còn lưu truyền câu chuyện quen thuộc về Tiên Dung và Chử Đồng Tử trong kho tàng truyện kể dân gian Việt Nam.
Ngoài giá trị tâm linh, đền Lảnh Giang còn là trung tâm của các cơ sở cách mạng trên đất Mộc Nam, ngọn cờ búa liềm sớm nhất được treo trên cây đa đình làng Yên Lạc (1931). Tháng 7/1945 nhân dân tập trung ở sân đền nghe đồng chí Lê Thành tuyên truyền chủ trương của phong trào cách mạng. Ngày 20/8/1945 nhân dân tập trung ở sân đền kéo về huyện lỵ tham gia cướp chính quyền…Tháng 10/1946 chi bộ đầu tiên của tổng Mộc Hoàn và Ủy ban hành chính kháng chiến khu Mộc Hoàn được thành lập ở đây. Đền Lảnh Giang là cơ sở tin cậy để các cán bộ, đảng viên huyện về nằm vùng hoạt động, theo dõi tình hình địch, lãnh đạo tổ chức chính quyền cách mạng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược...
Đợt đi tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh - thành tố quan trọng của "Văn minh sông Hồng" nơi vùng "Phù sa văn hóa" tỉnh Hà Nam và Hưng Yên đã có tác dụng bồi đắp thêm nhận thức về các giá trị văn hóa đối với cán bộ, biên tập viên, nhân viên Nhà Xuất bản GTVT.
Một số hình ảnh trong chuyến đi:
Tam quan Đền Lảnh Giang (Hà Nam)
Lãnh đạo Nhà Xuất bản và cán bộ, biên tập viên chụp ảnh lưu niệm trước Tam quan đền Lảnh Giang
Lễ hội đền Lảnh Giang hằng năm được tổ chức trong 3 ngày 2-4/6 Âm lịch
Cách đền Lảnh Giang 50m là đền Cửa Sông (Đền Cờ)
Đền Trần Đại Vương (Hưng Yên) thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn
Đền Mẫu được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông, năm 1279
Phía trước Đền là hồ Bán Nguyệt phong cảnh hữu tình
Các giá trị văn hóa ngày càng được bảo tồn phát huy tác dụng trong quá trình phát triển ở Hà Nam và Hưng Yên (Trong ảnh: Đại lộ Nguyễn Văn Linh ở TP. Hưng Yên)