Sáng ngày 8/1/2016, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo TW và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị cơ quan chủ quản nhà xuất bản (NXB) năm 2015.
Toàn cảnh Hội nghị
Tới dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ; Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quý Doãn. Tham dự Hội nghị có ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện các Ban, Bộ, Ngành TW; đại diện lãnh đạo các cơ quan chủ quản NXB, lãnh đạo các NXB trên toàn quốc.
Theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính đến 31/12/2015, các NXB trong cả nước đã đăng ký 75.531 cuốn; Cục đã xác nhận đăng ký xuất bản 73.597 cuốn. Tổng số xuất bản phẩm đã nộp lưu chiểu cho cơ quan quản lý nhà nước là 29.120 cuốn, với 363.012 triệu bản, về cơ bản không giảm so với năm 2014. Hoạt động xuất bản đã ổn định và có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng tham gia hoạt động xuất bản đã chấp hành ngày càng nghiêm túc các quy định của Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan… Nội dung xuất bản phẩm đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Cũng trong năm qua, các NXB đã xuất bản được nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phục vụ những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước…
Tuy nhiên, dù số lượng sách xuất bản tăng hơn so với năm trước, nhưng chất lượng xuất bản phẩm chưa tương xứng, vẫn còn một số xuất bản phẩm có nội dung vô bổ, nhảm nhí, thậm chí sai lệch. Một số NXB tiếp tục hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả, thu nhập thấp, đời sống cán bộ, công nhân viên gặp nhiều khó khăn…
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản Ban Tuyên giáo TW đã chỉ rõ hàng loạt hạn chế, nhược điểm trong hoạt động của các NXB.
Đáng chú ý nhất, yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các NXB đang đứng trước những thách thức gay gắt. Số cán bộ được đào tạo, có trình độ, kinh nghiệm hoạt động xuất bản đang thưa vắng dần. Trên 50% lãnh đạo NXB không qua đào tạo chuyên ngành xuất bản. Nhiều cán bộ được điều động “ngang” sang xuất bản, trong đó có người không được chuẩn bị về nghiệp vụ.
Một hạn chế khác của các NXB là việc đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hiện đã có trên 90% số NXB có trang web riêng để quảng bá thương hiệu và giới thiệu sách trên Internet. Nhiều NXB có tài khoản trên mạng xã hội để tiếp cận gần hơn với độc giả trẻ. Một số NXB đã chú trọng đầu tư cho ứng dụng CNTT, điển hình như NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật được đầu tư 1,4 tỷ đồng để triển khai Đề án số hóa; Bộ Khoa học Công nghệ đầu tư cho NXB Khoa học & Kỹ thuật 267 triệu đồng để triển khai số hóa tài nguyên bản thảo quý.
Nhưng nhìn chung, phạm vi và trình độ ứng dụng công nghệ của các NXB còn nhiều hạn chế. Đa số các NXB mới chỉ dừng ở mức sử dụng công cụ tin học để hỗ trợ một phần quy trình xuất bản. Các công nghệ mới theo mô hình xuất bản hiện đại đáp ứng đòi hỏi của truyền thông đa nền tảng, truyền thông hội tụ không có điều kiện phát triển. Xuất bản điện tử vẫn ở giai đoạn thí điểm, chỉ được một số ít NXB quan tâm.
Một số NXB tuy đủ điều kiện về trụ sở nhưng vẫn còn trong tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, có vướng mắc về thủ tục hoặc không đủ điều kiện để mở rộng và phát triển hoạt động của NXB theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa. Điển hình là NXB Thế giới phải đi thuê trụ sở, giá đất và giá nhà tăng cao khiến NXB không có khả năng tài chính để chi trả (mỗi năm 3,4 tỷ đồng, hiện số nợ đã lên tới hơn 5 tỷ đồng).
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản Nguyễn An Tiêm: Một trong những nguyên nhân cơ bản của hiện trạng nêu trên là sự thiếu quan tâm của cơ quan chủ quản, chưa quan tâm đúng mức về vị trí, vai trò của NXB. Không ít cơ quan chủ quản còn lúng túng, thiếu chủ động, linh hoạt trong phương án đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, buộc NXB hoạt động trong tình trạng thiếu vốn, yếu kém cơ sở vật chất kỹ thuật, hạn chế về năng lực đội ngũ cán bộ. Dẫn đến việc NXB đánh mất quyền tự chủ bị đối tác liên doanh, liên kết chi phối, không kiểm soát được nội dung. Khi NXB yếu kém, vai trò liên kết không được kiểm soát, sai sót ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan chủ quản chứ không chỉ riêng NXB.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của NXB trong liên kết xuất bản chưa thực hiện thường xuyên, có nơi bị buông lỏng, dẫn đến những sai phạm đáng tiếc. Hạn chế này nếu chậm khắc phục, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới uy tín của các NXB, khiến bạn đọc quay lưng lại với sách, ông Nguyễn An Tiêm lưu ý thêm.
Thống kê hết tháng 11/2015, chỉ có 24/63 NXB đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản về vốn, trụ sở, nhân lực. 36 NXB (chiếm 57%) thiếu nguồn tài chính để hoạt động xuất bản (vốn dưới 5 tỷ đồng); 9 NXB (chiếm 14%) không đảm bảo nguồn nhân lực vì thiếu chức danh lãnh đạo, biên tập viên hữu cơ; 3 NXB (chiếm 4%) thiếu diện tích trụ sở (dưới 200m2).
Nguồn: http://mic.gov.vn/tintucsukien/tinhoatdongcuabo/Trang/H%E1%BB%99ingh%E1%BB%8Bc%C6%A1quanch%E1%BB%A7qu%E1%BA%A3nnh%C3%A0xu%E1%BA%A5tb%E1%BA%A3nn%C4%83m2015.aspx