Tin tức - Sự kiện

Ebook không có nghĩa là có thể "nhân bản" (copy) thoải mái

- Nguồn: Thời báo KTSG

Tới đây, thay vì đi thư viện, bạn có thể ngồi nhà truy cập, mượn và trả sách điện tử (ebook) tại kho sách thư viện. Nhưng đừng quên là ngay cả mượn sách điện tử của thư viện, đôi khi cũng phải... xếp hàng chờ đến lượt.


 
Trong hội sách Cần Thơ (từ ngày 26 đến 31-3-2015), Công ty TNHH Sách điện tử Trẻ (Ybook) phát hành một loại thẻ thư viện điện tử. Qua thẻ này, người tiêu dùng sẽ mượn, trả sách trên thư viện của trang Ybook.vn theo như hình thức mượn sách in ở các thư viện truyền thống.
 
“Ebook không có nghĩa là có thể "nhân bản" (copy) thoải mái. Đây là hình thức áp dụng mô hình cho mượn sách in ở các thư viện bấy lâu vào sách điện tử”, ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Ybook, nói.
 
Cách đây một năm, khi nghĩ đến việc phát hành loại thẻ mượn ebook này, ông Vinh cùng các đồng sự đã thăm dò một số thư viện của Mỹ và được tư vấn về phương thức thực hiện, sau đó, ông cho triển khai viết phần mềm và đưa vào thực tế kinh doanh ở Việt Nam.
 
Khi có một thẻ mượn sách trong tay, khách hàng có mã số truy cập vào trang web Ybook hoặc thư viện đối tác của Ybook để tìm kiếm đầu sách điện tử cần mượn. Các trang này sẽ hiển thị cho bạn đọc biết số lượng ấn bản sách điện tử cần mượn còn lại trong kho là bao nhiêu và số lượt mượn sách còn lại trong tài khoản của chủ thẻ là bao nhiêu, thời hạn mượn sách được khống chế là bao lâu. Với những đầu sách đông người mượn, vượt quá số lượng sách có trong kho, có nghĩa là chủ thẻ phải xếp hàng chờ người khác đọc xong trả thì mới đến lượt mình.
 
Cách làm này sẽ tạo cho người đọc một ý thức rằng sách điện tử không phải là muốn copy bao nhiêu cũng được, mà phía sau đó, còn là những ràng buộc bản quyền, việc thực thi tác quyền cần thiết từ phía thư viện với nhà xuất bản, giữa nhà xuất bản với tác giả. Dần dà, với cách sử dụng dịch vụ mượn sách có bản quyền này, những người thực hiện dự án mong muốn ý thức về vấn đề sở hữu trí tuệ ở người đọc Việt Nam sẽ được tăng lên.
 
Những thiết bị di động, máy tính, thiết bị đọc chạy hệ điều hành Android, iOS hay Windows đều có thể tải và chạy được ebook của dịch vụ thư viện qua mạng này. Được biết, khi bàn giao hạ tầng và nguồn sách cho các đối tác là những thư viện, thì mọi ràng buộc thuộc về dịch vụ mượn, trả sách như mức phí, thời gian mượn... được áp dụng tùy theo quy chế của từng thư viện đối với độc giả của mình.
 
Riêng trên trang Ybook, thì vẫn có một kho thư viện (Ybook library), ở đó, khách hàng có thể đăng ký mua tài khoản theo phương thức mua sách điện tử và có thể đăng nhập sử dụng cho việc mượn sách.
 
Ngoài ra, hiện nay một số thư viện có nhu cầu tự thân cung cấp dữ liệu số, nhưng không có ai bán thì đây là một dạng dịch vụ có thể giúp cho các thư viện đưa sách đến với bạn đọc. Với hình thức này, những đầu sách độc bản của thư viện có thể được độc giả tiếp cận dễ dàng dưới dạng số hóa và được bảo vệ về mặt bản quyền.
 
“Khi bán sách điện tử cho các thư viện trong hệ thống đối tác, chúng tôi cũng bán theo hình thức khống chế số lượng ấn bản. Lâu dần, khi thói quen sử dụng sách điện tử đã phổ biến, việc mượn sách điện tử theo kiểu sách giấy được bạn đọc hưởng ứng, thì giá sách điện tử sẽ được tăng lên; việc chi trả bản quyền cho các tác giả sẽ xứng đáng và sòng phẳng hơn, ý thức sử dụng sách điện tử có bản quyền trong cộng đồng sẽ được nâng cao hơn”, ông Vinh nói.
 
Hiện nay, giá sách điện tử được Ybook bán cho các thư viện là 30% so với sách giấy. Và Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM đang chạy thử mô hình cho mượn sách điện tử theo kiểu sách giấy này với việc cho mượn miễn phí 3.000 đầu sách có bản quyền của NXB Trẻ.
 
 
“Từ kinh nghiệm của các thư viện Mỹ mà chúng tôi tham khảo, thì đây là một hình thức dịch vụ thư viện văn minh. Ngoài chuyện tiết kiệm tiền, bảo đảm tiện ích cho người đọc qua hình thức thư viện số, còn giải quyết được vấn đề bản quyền, đầu tư hạ tầng phục vụ “nhẹ” và có thể chi trả được tác quyền cho tác giả sòng phẳng. Ngoài ra, thông qua việc tích lũy điểm khi khách hàng mượn sách, thư viện có thể biết được chân dung khách hàng, đối tượng hưởng thụ dịch vụ để phục vụ tốt hơn.
 

Với các thư viện trên thế giới áp dụng hình thức này mà chúng tôi từng tham khảo qua, thì có thể nói đây là một thị trường lớn, tiềm năng, có lẽ về lâu dài, mô hình dịch vụ này còn được quan tâm hơn cả thị trường sách điện tử truyền thống mà chúng ta đang thấy. Nhưng vấn đề chính của chúng tôi sau khi ra mắt dịch vụ này vẫn là phát triển nguồn sách điện tử chất lượng tốt để đáp ứng được nhu cầu các thư viện và người đọc”, ông Đồng Phước Vinh nói. 

 

 

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG