Năm 2015, tình trạng phát hành xuất bản phẩm vi phạm Luật Xuất bản không rõ nguồn gốc, không có chứng từ, hóa đơn hợp lệ... có chiều hướng gia tăng, không chỉ tập trung ở Hà Nội và TPHCM mà còn lan nhanh đến nhiều địa phương khác; tạo điều kiện tiếp tay cho tình trạng in lậu, vi phạm bản quyền... Ông Chu Văn Hòa (ảnh), Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành, Bộ TT-TT đã trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Được coi là một trong những nguyên nhân bóp nghẹt sự sống của ngành xuất bản, song in lậu vẫn đang hoành hành?
Ông CHU VĂN HÒA: In lậu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành xuất bản mà còn là hoạt động góp phần phá hoại các ngành sản xuất, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, an ninh của quốc gia. Coi việc phòng, chống in lậu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản nên Cục Xuất bản đã chỉ đạo các nhà xuất bản, cơ sở phát hành, đối tác liên kết xuất bản thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về việc đặt in xuất bản phẩm với các cơ sở in có chức năng in xuất bản phẩm, tránh sự tiếp tay cho hoạt động in lậu.
° Các trường hợp in lậu bị phát hiện thường chỉ chịu phạt hành chính mà chưa bị xử lý hình sự. Các chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe?
° Đúng vậy. Hình thức chế tài với các cơ sở in cũng cần phải xem xét bổ sung để nghiêm minh hơn, có sức răn đe hơn để theo kịp với thực tế. Có những trường hợp cơ quan quản lý phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực in ấn và ra các văn bản xử lý, tuy nhiên các cơ sở này lại lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, chây ì không chịu thực thi. Điển hình như việc phạt 140 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với cơ sở in hai cuốn sách luật có minh họa hình nghệ sĩ Công Lý. Tuy nhiên cơ sở này đã không chịu chấp hành án phạt mà đã chuyển máy móc đi nơi khác để né tránh.
° Giải pháp đưa ra là gì, thưa ông?
° Có những đối tượng hoạt động tinh vi, di chuyển liên tục, nấp sâu ở các địa bàn mà Cục Xuất bản in và phát hành không thể làm gì được. Thậm chí có những cơ sở in lại thuê đất và hoạt động trong phạm vi quản lý của công an, quân đội khiến cơ quan chuyên ngành in muốn kiểm tra, quản lý cũng không thể thực hiện được. Do đó, cùng với việc bổ sung chế tài nghiêm khắc hơn thì cũng cần có sự phối hợp của các đơn vị liên quan mới có thể giải quyết được vấn nạn này.
Theo tôi, việc không thống kê được có bao nhiêu cơ sở in là điều khó có thể chấp nhận bởi lẽ nếu mù mờ như vậy thì xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển ngành in như thế nào? Do đó việc cần thiết là phải buộc các cơ sở muốn hoạt động cần phải đăng ký. Cũng có nhiều ý kiến khác nhau về yêu cầu này khi cho rằng đó là quy định gây cản trở sản xuất. Song trên thực tế, nếu cơ sở in làm ăn tốt, chấp hành nghiêm chỉnh thì không sao nhưng khi anh vi phạm thì phải có địa chỉ cụ thể để có thể quản lý, kiểm tra được. Đăng ký là gắn trách nhiệm của địa phương (phường, xã, quận) đối với việc quản lý.
Nhiều tỉnh, thành phố chưa nắm hết số lượng cơ sở in hoạt động trên địa bàn do một thời gian dài bỏ không đăng ký hoạt động in (đây chính là bất cập của quy định pháp luật) dẫn đến tình trạng in lậu, in trái phép vẫn thường xảy ra. Theo tôi, để kiểm soát được tình hình in lậu cần phải có sự đấu tranh đồng bộ, cương quyết, chia sẻ trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương; giữa các lực lượng thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông với công an, quản lý thị trường, hải quan… Trong đó, công an phường, tổ dân phố cũng đóng vai trò rất quan trọng.
° Việc lần đầu tiên cấp chứng chỉ hành nghề biên tập viên được coi là một mốc son của ngành xuất bản. Tuy nhiên, con số Cục Xuất bản in và phát hành đưa ra là chỉ có 40/62 NXB lãnh đạo được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập liệu có gây xáo trộn cho lĩnh vực này?
° Luật Xuất bản năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013 đã xác định rõ giám đốc NXB không bắt buộc có chứng chỉ hành nghề, nhưng tổng biên tập và biên tập viên thì đó là yêu cầu bắt buộc. Các lãnh đạo các NXB chưa có chứng chỉ hành nghề đều rơi vào những trường hợp không tham gia các khóa học do Bộ TT-TT tổ chức. Từ 2014 đến 2015 chúng tôi đã tổ chức 12 lớp học và có tới 10 công văn nhắc nhở.
Nếu tổng biên tập không có chứng chỉ hành nghề biên tập thì máy dừng, không cho phép nhập dữ liệu lưu chiểu. Với các NXB mà tổng biên tập chưa có thẻ, họ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với chính NXB và cơ quan chủ quản.
° Cấp chứng chỉ hành nghề biên tập được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng hoạt động xuất bản?
° Lâu nay, mỗi khi một cuốn sách có sự cố dư luận thường dồn hết lên đầu tác giả, hoặc là tổng biên tập, còn trách nhiệm của biên tập viên đến đâu thì rất mờ nhạt. Trước đây, họ không có nhiều trách nhiệm, nhưng giờ trách nhiệm buộc phải đặt lên hàng đầu, điều đó đồng nghĩa, họ sẽ tăng khả năng bảo vệ nghề của mình, không thể để giám đốc, tổng biên tập tự quyền quyết định nhiều việc như trước đây. Ví dụ tình trạng NXB bán giấy phép cho đối tác, ghi khống tên biên tập, dẫn đến việc ra đời những tác phẩm chất lượng rất tệ. Đến khi bị cơ quan quản lý tuýt còi, nhiều biên tập viên mới giật mình, không biết mình biên tập tác phẩm đó từ bao giờ. Vì thế, khi được cấp thẻ hành nghề, liệu lãnh đạo các NXB còn dám bán tên biên tập nữa không? Giấy phép hành nghề chính là để giảm tải tình trạng “đi đêm” kiểu này.
° Chứng chỉ hành nghề biên tập là thẻ không có thời hạn, vậy còn những điều kiện về thu hồi trong trường hợp xảy ra vi phạm?
° Chứng chỉ hành nghề biên tập viên có đặc điểm: Nếu không vi phạm gì thì có giá trị đến hết đời. Tuy nhiên, theo Nghị định 159, Bộ TT-TT cũng quy định rõ các trường hợp phải thu hồi thẻ như: Có hai xuất bản phẩm vi phạm trong một năm, hoặc là hai xuất bản phẩm phải thu hồi chỉnh sửa, một xuất bản phẩm thu hồi tiêu hủy, hoặc là biên tập viên không tham gia các khóa đào tạo cập nhật của cơ quan quản lý nhà nước. Một năm sau khi bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, họ được xem xét cấp lại.
° Xin cảm ơn ông!
MAI AN