Trước áp lực phát triển và tốc độ của Internet hiện nay, cần có phương thức quản lý tốt hơn đối với thông tin trên mạng cũng như với hoạt động của các trang tin điện tử, báo điện tử - Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Tại hội nghị tổng kết 2014, triển khai kế hoạch 2015 của 4 đơn vị: Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại và Vụ Thông tin cơ sở sáng nay, Bộ trưởng nêu rõ việc quản lý Internet đang đứng trước nhiều thách thức, do khâu đảm bảo an toàn thông tin trong nước còn yếu.
Lành mạnh hóa môi trường báo chí, xuất bản
Những vụ tấn công nhằm vào VCCorp trong năm qua chính là sự cảnh báo rõ ràng nhất. Trong khi đó, báo điện tử đang dần lất át báo in để trở thành loại hình thống trị trong đời sống báo chí. Tốc độ và sự tương tác cao của Internet càng khiến cho việc tác nghiệp báo chí trên môi trường mạng cần có sự thận trọng hơn, bởi một bài báo chỉ cần vừa đăng lên đã có nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả gửi về.
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Ảnh: Xuân Lộc
Chính vì tầm quan trọng của báo chí nói riêng và 5 lĩnh vực quản lý nhà nước mà Bộ TT&TT đang trực tiếp phụ trách (báo chí, xuất bản, bưu chính, CNTT, viễn thông) như vậy nên thách thức và trách nhiệm đặt ra cho Bộ cũng rất nặng nề. Một hoạt động trọng tâm trong năm 2015 sẽ là chấn chỉnh các sai phạm trong lĩnh vực báo chí.
"Các cơ quan báo chí của ngành TT&TT cần phải gương mẫu đi đầu, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo.
Thời gian qua, Thanh tra Bộ đã liên tiếp xử phạt nhiều cơ quan báo chí sai phạm, trong đó có cả báo ngành. "Những năm trước có lúc còn ngại nhạy cảm nên không phạt hoặc phạt không hết. Nhưng từ nay trở đi các Cục quản lý trực tiếp sẽ phải làm quyết liệt theo đúng chức năng của mình".
Việc này thể hiện rõ quyết tâm chấn chỉnh, lành mạnh hóa môi trường báo chí, thông tin điện tử của cơ quan quản lý, mà theo lời của Bộ trưởng thì để nhằm mục tiêu "làm trong sạch ngay đội ngũ báo chí của ngành, của đất nước để thế lực thù địch không thể lợi dụng".
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ: Năm 2014, bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế chậm phục hồi, xung đột diễn ra ở nhiều nơi, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Trong nước, môi trường kinh doanh còn hạn chế, hiệu quả sức cạnh tranh còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập ngày càng cao.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực báo chí, PTTH&TTĐT, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, dưới sự lãnh đạo của Bộ, đã hoàn thành được một khối lượng công việc đồ sộ.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn. Ảnh: Xuân Lộc
Đáng kể nhất là việc kiên quyết xử lý nhiều vi phạm trong lĩnh vực báo chí, góp phần lập lại trật tự kỷ cương, bảo vệ những người làm báo chân chính... trên nguyên tắc "không có vùng cấm trong xử phạt báo chí". Cơ quan quản lý cũng thường xuyên chỉ đạo báo chí tuyên truyền các giải pháp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế…
Đặc biệt, lĩnh vực an ninh quốc phòng, tuyên truyền đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chương trình hội nhập quốc tế, đặc biệt tuyên truyền chủ quyền biên giới quốc gia nói chung, chủ quyền biển, đảo nói riêng, được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, trong năm 2015, tình hình quốc tế sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, các nước lớn tranh giành ảnh hưởng và xung đột có khả năng diễn ra ở nhiều nơi, do đó, các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin báo chí càng có vai trò, trách nhiệm quan trọng. Thứ trưởng yêu cầu các Cục chức năng tập trung định hướng tuyên truyền tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tham nhũng; giữ vững an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục lành mạnh hóa môi trường báo chí, xuất bản; sắp xếp lại quy hoạch báo chí, xây dựng luật Báo chí, các nghị định, thông tư… ; tuyên truyền đại đoàn kết dân tộc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước...
5 báo điện tử bị phạt vì đưa tin sai sự thật về nạn móc túi ở Hà Nội
5 tờ báo điện tử, bao gồm: Thanh niên, Infonet, Tiền phong, Tri thức trực tuyến và Một thế giới vừa bị Thanh tra Bộ TT&TT ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì đưa tin sai sự thật về nạn móc túi ở Hà Nội.
Thanh niên điện tử và 4 tờ báo khác vừa bị phạt vì đưa tin sai sự thật về nạn móc túi ở Hà Nội.
Thanh tra Bộ TT&TT vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 tờ báo điện tử vì có hành vi đưa thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh và phát triển kinh tế, du lịch của thành phố Hà Nội trong bài báo “Hà Nội đứng thứ 9 thế giới về… nạn móc túi” hồi cuối tháng 10 vừa qua.
Cụ thể, báo điện tử Thanh niên bị phạt 15 triệu đồng, 3 tờ báo điện tử bị phạt mỗi báo 10 triệu đồng bao gồm: Infonet, Tiền phong, Tri thức trực tuyến; báo điện tử Một thế giới bị phạt 6 triệu đồng.
Các báo điện tử này được giảm nhẹ hình phạt do đã kịp thời gỡ bỏ ngay tin, bài khi phát hiện ra sai sót và thực hiện cải chính, xin lỗi theo quy định. Ban biên tập các báo cũng đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính.