Tin tức - Sự kiện

Bảo vệ bản quyền sách: DN chân chính... “nản lòng”

- Bá Tú/DĐDN

Bắt quả tang một đơn vị in lậu sách, chủ sở hữu quyền tác giả khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại. Sau 3 năm theo kiện, cuối cùng chủ sở hữu... thua kiện. Điều phi lý đó lại có thật ở VN.



Hiện First News có hơn 180 đầu sách bán chạy bị in lậu tại Hà Nội. Các tên sách như “Đắc nhân tâm”... cùng 18 tên sách Hạt giống tâm hồn bị in lậu và bán trên thị trường với giá cao hơn sách thật. (Ảnh: Các đầu sách lậu nằm trong cơ sở gia công Huy Thi bị bắt quả tang).
 
Việc TAND TP Hà Nội vừa bác đơn kháng cáo của Cty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) khởi kiện Cơ sở in Huy Thi đang thể hiện sự “bó tay” của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về quyền tác giả, tác phẩm.
 
Bắt quả tang vẫn thua kiện
 
Trở lại vụ việc, ngày 12/11/2011, sau hơn hai tháng độc lập điều tra, Cty Trí Việt đã phối hợp cùng các trinh sát, công an PC 46 thuộc Công an TP Hà Nội đã ập vào khám xét, kiểm tra khẩn cấp toàn bộ hệ thống Cơ sở gia công sau in Huy Thi (nhà số 6, dãy A, Khu tập thể nhà in Bộ Tổng Tham Mưu, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị tung ra thị trường những lô hàng in lậu với nhiều trủng loại. Cơ quan chức năng đã thu giữ gần 10.000 cuốn sách in lậu thành phẩm và bán thành phẩm, rất nhiều sách giả, một số lượng lớn các trang bìa và ruột đã in xong của những cuốn sách chưa rõ nguồn gốc. Trong đó, hai đầu sách bị làm giả nhiều nhất là “Quẳng gánh lo đi & vui sống”, và “7 thói quen của bạn trẻ thành đạt” do Cty Trí Việt giữ bản quyền độc quyền xuất bản tại Việt Nam.
 
Trước hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng của Cơ sở Huy Thi, ngày 3/1/2012, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Thi – chủ Cơ sở Huy Thi với nội dung: xử phạt tiền 25 triệu đồng và tịch thu tiêu hủy 2.500 cuốn sách và bìa hai cuốn sách trên.
 
Theo đại diện của Cty Trí Việt, hộ kinh doanh cá thể của ông Nguyễn Văn Thi không được phép của Cty Trí Việt đã làm giả hai tác phẩm trên. Điều đó đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và gây tổn thất về uy tín và quyền lợi cho Cty Trí Việt. Vì vậy, tháng 7/2012, Cty Trí Việt đã khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hộ kinh doanh cá thể của ông Nguyễn Văn Thi phải bồi thường 550 triệu đồng cho Cty Trí Việt.
 
Sau gần 2 năm chờ đợi, đến ngày 29/4/2014 TAND huyện Thanh Trì đã mở phiên xử sơ thẩm. Tại phiên sở thẩm, bị đơn ông Nguyễn Văn Thi cho rằng, cơ sở kinh doanh của ông là hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh với chức năng đóng xén các sản phẩm sau in, không có chức năng in, chế bản, không buôn bán các thành phẩm sách trên thị trường. Tháng 11/2011, ông Thi có nhận đóng xén sau in qua điện thoại cho một khách hàng với 2 tác phẩm nói trên với số lượng 2.500 cuốn. Khi đang hoàn thiện 2 tác phẩm này thì bị cơ quan chức năng kiểm tra. Do không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc 2 tác phẩm trên nên đã bị lực lượng chức năng lập biên bản, thu giữ toàn bộ sách và sau đó bị phạt vi phạm hành chính. Theo ông Thi, cơ sở của ông chỉ đóng xén mà không in sách nên không chấp nhận bồi thường.
 
Hội đồng xét xử sở thẩm đã tuyên trắng án đối với cơ sở in Huy Thi với hai lý do: thứ nhất, phía Huy Thi phủ định mình là chủ lô hàng trên, nên một khi cơ quan điều tra chưa xác định được ai là chủ thì chưa thể luận tội; thứ hai, vì lô hàng trên chỉ mới ở dạng đang gia công, chưa được đưa ra thị trường, nên không xác định được thiệt hại thương mại mà cơ sở in này gây ra cho Cty Trí Việt. Cty Trí Việt đã bị tòa bác đơn và phải chịu 26 triệu đồng án phí.
 
Không thỏa mãn với kết quả bản án sở thẩm, Cty Trí Việt đã làm đơn kháng án. Và ngày 27/8/2014, TAND TP Hà Nội tuyên y án sơ thẩm.
 
Ai phải chứng minh ?
 
Kết quả của vụ án trên đang khiến dự luận đặc biệt là các DN làm ăn chân chính trong lĩnh vực in ấn, xuất bản sách cảm thấy nản lòng. Để một DN có thể tự điều tra, phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng bắt quả tang một sơ sở in sách lậu là chuyện không dễ dàng. So với thực trạng hoạt động in lậu đang diễn ra tràn lan, việc Cty Trí Việt phối hợp với PC 46 Công an TP Hà Nội có thể bắt quả tang một đơn vị tham gia in lậu là việc làm rất hiếm có cơ hội gặp được.
 
Tuy nhiên, nghịch cảnh của bản án cho thấy, Cty Trí Việt đã bị mừng hụt. Không chỉ bị xâm hại đến quyền lợi chính đáng, Cty Trí Việt đã mất 3 năm để theo đuổi vụ kiện, nhưng kết cục vẫn chịu hoàn toàn phần thua thiệt. Ngược lại, Cơ sở Huy Thi chỉ bị phạt hành chính 25 triệu đồng.
 
Thực tế tại phiên tòa cho thấy, ông Nguyễn Văn Thi - chủ Cơ sở in Huy Thi chỉ cần nói rằng, cơ sở ông chỉ in gia công loạt sách này theo đơn đặt hàng của một khách hàng đặt hàng qua điện thoại mà sau đó không thấy liên lạc lại. Với cái lý đơn giản này, tòa án chưa thể luận tội vì chưa biết chủ lô hàng thực sự là ai? Trong khi đó, vụ việc này đơn chỉ đơn thuần là vụ kiện dân sự nên trách nhiệm chứng minh thiệt hại của hai bên đương sự. Khi không phát hiện có dấu hiệu hình sự, cơ quan cảnh sát điều tra phải đứng ngoài cuộc.
 
Về phía Cty Trí Việt, DN này đòi Cơ sở in Huy Thi phải bồi thường 550 triệu đồng thiệt hại. Bởi vì, Cty Trí Việt cho rằng, hành vi tham gian in lậu của Cở sở Huy Thi là vi phạm bản quyền, làm thiệt hại doanh thu và ảnh hưởng uy tín thương hiệu của DN này đã gầy dựng 20 năm qua. Tuy nhiên, Tòa án lại cho rằng, sách chưa phát hành thì chưa có chứng cứ xác định thiệt hại. Rõ ràng, để chứng minh thiệt hại một cách cụ thể và chi tiết là việc không thể đối với tất cả các DN xuất bản sách bị xâm hại, đặc biệt trong trường hợp trên khi cơ sở in chỉ là một khâu của quá trình vi phạm.
 
Tình trạng sách lậu tràn lan là một thực tế mà chính các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Xuất bản, Bộ TT -TT… đều công nhận. Tuy nhiên, để nói số lượng sách lậu cụ thể là bao nhiêu, gây thiệt hại từng nào thì rất khó có thể cân đo, đong đếm được. Thực tế vụ án cho thấy, hệ thống pháp luật dường như “bó tay” trước việc bảo vệ bản quyền tác giả sách nói riêng, sở hữu trí tuệ nói chung.
 
Trách nhiệm của đơn vị in lậu (Ý kiến của LS Lưu Vũ Anh – Văn phòng LS Tinh hoa Việt, Đoàn LS Hà Nội)

Việc in ấn, buôn bán sách lậu là vi phạm Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ. Các hành vi này có thể bị xử phạt hành chính bởi Nghị định 02/2011 (Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản) và Nghị định 47/2009 (Quy định về xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan). Mức phạt cho hành vi in lậu được quy định từ 30 đến 40 triệu đồng. Còn hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm có thể bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất lên đến 400 triệu đồng tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm.

Tuy nhiên, thực tế việc xử phạt trên vẫn khá nhẹ chưa tương xứng với những thiệt hại mà nó gây ra. Để bắt được các cơ sở in ấn hoặc kinh doanh sản phẩm xuất bản lậu với số lượng lớn là rất khó. Họ sẽ không dại gì tập trung hàng lậu với số lượng lớn mà xé lẻ để tẩu tán ngay. Bắt được họ đã khó, nhưng căn cứ vào số lượng sách in lậu bắt được để xử phạt so với lợi nhuận cùng từng đầu sách thì chắc sẽ chẳng thấm vào đâu.

Vụ việc Cty Trí Việt là một ví dụ, một cơ sở in lậu với số lượng lớn như vậy chỉ bị xử phạt hành chính 25 triệu đồng thì không đáng kể gì tới lợi nhuận của họ cũng như thiệt hại mà họ gây ra với chủ sở hữu bản quyền tác phẩm. Đáng lưu ý hơn, những vi phạm của các cơ sở in lậu không chỉ xâm hại tới quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả mà gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, làm nhụt ý chí sáng tạo của cả cộng đồng.

Ngoài ra, việc một cơ sở in lậu chối bỏ trách nhiệm bằng cách nói đặt hàng người khác qua điện thoại (không biết là ai) thật khó chấp nhận. Tòa án nên yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ chủ thể của hàng lậu.

Xử phạt chưa đủ sức răn đe

Tính đến nay, VN đã có 10 năm tham gia Công ước Bern về bảo vệ bản quyền tác phẩm văn học. Luật Xuất bản cũng đã có hiệu lực hơn một năm (Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2013). Như vậy để nói rằng, VN đã có đầy đủ tất cả các quy định pháp luật về bảo vệ quyền tác phẩm. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng in lậu ở VN đã tồn tại nhức nhối nhiều năm qua vẫn chưa dẹp bỏ được, thậm chí có dấu hiệu ngày càng tinh vi, phát triển ở quy mô lớn. Sách giả, sách lậu vẫn đang được bày bán tràn lan ở các vỉa hè, ở trong các hiệu sách ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn thừa nhận, hoạt động xuất bản, in, phát hành còn không ít những hạn chế, yếu kém, bất cập. Tình trạng in lậu vẫn diễn ra phức tạp, công khai ở nhiều nơi, sách in lậu thuộc nhiều thể loại bán công khai. Đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng.

Hơn nữa, Luật Xuất bản của chúng ta chỉ đưa ra những quy định về trách nhiệm của người làm xuất bản, chứ đưa đề cập kỹ về quyền lợi của người làm xuất bản. Tức là quyền được bảo vệ khi bị xâm phạm hoặc có tranh chấp về lợi ích kinh tế, và cụ thể sẽ được bảo vệ như thế nào, mức độ xử lý ra sao đối với từng trường hợp chi tiết cụ thể… Ngoài ra, Luật Xuất bản cũng chưa có đủ quy định chế tài chi tiết đối với những hành vi cung cấp dịch vụ hoặc gián tiếp xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ kiểu như nhận gia công số lượng sách lậu quy mô lớn.
 

Với những gì đang diễn ra, những DN làm trong lĩnh vực này đang cảm thấy rất lo lắng và bức xúc. Bởi vì một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sách in lậu đang trở thành vấn nạn là do chế tài, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. 

 

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG