Tin tức - Sự kiện

26% dân số VN không đọc sách: Tỷ lệ thực cao hơn nhiều?

- Triệu Quang/Dân Việt

Dựa trên những số liệu điều tra xã hội học, Vụ Thư viện đưa ra tỷ lệ 26% dân số Việt Nam hoàn toàn không đọc sách. Tuy nhiên, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà – Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tỷ lệ thực tế ở ngoài xã hội còn cao hơn nhiều.


Người Việt chỉ đọc 1 - 2 cuốn sách/năm?
 
Mới đây, báo cáo về tỷ lệ người Việt đọc sách của Vụ Thư viện (Bộ VH, TT&DL) đã chỉ ra rằng, có tới 26% dân số Việt Nam hoàn toàn không đọc sách, 44% người thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên để đọc và chỉ 30% người đọc sách thường xuyên. Những số liệu thống kế ấy không khỏi khiến nhiều người giật mình.
 
Ngày 11.12, trao đổi với phóng viên, bà Vũ Dương Thúy Ngà – Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thư viện (Bộ VH, TT&DL) cho biết, điều tra xã hội học của Vụ Thư viện khảo sát trên gần 1.000 người với nhiều lứa tuổi, ngành nghề, vùng miền... Trong đó, các đối tượng hướng tới chủ yếu là những học sinh, sinh viên đang theo học tại nhà trường.
 
Con số 26% người Việt hoàn toàn không đọc sách được chúng tôi đưa ra sau khi thống kê trên những người điền phiếu. Đó chỉ là số liệu chưa chính xác nhưng theo tôi, tỷ lệ thực ngoài xã hội còn cao hơn nhiều”, bà Ngà cho hay.
 
Theo Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thư viện, tỷ lệ 26% dân số Việt Nam hoàn toàn không đọc sách là thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bà Ngà dẫn chứng, một số nước như Thái Lan, Singapore... mỗi người dân đọc trung bình 7 cuốn sách/năm còn ở Việt Nam, con số chỉ khoảng 1-2 cuốn sách/năm.
 
Bà Ngà cũng chỉ ra rằng, đọc sách trên internet (ebook) cũng được coi là đọc sách. Tuy nhiên, đôi khi đọc báo hoặc cập nhật thông tin trên internet chưa hẳn được coi là đọc sách. Hiện nay, tỷ lệ người dân đọc sách in và sách điện tử đan xen nhau nên khó thống kê.
 
Tỷ lệ người dân, học sinh khối phổ thông thường đọc sách in nhiều hơn. Trong khi đó, sinh viên trong các các trường ĐH, CĐ tỷ lệ đọc ebook và đọc tài liệu trên internet nhiều hơn”, bà Ngà nói.
 
Trước thực trạng tỷ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách cao như vậy, bà Ngà cho rằng, đọc sách ít sẽ khiến đời sống tinh thần của người dân không phong phú, tính nghĩa hiệp trong cuộc sống hằng ngày mất đi khiến con người sống vô cảm, làm việc không đúng chuẩn mực... Đối với trẻ nhỏ, không đọc sách sẽ thiếu kiến thức, thiếu nghị lực vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn.
 
Bà Ngà chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc với lời dạy của Bác Hồ, đó là “Một dân tộc dốt là 1 dân tộc yếu”. Bác coi đọc sách là một phương thuốc chữa tội ngu. Đọc sách là để nâng cao dân trí, nâng cao kĩ năng sống, mở rộng tri thức, ứng xử văn hóa... Các quốc gia phát triển trên thế giới luôn coi trọng việc đọc sách của người dân. Đó là nền tảng hình thành tri thức cho con người”.
 
Hy vọng trong thời gian tới, văn hóa đọc sách của người Việt Nam sẽ được chú trọng và cải thiện hơn. Sách cũng cần nâng lên cả về số lượng và chất lượng để thu hút người dân. Vì nếu, dân trí không cao sẽ có những hậu quả khôn lường cho mai sau”, bà Ngà nói.
 
 

Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/26-dan-so-vn-khong-doc-sach-ty-le-thuc-cao-hon-nhieu-647190.html 

 

 

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG