Cuộc tọa đàm “Quyển sách thay đổi cuộc đời” đã thu hút rất nhiều bạn trẻ với câu hỏi: “Bạn đọc trẻ đang đọc như thế nào?" vừa mới diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Ba thế hệ đọc sách
Ban tổ chức đã mời ba nhân vật có thể xem là đại diện ba thế hệ những người đọc sách gồm nhạc sĩ Trần Tiến của thế hệ trải qua chiến tranh, nhà văn Danh Lam của những người đang ở tuổi trưởng thành và tác giả Mai Anh của thế hệ trẻ hiện nay. Và mỗi người trong số họ, qua thói quen đọc sách của mình đã phần nào phản ánh sự biến đổi của văn hóa đọc trong nước qua thời gian.
Nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, khi đó rất ít sách và cũng rất ít có điều kiện để đọc sách. Sau khi nước nhà thống nhất, các anh mới có điều kiện để đọc và đã đọc rất nhiều để bù vào những năm tháng trước đó. Thế nhưng sau đó, việc đọc chững lại, chỉ đọc những gì mình thật sự thích hay thật sự quan tâm, các thể loại sách còn lại hầu như không chú ý đến.
Là thế hệ lúc đất nước vừa mở cửa, đang chuyển mình mạnh mẽ, nhà văn Danh Lam lại tiết lộ thói quen đọc sách của mình cũng như của một số bạn bè mà anh biết. Đó là đọc tất cả những gì có thể, thậm chí cả những tác phẩm không thuộc thể loại ưa thích. Danh Lam cho rằng, ở mỗi tác phẩm đều có thể học được một điều gì đó có lợi cho mình, thậm chí là tác phẩm dở cũng học được bài học kinh nghiệm để chính bản thân sau này không phạm phải những sai lầm đó. “Chúng tôi như miếng bọt biển, đọc tất cả những cuốn sách có thể đọc được, hút mọi kiến thức có thể hút được”, nhà văn Danh Lam nói.
Cây bút trẻ Mai Anh lại đưa ra một câu chuyện khác. Là một người có nghề nghiệp liên quan đến viết lách, chính bản thân cũng có một tác phẩm đã được xuất bản nhưng Mai Anh lại thừa nhận mình ít đọc. Nhiều tác phẩm nghe tên tuổi, tiếng đồn ầm ĩ cũng ráng chạy đi mua nhưng không phải để đọc mà là để chụp ảnh cùng sách rồi khoe lên mạng xã hội như một cách cho biết mình cũng quan tâm đến đọc. “Ấy thế mà tính ra trong bạn bè cùng trang lứa, mình cũng thuộc dạng đọc nhiều rồi đấy”, Mai Anh tâm sự.
Người trẻ đọc gì?
Nếu ý kiến của nhạc sĩ Trần Tiến không nhận được nhiều tranh luận do khách tham dự chủ yếu là giới trẻ thì ngược lại, ý kiến của nhà văn Danh Lam và tác giả Mai Anh lại gây tranh luận sôi nổi. Hoàng Vinh, sinh viên năm thứ hai Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đọc theo kiểu của nhà văn Danh Lam rất khó vì nếu tác phẩm không phải thuộc loại ưa thích thì đọc không có hứng thú, rất mệt mỏi và mau chán. Linh, cũng là sinh viên Đại học Y khoa, thì lại thắc mắc là nếu đọc hết kiểu đó thì làm sao nhớ nội dung của sách. Như Ý, sinh viên Đại học Y Dược lại cho rằng, hiện nay có quá nhiều loại sách nên việc đọc hết là không tưởng, cần phải có sự chọn lọc…
Phát biểu của các bạn trẻ đã bộc lộ một thực tế là người trẻ ngày nay có điều kiện tiếp xúc với một khối lượng sách nhiều hơn hẳn các thế hệ trước đó nhưng lại hụt hẫng một kiến thức nền tảng về chọn sách phù hợp, đọc sách đúng cách.
Chính vì vậy, những vị khách mời đã vô cùng bối rối trước những câu hỏi kiểu “thế nào là sách hay?”, “làm sao biết cuốn sách hay hoặc dở?”, “sách hay là sách như thế nào?”… Trước những câu hỏi này, nhà văn Danh Lam nêu ra một trường hợp, nhiều năm trước khi còn là sinh viên, anh có dịp đọc một kiệt tác văn chương thế giới nhưng lại chẳng thấy cái hay ở đâu. Có lúc anh còn cho rằng tác phẩm đó được lăng xê quá đáng, còn giá trị thật thì không có. Qua thời gian, đọc nhiều, biết nhiều và đến một ngày khi đọc lại kiệt tác đó anh mới thấy được sự vĩ đại của nó.
Đó cũng là mâu thuẫn trong vấn đề đọc sách hiện nay của các bạn trẻ. Thiếu hụt kiến thức nền, nhất là kiến thức về văn chương nên không thấy cái hay của tác phẩm. Không thấy hay nên không đọc và vì không đọc nên kiến thức không được nâng cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều bạn trẻ ít đọc sách.
Tuy nhà văn Danh Lam và tác giả Mai Anh là những nhân tố chính để tranh luận nhưng bài học từ kinh nghiệm đọc sách của thế hệ nhạc sĩ Trần Tiến lại trở thành câu trả lời khả dĩ cho việc phát triển văn hóa đọc trong giới trẻ hiện nay: Đọc những gì mình thích, tạo thành thói quen đọc sách và thói quen đó sẽ giúp bạn đọc trẻ dần nâng cao kiến thức và cùng với những trải nghiệm từ cuộc sống sẽ cảm nhận tác phẩm ngày càng cao hơn.