Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của các chủ thể tham gia giao thông, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông.
Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông giai đoạn 2013 – 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2015, 95% người tham gia giao thông được phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn giao thông, 85% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe, 100% lãnh đạo các cấp chính quyền được tuyên truyền về an toàn giao thông, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Đến 2015, 85% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục pháp luật
về an toàn giao thông - Ảnh minh họa
Nội dung thông tin tuyên truyền được thiết kế phù hợp cho các nhóm đối tượng: Các đơn vị kinh doanh vận tải; học sinh, sinh viên; người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là đội ngũ lái xe khách, lái xe tải nặng, xe siêu trường, siêu trọng và người điều khiển mô tô, xe gắn máy; cán bộ, lãnh đạo, công nhân viên và người lao động tại các cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp; các cấp chính quyền Trung ương và địa phương; các đối tượng tham gia giao thông khác.
6 nội dung tuyên truyền
Theo Quyết định, có 6 nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông.
Thứ nhất, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về an toàn giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không.
Thứ hai, tuyên truyền về tình hình tai nạn giao thông để cảnh báo, nhắc nhở người tham gia giao thông.
Thứ ba, trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, tuyên truyền mạnh và thường xuyên về quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và an toàn xã hội; phổ biến tuyên truyền về những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, di chứng do tai nạn giao thông gây ra.
Thứ tư, trong lĩnh vực an toàn giao thông đường thủy, tuyên truyền mạnh và thường xuyên về các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, trong hoạt động chở khách du lịch, chở khách trên sông; vận động người đi đò mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân.
Thứ năm, trong lĩnh vực an toàn giao thông đường sắt, tuyên truyền mạnh và thường xuyên về quy tắc an toàn đường sắt, an toàn khi vượt qua đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Thứ sáu, tuyên truyền các giải pháp giảm ùn tắc giao thông đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
5 nhiệm vụ chính
Để thực hiện các nội dung tuyên truyền nêu trên, Đề án đưa ra 5 nhiệm vụ chính:
1- Biên tập các tài liệu tuyên truyền các quy định về giao thông và đảm bảo an toàn giao thông;
2- Xây dựng hệ thống thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng;
3- Thông tin tuyên truyền qua các hệ thống thông tin cơ sở;
4- Xây dựng hệ thống truyền thông qua các phương thức khác;
5- Tổ chức hoạt động tuyên truyền qua việc tổ chức các cuộc thi.
Trong đó, với nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ tăng thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng về pháp luật, quy định của pháp luật, pháp chế, cơ chế, chính sách đã ban hành của Đảng, Nhà nước về an toàn giao thông giúp người dân nhận thức được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với công tác bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời, giúp người dân nhận thấy quyền và nghĩa vụ của mình khi trực tiếp tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, sản xuất các phóng sự, chương trình quảng cáo trên phát thanh, truyền hình theo các chủ đề khác nhau nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật an toàn giao thông của người dân; xây dựng nếp sống văn hóa cho tất cả mọi người trong xã hội khi tham gia giao thông; phổ biến tuyên truyền về những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, di chứng do tai nạn giao thông gây ra.
Đồng thời, đưa tin bài, phóng sự phản ánh tình trạng vi phạm an toàn giao thông, hình ảnh tai nạn giao thông và hình ảnh, bài viết về gương người tốt việc tốt trong việc chấp hành tốt pháp luật giao thông; đưa những hình thức và biện pháp xử lý mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đặc biệt là các hành vi như: Chạy quá tốc độ, vượt sai quy định, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, chở quá số người quy định.
Về nhiệm vụ thông tin tuyên truyền qua các hệ thống thông tin cơ sở, tuyên truyền theo từng điểm áp dụng với khu vực đông dân cư trên các trục quốc lộ, đường đô thị có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao; các tụ điểm phức tạp về an toàn giao thông, các tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông, các khu công nghiệp, trường học. Ngoài ra, cần tuyên truyền theo đối tượng. Cụ thể, cần vận động và tập trung vào các đối tượng có độ tuổi từ 16 đến 35 tuổi, nhất là nam giới. Đây là độ tuổi dễ vi phạm an toàn giao thông và thường gây tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, xây dựng các đội tuyên truyền văn hóa lưu động ở cấp huyện nhằm cung cấp trực tiếp cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn hiểu biết những thông tin cơ bản về an toàn giao thông và văn hóa an toàn giao thông bằng các phương pháp và hình thức dễ hiểu như văn nghệ, tiểu phẩm sân khấu, tấu hài… trong thời gian thích hợp.