Các đơn vị ngoài SI, trong đó có một số đơn vị cổ truyền và cổ của Việt Nam và của Trung Hoa sẽ được giới thiệu và chuyển đổi sang đơn vị SI. Đối với vấn đề hết sức khó khăn này, chúng tôi thấy cũng cần nêu ra những điểm khác biệt giữa các tài liệu, để bạn đọc cân nhắc khi sử dụng. Một chương được dành riêng thảo luận về khối lượng, trọng lượng cùng các đơn vị liên quan và ví dụ áp dụng chúng trong chuyên ngành tàu biển và hàng hải. Những vấn đề về đơn vị tiền tệ thường gặp hằng ngày cũng được nêu ra ở Phụ lục. Quy định về cách viết biểu thức và đơn vị đo là một nội dung quan trọng của cuốn sách này. Một khi đã nắm được lí do vì sao phải có những quy định ấy thì việc viết đúng quy định sẽ trở nên chủ động và dễ dàng hình thành thói quen mới. Bạn đọc, nếu quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, có thể bỏ qua các nội dung khác mà đọc ngay vào Chương 5. Những đơn vị đo lường chi tiết hơn trong các lĩnh vực cụ thể khác nhau có thể tìm thấy ở những phần riêng của bộ TCVN 6398:1998/ISO 31:1992 và những tài liệu phổ biến về đơn vị đo lường của Ủy ban Cân đo quốc tế (CIPM) và của Viện Cân đo quốc tế (BIPM). Các đơn vị đo lường trong các lĩnh vực khoa học đặc thù, dược phẩm, thể thao, kích cỡ giấy, kích cỡ nòng súng, vv cũng chưa được nói đến.