Hầu hết trong số họ là cán bộ ngành GTVT, tuổi đời còn rất trẻ, được biệt phái vào Bộ Tư lệnh Trường Sơn 559, thầm lặng luồn rừng, bạt núi đi trước mở đường. Suốt cuộc hành trình 16 năm gian khổ cho đến ngày đất nước thống nhất, một mạng đường dọc ngang chằng chịt dọc dãy Trường Sơn cứ vươn dài, tiếp nối làm kẻ thù hoàn toàn thất bại trong việc ngăn chặn tuyến chi viên chiến lược này, góp thành tích to lớn vào chiến công chung của toàn dân tộc. Đọc “Khảo sát thiết kế mở đường Trường Sơn thời chống Mỹ cứu nước” ta thêm cảm phục bộ đội Trường Sơn, mặc dù khó khăn gian khổ vẫn không ngăn nổi sự lạc quan, yêu đời của người chiến sỹ, đó là những câu chuyện vui giúp họ thư dãn quên đi sự mệt nhọc trên đường hành quân, lúc giải lao, quên đi cái đói trong những ngày ăn củ mài cầm hơi. Chẳng hạn câu chuyện về nguồn gốc tên đèo Đá Đẽo là một ví dụ; Có những câu chuyện cảm động làm ai cũng phải nghẹn ngào, bởi sự hy sinh của các chiến sỹ trong hoàn cảnh quá thương tâm. Cũng có những câu chuyện khiến người đọc phải cười ra nước mắt, vừa thương nhưng lại vừa khâm phục đức tính hy sinh, chịu đựng gian khổ, lòng nhân ái của bộ đội Trường Sơn… Cuốn sách không chỉ để những người trong cuộc nhớ lại và suy ngẫm mà còn là niềm tự hào của lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân ngành cầu đường nói riêng, cán bộ - công nhân viên ngành GTVT hôm nay và mai sau, vì đã có một thời, có một thế hệ đồng nghiệp đóng góp công sức vào sự nghiệp chung của dân tộc một cách thầm lặng như vậy.