Tin tức - Sự kiện

5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản trong năm 2015

- Ban Web (giới thiệu)

(Nxbgtvt.vn). Như tin đã đưa cuối tháng 1/2015, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị Cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2014. Tại Hội nghị Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu rõ 5 nhiệm vu của ngành Xuất bản năm 2015. Đó là:


 
Thứ nhất, tăng cường giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế của Nhà xuất bản một cách thấu tình, đạt lý. Chỉ đạo, định hướng các Nhà xuất bản có kế hoạch, lựa chọn đề tài thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ, sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, các ngày lễ lớn trong năm, bảo đảm tính tư tưởng, tính khoa học, sự đa dạng, hấp dẫn của các xuất bản phẩm, phấn đấu có nhiều sách hay phục vụ bạn đọc, đồng thời cũng nâng cao hiệu quả kinh tế của Nhà xuất bản.

Thứ  hai, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, quản lý, công tác chủ quản, trước hết là hoàn chỉnh định hướng chiến lược và qui hoạch mô hình hoạt động, hợp nhất Nhà xuất bản đang bộc lộ nhiều hạn chế, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững của các đơn vị xuất bản. Giải quyết triệt để các mâu thuẫn, bất cập ở các nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp vốn đang gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi tạo điều kiện cho các Nhà xuất bản phát huy hết nội lực vốn có của mình. Bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 5 năm (2015-2020), các cơ quan chỉ đạo, quản lý phối hợp với cơ quan chủ quản khẩn trương hoàn thiện định hướng chiến lược và qui hoạch phát triển Ngành Xuất bản, tính toán khoa học, chính xác trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các Nhà xuất bản, tránh hiện tượng thực hiện nhiệm vụ chồng chéo, tạo môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh. Mạnh dạn xóa bỏ những Nhà xuất bản hoạt động thiếu hiệu quả, phụ thuộc vào đối tác liên kết, để sai phạm kéo dài. Các Nhà xuất bản không thể chỉ là nơi cấp giấy phép cho các nhà sách, để nhà sách chi phối hoạt động, không kiểm soát nội dung dẫn đến những sai sót đáng tiếc.

Thứ ba, cơ quan chủ quản cần tăng cường các nguồn lực, phương tiện làm việc cho Nhà xuất bản, nhất là cơ chế vốn (theo quy định của Luật Xuất bản 2012), đảm bảo đơn vị có thể hoạt động và phát triển; với những cơ quan chủ quản lớn, cần mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đặc biệt công nghệ cho xuất bản điện tử vốn là một lĩnh vực được dự báo sẽ đóng vai trò then chốt trong tương lai.

Thứ tư, cơ quan chủ quản đặc biệt quan tâm đến công tác qui hoạch và đào tạo cán bộ, làm tốt công tác cán bộ, xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ cán bộ làm xuất bản, giữ vững lập trường, quan điểm chính trị và chất lượng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên, vững về nghiệp vụ, giỏi về chuyên môn. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ 5 năm, 10 năm…, để từ đó hình thành định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn, khắc phục tình trạng bị động, tránh tình trạng phụ thuộc vào cán bộ được điều động về lãnh đạo; giải quyết cơ bản tình trạng khủng hoảng về nhân lực chất lượng của nhiều Nhà xuất bản hiện nay. Cơ quan chủ quản cũng cần rà soát, khẩn trương bổ sung các chức danh lãnh đạo chủ chốt của đơn vị còn đang khuyết hiện nay, đảm bảo bộ máy hoạt động của Nhà xuất bản vận hành ổn định.
 

Thứ năm, để chuẩn bị tổng kết 10 năm ban hành Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, sơ kết 5 năm thực hiện các Quyết định 281, 282, 283 của Ban Bí thư. Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiến hành các công việc cho tổng kết: xây dựng Kế hoạch triển khai và Hướng dẫn số 114-HD/BTGTW ngày 02/6/2014, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, hội; các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương triển khai, tổ chức tổng kết, báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương đến hết tháng 12/2014. Đề nghị các cơ quan chủ quản rà soát, tiến hành tổng kết, báo cáo để chuẩn bị cho buổi tổng kết 10 năm Chỉ thị 42 vào đầu quý II năm 2015 tới đây. 

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG