Quy định về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195 của Chính phủ

2015/1/15 15:58 - Nguồn : Ban Web (giới thiệu)
 
Những điểm cần lưu ý của Thông tư này quy định cụ thể chủ thể thực hiện chế độ báo cáo định kỳ của Nhà xuất bản; văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, của tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài; cơ sở phát hành xuất bản phẩm là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có trụ sở và chi nhánh tại hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ sở hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm và tổ chức, cá nhân phát hành xuất bản phẩm điện tử phải báo cáo bằng văn bản về tình hình hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Xuất bản, In và Phát hành). Theo đó, việc gửi báo cáo thực hiện theo một hoặc nhiều cách: Qua đường bưu chính, fax, nộp trực tiếp, gửi qua mạng Internet bằng thư điện tử (e-mail). Trường hợp gửi qua mạng Internet bằng thư điện tử (e-mail), văn bản báo cáo phải là các tệp tin có định dạng Word hoặc Excel và kèm định dạng Pdf được quét (scan) từ văn bản giấy để so sánh, đối chiếu, bảo đảm tính chính xác của thông tin báo cáo.
 
Lĩnh vực xuất bản:
 
Yêu cầu đối với bản thảo được ký duyệt; bản thảo in trên giấy thông thường; bản thảo in trên giấy can, trên phim phải được biên tập hoàn chỉnh, có chữ ký của tổng biên tập tại bìa, trang đầu, trang cuối và chữ ký của biên tập viên nhà xuất bản trên bìa, từng trang bản thảo; bản thảo điện tử là tệp tin phải được tổng biên tập, biên tập viên nhà xuất bản thực hiện biên tập hoàn chỉnh và được chứa trong đĩa CD, đĩa CD-ROM, USB, ổ cứng máy tính hoặc thiết bị lưu trữ dữ liệu khác với định dạng tệp không cho phép sửa đổi. Trường hợp nộp hồ sơ qua mạng Internet, cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép phải có chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp và thực hiện theo hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó việc ghi thông tin trên xuất bản phẩm thực hiện theo quy định đối với xuất bản phẩm dưới dạng sách in: Trên bìa một không ghi tên tác giả, tên người dịch, tên người phiên âm, tên người biên soạn đối với sách có nội dung nguyên văn văn kiện của Đảng; văn bản quy phạm pháp luật; văn bản kinh, giáo luật của tôn giáo đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Đối với tài liệu không kinh doanh trên trang in số giấy phép xuất bản, phải có dấu và chữ ký của lãnh đạo cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản hoặc người được lãnh đạo cơ quan, tổ chức ủy quyền bằng văn bản. Đối với xuất bản phẩm điện tử: Có chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp để thực hiện nộp lưu chiểu xuất bản phẩm qua mạng Internet và đảm bảo tính toàn vẹn của xuất bản phẩm nộp lưu chiểu và xuất bản phẩm nộp cho Thư viện Quốc gia Việt Nam.
 
Lĩnh vực in xuất bản phẩm:
 
Cơ sở in thực hiện một hoặc các công đoạn chế bản, in, gia công sau in xuất bản phẩm phải có thiết bị tương ứng với từng công đoạn.
 

Lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm:

 

Trước khi hoạt động 15 ngày, cơ sở phát hành xuất bản phẩm là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập phải đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm theo từng trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 37 của Luật Xuất bản. Trường hợp nộp hồ sơ qua mạng Internet, cơ sở phát hành phải có chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp và thực hiện theo hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Chủ cơ sở phải có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm của người đứng đầu cơ sở phát hành do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm cấp.

 

Đối với Phát hành xuất bản phẩm điện tử, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, Cục Xuất bản, In và Phát hành có trách nhiệm kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện trong đề án theo ý kiến thẩm định và có văn bản xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cho nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân; trường hợp không xác nhận đăng ký phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Nhà xuất bản và tổ chức, cá nhân phát hành xuất bản phẩm điện tử phải đáp ứng điều kiện về giải pháp kỹ thuật kiểm soát bản quyền số trong hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP. Định dạng số của xuất bản phẩm điện tử phải phù hợp với phương tiện điện tử phổ biến và tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và cho phép thiết lập khả năng chống can thiệp, thay đổi và sao chép trái phép một phần hoặc toàn bộ nội dung xuất bản phẩm điện tử. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2015. 

 

Toàn văn Luật Xuất bản 2012 tại đây

 

Toàn văn Nghị định 195/2013/NĐ-CP tại đây

 

Toàn văn Thông tư xin mời dowload tại đây