Đạo đức biên tập viên xuất bản trong tình hình hiện nay

2015/1/13 16:29 - Nguồn : Nguồn: Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Phạm Văn Thấu, Trưởng khoa Xuất bản nhấn mạnh: “Đạo đức nghề nghiệp là một bộ phận của đạo đức xã hội. Đạo đức nghề nghiệp bao gồm những yêu cầu đạo đức đặc biệt, các quy tắc và chuẩn mực trong lĩnh vực nghề nghiệp nhất định, nhằm điều chỉnh hành vi của các thành viên trong nghề nghiệp đó sao cho phù hợp với lợi ích và sự tiến bộ của xã hội. 
 
Cơ sở của đạo đức nghề nghiệp là đạo đức xã hội. Tính chất của đạo đức nghề nghiệp tương đồng, tỉ lệ thuận với tính chất của đạo đức xã hội, theo đó đạo đức nghề nghiệp vừa thể hiện là một phần của đạo đức xã hội, vừa phản ánh đạo đức xã hội”.
 

TS Phạm Văn Thấu, Trưởng khoa Xuất bản báo cáo đề dẫn Hội thảo
 
Trao đổi về đạo đức nghề nghiệp của biên tập viên xuất bản, PGS,TS. Trần Văn Hải khái quát những tiêu chí sau: Xuất bản phải luôn đặt lợi ích văn hoá xã hội, lợi ích bạn đọc lên hàng đầu; Trung thực, khách quan là chuẩn mực quan trọng trong đạo đức nghề nghiệp xuất bản; Tôn trọng, hết lòng vì tác giả, luôn bảo vệ lợi ích cho tác giả; Người làm xuất bản phải luôn có ý thức cầu thị, học tập suốt đời để làm giàu trí tuệ và hoàn thiện nhân cách của bản thân.
 
Bàn về lao động biên tập, PGS, TS. Trần Văn Hải nêu 3 đặc trưng đó là: Tính lựa chọn: Biên tập là việc lựa chọn tác phẩm tinh thần để đáp ứng nhu cầu truyền bá và tiếp nhận văn hóa của xã hội; Tính gia công: Người biên tập không phải tạo ra tác phẩm mới mà thực chất là người gia công các sản phẩm do người khác tạo ra. Tính gia công đòi hỏi biên tập viên phải có tay nghề cao cường, bởi họ có thể gia công cho tác phẩm hoàn thiện, hoàn mĩ hơn nhưng cũng có thể biến chúng thành phế phẩm bởi những sửa chữa vụng về. 
 
PGS. TS. Trần Văn Hải tham luận
Nghề biên tập chính là nghề làm đẹp cho tác phẩm, cho “tòa lâu đài trí tuệ” mà tác giả dày công xây dựng. Tính môi giới trung gian: Trong hoạt động xuất bản, biên tập là khâu trung gian nối liền hoạt động sản xuất tinh thần với hoạt động sản xuất vật chất Trong thực hiện chức năng truyền thông, biên tập chính là chiếc cầu nối giữa tác giả và bạn đọc.
  
ThS Vũ Thuỳ Dương, Phó trưởng khoa Xuất bản nêu những yêu cầu về phẩm chất của biên tập viên như sau: Phẩm chất và bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất văn hóa. Ngoài trình độ lí luận cơ bản, đào tạo chuyên ngành bài bản, tầm nhìn tri thức rộng, tri thức cơ bản về ngôn ngữ chuyên sâu, còn phải bao gồm cả phương pháp tư duy tốt, và phương pháp học tập khoa học…. Ngoài ra biên tập viên phải có khả năng thao tác kĩ thuật hiện đại…
 
Bàn về đạo đức biên tập viên, ThS Nguyễn Lan Phương khái quát: Đạo đức nghề nghiệp biểu hiện trong tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập bản thảo, trong quan hệ với các tác giả và trong việc xử lí các quan hệ lợi ích trong hoạt động xuất bản. Còn trong lao động nghề nghiệp,  biên tập viên phải có được những phẩm chất như: chuyên môn khoa học về chuyên ngành được phân công biên tập, kĩ năng nghiệp vụ biên tập xuất bản, trình độ nhất định về tin học, ngoại ngữ, ngôn ngữ tiếng Việt, trình bày văn bản… Và đặc biệt, biên tập viên phải có tri thức về thị trường và năng lực kinh doanh.
 
Nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ trong công tác biên tập, TS. Huỳnh Thị Chuyên cho rằng phương tiện ngôn ngữ trong biên tập bao gồm không chỉ kiến thức lí luận về ngôn ngữ (ngữ năng) mà còn gồm cả sự thực hiện ngôn ngữ, tức là khả năng sử dụng ngôn ngữ vào giao tiếp. Vì vậy, để làm tốt việc đó, hoạt động biên tập ngôn ngữ đòi hỏi sự vững vàng về sử dụng ngôn ngữ và ngôn ngữ học nói chung. 
 
Cụ thể là biên tập viên phải là người nhạy cảm về ngôn ngữ, nắm chắc ngôn ngữ học đại cương, cơ sở lí
ThS. Vũ Thuỳ Dương, Phó trưởng khoa Xuất bản tham luận
thuyết tiếng mẹ đẻ trên tất cả mọi phương diện, mọi cấp độ, đặc biệt là lí thuyết chuẩn về ngữ âm, từ vựng và phong cách học chức năng về văn bản. Ngoài ra, biên tập ngôn ngữ cũng đòi hỏi người biên tập phải có một trình độ nhất định về ngoại ngữ. Trình độ ngoại ngữ càng nhiều, càng sâu sắc càng tốt.
 
Hội thảo còn được nghe ý kiến của các đại biểu về những yêu cầu, phẩm chất, năng lực cũng như bàn về đạo đức của biên tập viên xuất bản hiện nay. Theo đó, hiện nay, một bộ phận biên tập viên đang sa sút về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Họ để lọt ra thị trường những cuốn sách sai phạm như: Từ điển tiếng Việt (NXB Trẻ), Văn hóa Việt Nam (NXB Thời đại), Mật mã Đa Vinci (NXB Văn hoá – Thông tin), Những dấu chân của mẹ (NXB Văn học)…  
 
Do vậy, các tác giả tham luận nhấn mạnh: biên tập viên cần nắm vững được Luật Xuất bản, cụ thể là những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản; tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên. Đặc biệt trong giai đoạn sách sai phạm chủ yếu là sách liên kết như hiện nay thì biên tập viên cũng cần nắm rõ các mục trong Liên kết trong hoạt động xuất bản. Việc hiểu rõ Luật giúp mỗi biên tập viên tự biết giới hạn trong công việc của mình cũng như của đối tác xuất bản, từ đó tránh được các rủi ro sau này.
 

Tổng kết Hội thảo, TS Phạm Văn Thấu đánh giá cao những góp ý, chia sẻ của các nhà khoa học, các giảng viên, các học viên. Những gợi mở, chia sẻ về đạo đức và lao động biên tập viên sẽ giúp những người làm trong lĩnh vực xuất bản tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ và đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận cũng như giải quyết vấn đề chuyên môn hàng ngày nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc của mình, tránh được những sai phạm, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành xuất bản hiện nay. 

 

ThS. Nguyễn Lan Phương nhấn mạnh: BTV xuất bản phải có tri thức

về thị trường và năng lực kinh doanh