Năm 2014: Hàng loạt sai phạm về xuất bản bị xử lý

2015/1/13 10:36 - Nguồn : Phương Thúy (VOV)

 Từ việc thu hồi tên miền các trang mạng xã hội không có giấy phép, xử phạt các trang mạng điện tử vì thông tin phản cảm, sai sự thật, kiên quyết đình bản những xuất bản phẩm có nhiều sai sót, thậm chí ấu trĩ về mặt nội dung; đề nghị tạm dừng hoạt động của nhà xuất bản để kiện toàn lại tổ chức…là những việc làm cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm đưa lĩnh vực thông tin – xuất bản đi vào nền nếp, được dư luận quan tâm, ủng hộ thời gian qua.  

 

Nhiều sai phạm trong hoạt động xuất bản
 
Nét nổi bật trong năm 2014 là Bộ Thông tin – Truyền thông đã mạnh tay trước những sai phạm trong lĩnh vực xuất bản, với 306 xuất bản phẩm bị phát hiện và xử lý, trong đó có 120 xuất bản phẩm có nội dung sai phạm với những hình thức như: yêu cầu dừng phát hành để tái bản, sửa chữa. Nghiêm trọng hơn có những cuốn sách in hình minh họa không phù hợp, xúc phạm uy tín cá nhân và tổ chức liên quan; thông tin sai sự thật, gây hiểu lầm như cuốn “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”; hoặc có tác phẩm sai nhiều về nội dung như Từ điển Tiếng Việt của Vũ Chất ...phải thu hồi.
 
Với những sai phạm nghiêm trọng, xảy ra liên tiếp Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin và Nhà xuất bản Thời đại đã bị đề nghị đình chỉ hoạt động để kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh chuyên môn. Đồng thời 4 nhà xuất bản và 2 đối tác liên kết khác để xảy ra sai phạm ở 19 xuất bản phẩm, như không nộp lưu chiểu, không có giấy phép đăng kí xuất bản nhưng đã tự in ấn và phát hành cũng bị xử phạt.  
 
Tình trạng in lậu sách ngày càng có quy mô rộng lớn và tinh vi cũng gây khó khăn lớn cho công tác quản lý nhà nước về xuất bản. Rồi nhiều câu chuyện đáng buồn cũng nảy sinh xung quanh vấn đề bản quyền sách giáo khoa, việc sử dụng tác phẩm của các nhà văn để đưa vào sách văn học trong nhà trường nhưng lại không có cơ chế rõ ràng về nhuận bút, thù lao. Bản quyền sách còn bị vi phạm bởi sự cắt xén, cóp nhặt vô tội vạ các tác phẩm của những nhà nghiên cứu quá cố, bởi sự “vô tình hay cố ý” được gắn mác với nhiều nhà xuất bản khác nhau.
 
Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Chủ tịch Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam cho biết: “Quyền sao chép dưới dạng xuất bản, trên thế giới và cả ở Việt Nam đều là do tác giả tự thực hiện. Nói cách khác thì tác giả và nhà xuất bản phải tự bảo vệ quyền này của mình. Nhưng ở Việt Nam lại xảy ra tình trạng tác giả và nhà xuất bản quản lý về quyền xuất bản dưới dạng sách in khá lỏng lẻo. Hiện nay trên môi trường số, việc sử dụng, không xin phép sách tràn lan ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền công nghiệp xuất bản của Việt Nam và các nhà xuất bản thực sự khó mà phát triển được nếu còn tình trạng này kéo dài”.

Quyết liệt với sai phạm
 

Cuốn Từ điển có nhiều sai phạm

Trong lĩnh vực truyền thông, với trên 80 lượt trường hợp cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình bị xử phạt, trong đó có tới 2/3 trường hợp vi phạm là các báo điện tử, trang thông tin tin điện tử, mạng xã hội…cho thấy, năm 2014 là năm mà ngành Thông tin – Truyền thông đã có hành động quyết liệt với sai phạm.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội cho rằng: quá trình phát triển của các loại hình báo chí có những nấc thang khác nhau. Riêng đối với báo mạng điện tử tại Việt Nam, trên con đường đi đến sự chuyên nghiệp, loại hình báo chí này cần phải có những bước tiến trong nhận thức của các nhà báo, công chúng và cả những cơ quan quản lý báo chí. Những sai phạm xảy ra trong thời gian qua có nguyên nhân chủ quan từ ý thức của các nhà báo cũng như những chuẩn mực của cộng đồng trước tốc độ phát triển mạnh mẽ của Internet
 
“Năm 2014 là năm chúng ta chứng kiến rất nhiều vụ xử lý sai phạm trong đưa tin của các cơ quan báo mạng điện tử. Tôi thấy rằng đây là một bước đi cần thiết để báo mạng điện tử phát triển một cách lành mạnh và chuyên nghiệp hơn. Việc xử lý này cần phải mạnh hơn nữa và tôi nghĩ cần phải làm từ trước nữa. Những động thái mạnh tay ấy sẽ đem lại hiệu quả tích cực, bởi vì nó sẽ giúp cho thị trường báo chí nói chung và báo mạng điện tử nói riêng lành mạnh, để những sản phẩm báo chí hướng đến công chúng, hướng đến những giá trị chân-thiện-mỹ tốt hơn”, bà Giang cho biết.
 
Trước những sai phạm trong hoạt động thông tin báo chí - xuất bản, trong năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt hành chính những đơn vị này tổng số tiền xấp xỉ 2 tỉ 300 triệu đồng. Không ai mong sẽ có nhiều nơi bị phạt để thu tiền, để rồi phải đau đầu với tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí  xuất bản. Vì vậy , năm 2015, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những vi phạm trong các lĩnh vực này vẫn tiếp tục được chú trọng.
 
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định: “Phải nâng cao chất lượng và tốc độ xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí-xuất bản, in và phát hành. Vấn đề sách lậu hết sức nhức nhối, sách lậu vi phạm bản quyền sao chụp bất hợp pháp, mặc dù ta đã xử nhưng xem ra vẫn chưa hề thuyên giảm. Chúng ta phải chấn chỉnh hoạt động xuất bản ngay từ bây giờ để tránh được sai phạm này đến sai phạm khác”.
 
Năm 2015 là năm có nhiều dự định phải làm trong công tác thông tin-xuất bản như: xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ cho hoạt động xuất bản theo tinh thần Chỉ thị 42 của Ban bí thư và quy định của Luật Xuất bản; tạo hành lang pháp lý đủ mạnh và thông thoáng để môi trường thông tin điện tử phát triển; sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, xây dựng lại Bộ quy tắc đạo đức nhà báo, đáp ứng đòi hỏi nhu cầu mới trong đời sống báo chí...Hi vọng với sự quyết liệt của ngành Thông tin – Truyền thông, hoạt động thông tin - xuất bản trong thời gian tới sẽ ngày càng đi vào nền nếp./.