Loạn ... Từ điển
2014/12/25 14:38 - Nguồn : Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Hổ là một loài... rắn độc
Đó là định nghĩa về mục từ “hổ” ở trang 405 cuốn “Từ điển Tiếng Việt” có đề tác giả “Viet Van Book”, do NXB Bách khoa Hà Nội (số 1 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội) phát hành năm 2014.
Từ điển Tiếng Việt, NXB Bách khoa Hà Nội 2014
Cuốn sách này do Phùng Lan Hương chịu trách nhiệm xuất bản, Chu Thanh Nga biên tập, in 2.000 cuốn, khổ 10 x 18 cm tại Cty CP In Sao Việt, số ĐK KHXB 22-2014/CXB/36-80/BKHN, số quyết định của NXB BKHN 04/QĐ-ĐHBK-BKHN ngày 9/1/2014, in xong và nộp lưu chiểu năm 2014, phát hành tại Nhà sách Huy Hoàng 110D Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
Chúng tôi lật ngay những trang đầu tiên đã thấy nhiều định nghĩa không nghiêm túc. Trang 7 giải thích nghĩa của A Di Đà Phật là “Tên một đức Phật” (đúng ra, đây là câu niệm cửa miệng của những người theo Phật giáo, khác với Phật Adiđà).
Trang 9 giải thích nghĩa của "Á thánh" là “Bậc dưới của thánh” (trong Thiên Chúa giáo). Nghĩa thường dùng của á thánh là dành cho Mạnh Tử, một học trò của Khổng Tử, trong Nho giáo. Định nghĩa “Ả đào” là “Đào hát trong các hộp đêm”. Hộp đêm là một danh từ hiện đại chỉ xuất hiện ở miền Nam sau năm 1954. Lật ngẫu nhiên trang 312 định nghĩa "Độc bản" là “Bản sách để đọc”, trang 313 định nghĩa “Độc giả” là “Một giá”...
Đây đều là những định nghĩa sai theo lối suy diễn kiểu dịch nôm na từ tiếng Hán Việt mà ra. Xem thêm, lại thấy cuốn này thực chất là một thứ “Từ điển” độn Vũ Chất. Lật giở trang 728, mục từ “quản giáo” được giải thích nghĩa như sau: “Coi việc cho một giáo đường hoặc tu viện”. Hoặc như đọc định nghĩa về 59 mục từ “nữ” ở 2 trang 596 và 597 hẳn chị em phụ nữ sẽ tức giận vì từ nào cũng có đàn bà bên cạnh một cách mỉa mai: Nữ anh hùng = Vị anh hùng đàn bà, Nữ công = Đàn bà con gái làm thợ, Nữ khán hộ = Đàn bà làm khán hộ, Nữ tặc = Ăn cướp đàn bà,...
PV đã liên hệ trao đổi với bà Phùng Lan Hương, Giám đốc NXB Bách khoa Hà Nội, nhưng đều bị từ chối. Lần thứ nhất, bà Hương “đá bóng trách nhiệm” sang cho Nhà sách Huy Hoàng. Lần thứ hai, bà cho biết hiện đang đi công tác.
Thuổng.... từ điển
Cuốn “Từ điển Chính tả” (dành cho học sinh), tác giả Hoàng Dân (chủ biên), NXB Hồng Đức, chịu trách nhiệm xuất bản: Bùi Việt Bắc, biên tập: Quỳnh Trang, đối tác liên kết: Cty Cổ phần sách Nhân Dân, in 1.000 cuốn, khổ 10 x 14,5 cm tại Cty CP In và Thương mại Á Phi.
Từ điển chính tả (dành cho học sinh), NXB Hồng Đức 2013
Giấy ĐKKHXB số 260-2013/CXB/28-08/HĐ. Quyết định xuất bản số 254-2013/QĐ-HĐ, in xong và nộp lưu chiểu năm 2013, giá bìa 30.000 đồng. Thực chất, đây là cuốn sách “thuổng” từ công trình của GS Hoàng Phê.
Chúng tôi đã đối chiếu nội dung cuốn “Từ điển Chính tả” (dành cho học sinh), tác giả Hoàng Dân (chủ biên), NXB Hồng Đức, 2013 với cuốn “Từ điển Chính tả” của GS Hoàng Phê, do Trung tâm Từ điển học và NXB Đà Nẵng phát hành năm 1995 thì nhận ra điều này. Không rõ người chủ biên Hoàng Dân là ai, cũng không thấy đề tên những người tham gia biên soạn. Vấn đề chính là họ đã “thuổng” mà chẳng nên hồn. Nội dung cuốn “Từ điển Chính tả” của GS Hoàng Phê đã bị “hô biến” để gắn thêm cái mác “dành cho học sinh” mà không hề có thao tác chọn lọc cho đúng với đối tượng.
Chỉ cần đọc qua là biết có những mục từ đến người lớn cũng còn khó hiểu và nó không thể tồn tại trong sách giáo khoa cho học sinh, vì vậy đã có những lỗi hết sức ngớ ngẩn. Ví dụ, ngay trang 8, mục từ “A”, cuốn này giải thích nghĩa từ “a đẩu = a hoàn”. Hay trang 10 nhầm nghĩa động từ “trấn áp” thành “trấn át” để đủ nghĩa của từ “át”. Đến trang 15, giải nghĩa từ “bẻ bai” rất đúng phong cách Vũ Chất là “bẻ bai = bắt bẻ và chê bai”. Thử kiểm tra một số mục từ khác như “I/ Y” thì thấy lộ rõ sự sao chép từ một văn bản khác. Mục từ “I” (trang 186) có “ì ạch”, đến mục từ “Y” (trang 542) cũng có “ỳ à ỳ ạch”, “ỳ ạch”, “ỳ mặt”, “ỳ ra không trả”. Hoặc cụm từ “liễu yếu đào tơ” được viết cẩu thả thành “yếu liễu đào tơ” (trang 543). Trang 384, mục từ “S”, có “sà bông” và “sà cột”, đến trang 523 cũng viết “xà bông” và “xà cột”.
Phương pháp biên soạn ấu trĩ
Chỉ cần nhặt ra các từ sai như thế này đã thấy những lỗi rất ấu trĩ không thể chấp nhận được mà người làm từ điển không được phép mắc phải. Có thể khẳng định phương pháp biên soạn hết sức ấu trĩ, không phù hợp với các cách thức biên soạn từ điển, không giải nghĩa đúng nội dung ngữ nghĩa của các từ. Một số nội dung ngữ nghĩa của từ giải thích một cách cảm tính chủ quan, ấu trĩ. Vì thế cho nên những từ này sai lệch một cách nghiêm trọng. Từ sự sai lệch đó tạo ra sự bất lợi trong hiểu nghĩa của người sử dụng.
(PGS.TS Phạm Văn Tình - Viện Từ điển Bách khoa Việt Nam)...