Trắc trở tái bản sách xưa

2014/12/23 9:41 - Nguồn : Tường Vy/SSGP
Tái bản không đúng với “nguyên gốc”
 
Giữa tháng 12 vừa qua, tại hội thảo về quyền tác giả văn học diễn ra ở Hà Nội, ông Cao Đắc Điềm, con rể nhà văn Ngô Tất Tố đã đăng đàn tố cáo Nhã Nam đã vi phạm quyền nhân thân khi xuất bản các tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố trong tủ sách Việt Nam danh tác mà tiêu biểu là các cuốn Tắt đèn (NXB Hồng Đức xuất bản), Lều chõng và Việc làng (NXB HNV). Cần nhắc lại là theo Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam thì việc bảo hộ tác quyền sẽ còn hiệu lực 50 năm sau khi tác giả mất nhưng quyền nhân thân thì được bảo hộ vĩnh viễn. Nhà văn Ngô Tất Tố mất năm 1954, đến nay đã 60 năm nên việc tái bản không cần thiết phải mua bản quyền nhưng bắt buộc phải đảm bảo quyền nhân thân, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc… phương hại đến danh dự và uy tín tác phẩm.
 
 
Hai tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố nằm trong tủ sách Việt Nam danh tác.
 
Theo ông Cao Đắc Điềm thì Nhã Nam đã vi phạm quyền nhân thân nghiêm trọng khi làm sai lệch tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố. Để chứng minh, ông Điềm đưa ra các bản in tác phẩm mà theo ông là “nguyên gốc chuẩn mực” để so sánh với các bản in của Nhã Nam, như ở tác phẩm Tắt đèn là bản in năm 1939, Lều chõng là bản in trên báo Thời vụ cũng năm 1939 và Việc làng dựa theo cuốn Phóng sự việc làng xuất bản năm 1941. Theo đó, các tái bản mới của Nhã Nam có nhiều đoạn bị cắt bỏ, nhiều câu chữ bị in sai, chỉ tính riêng Lều chõng đã bị cắt bỏ hơn 1.000 chữ, Việc làng bị cắt 789 chữ.

In đúng như sách thời tác giả còn sống
 
Đáp lại các cáo buộc của ông Cao Đắc Điềm, phía Nhã Nam đã có văn bản trả lời chính thức, theo đó cả ba cuốn sách nêu trên đều được tái bản dựa theo bản sách được xuất bản khi nhà văn còn sống và không có ý kiến phản đối nào. Đây được xem là một thông lệ trong việc tái bản tác phẩm khi nhà văn đã mất vì điều đó đồng nghĩa là khi đó tác giả đã chấp nhận tác phẩm là chính thức, phù hợp với mong muốn của mình.
 
Với Việc làng, Nhã Nam đã tái bản dựa trên ấn bản cùng tên do NXB Mai Lĩnh xuất bản năm 1940, là bản in đầu của cuốn sách. Bản in của Nhã Nam thậm chí còn giữ nguyên các đoạn trên sách gốc bị kiểm duyệt khi đó cắt bỏ. Trước ý kiến của ông Cao Đức Điềm cho rằng hiện nay đã tìm thấy các đoạn văn bị cắt bỏ thì phía Nhã Nam cho rằng đó là các tư liệu tham khảo đáng chú ý nhưng đối với việc đảm bảo tính chính xác của văn bản sách gốc thì việc bổ sung là không phù hợp. 
 
Cũng giống như vậy, cuốn Lều chõng bản in 2014 là tái bản chính xác theo cuốn Lều chõng cũng của NXB Mai Lĩnh xuất bản năm 1941. Nhóm làm sách không bổ sung hay chỉnh sửa bất cứ đoạn văn nào của tác phẩm gốc trên nên cáo buộc của ông Điềm là đã “cắt bỏ gần 20 chỗ với các nội dung rất có ý nghĩa” là không đúng.
 
Tuy nhiên, phía Nhã Nam cũng thừa nhận rằng một số lỗi từ ngữ mà ông Cao Đắc Điềm chỉ ra như: “hàng xóm tám mươi mấy suất” in thành “hàng xóm ta mươi mấy suất” hay “chung dục” in thành “chung đực”… là lỗi chính tả do sơ sót ngoài ý muốn, hoàn toàn không phải là lỗi cố ý vi phạm vào văn bản. Phía Nhã Nam đã xin lỗi bạn đọc vì các lỗi chính tả và cũng cam kết trong các lần tái bản sau sẽ chỉnh sửa hoàn toàn các lỗi để cuốn sách được hoàn thiện hơn.
 
Về mặt bản quyền, hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn không có dấu hiệu vi phạm quyền nhân thân. Đơn giản vì các đơn vị này chỉ in lại nguyên văn một bản in trước đây khi nhà văn còn sống, nếu có chỉnh sửa, cắt xén thì đó là chuyện của NXB đã xuất bản tác phẩm gốc năm xưa mà ở đây là NXB Mai Lĩnh những năm 1940, 1941.
 
Cũng vì thế, về mặt nội dung, cáo buộc của ông Cao Đắc Điềm là bản in 2014 (mà thực tế cũng chính là bản in 1940, 1941) không chính xác so với các bản in khác mà ông sưu tầm được ví dụ như bản in trên báo đăng trước đó cũng rất khó để phân định đúng sai. Đơn giản là vì khi đó tác giả vẫn còn sống và không có phản ứng gì với các thay đổi nêu trên. Điều này có hai khả năng, một là nhà văn không cho rằng các thay đổi trên ảnh hưởng đến danh dự, uy tín hay tư tưởng mà tác giả muốn chuyển tải. Hai là chính nhà văn đã chỉnh sửa, cắt xén, thay đổi giữa bản in báo với bản in sách hay giữa các bản sách xuất bản thời gian khác nhau. Điều này là hết sức bình thường đối với những người sáng tác.
 
Nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng, bản chất của cuộc tranh cãi xung quanh việc tái bản các cuốn sách của nhà văn Ngô Tất Tố vừa qua thực tế là sự hiểu nhầm về tiêu chí tái bản các tác phẩm mà nhà văn đã không còn. Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn mong muốn chuyển tải đến bạn đọc một nguyên tác cụ thể nhất, từng được xuất bản chính thức, được tác giả chấp nhận. Còn ông Cao Đắc Điềm thì lại tìm kiếm đầy đủ các văn bản từng tồn tại của tác phẩm. Cách đầu phù hợp đối với bạn đọc trong việc thưởng thức tác phẩm đúng như mong muốn của tác giả. Cách thứ hai có lợi trong công tác nghiên cứu về quá trình hình thành, sáng tác của nhà văn nhưng không phù hợp cho bạn đọc thông thường vì qua mỗi văn bản tác giả có thể có rất nhiều thay đổi khác nhau.
 
Nguồn:http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2014/12/370456/