Đoàn nhà văn tham quan rừng ngập mặn Cần Giờ và khu di tích Rừng Sác
2014/10/20 15:14 - Nguồn : Ban Web (giới thiệu)
Rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ còn gọi là Rừng Sác là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ đông, Vàm Cỏ Tây. UNESCO đã công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Nơi đây được công nhận là một khu du lịch trọng điểm của Việt Nam. Đây là một tiềm năng lớn về phát triển du lịch của TP. Hồ Chí Minh.
Đoàn nhà văn vào Rừng Sác, chụp ảnh lưu niệm (hai ảnh trên)
và xuống ca nô vào Khu di tích đặc công Rừng Sác
Rừng Sác - địa danh đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Gần 40 năm sau chiến tranh, chiến khu rừng Sác đã được tạo dựng thành một điểm tham quan hấp dẫn có giá trị lịch sử và giáo dục dục về truyền thống chiến đấu dũng cảm của quân dân Nam bộ. Di tích căn cứ Rừng Sác nằm ở huyện Cần Giờ cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40 km về hướng Đông Nam. Để vào tham quan nơi đây có 2 cách, đi bộ hoặc ca nô. Phần lớn du khách chọn ca nô để có những trải nghiệm thú vị. Sau chừng 5 đến 7 phút lướt trên con lạch ngoằn ngoèo, ca nô sẽ cập bến. Dưới tán cây Rừng Sác, một không gian nhỏ tái hiện gần giống như chiến khu năm xưa một phần cuộc sống và chiến đấu của bộ đội đặc công Trung đoàn 10 thời Mỹ ngụy. Những lán nhỏ mái lá rải rác khắp nơi là Hội trường, trạm xá, Sở chỉ huy, nhà hậu cần, nhà chế tạo vũ khí tự tạo, những căn hầm trú ẩn… được nối với nhau bằng những con đường giữa rừng dựng từ tre nứa, thân mắm, đước…
Chụp ảnh trước tượng đài Đặc công Rừng Sác
Xem phim tư liệu về đặc công Rừng Sác
Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã 2 lần được tuyên dương Anh hùng.
Họ phải chiến đấu với kẻ địch tàn bạo và ngay cả cá sấu hung dữ của Rừng Sác
Nằm ở trung tâm khu căn cứ là Đài tưởng niệm liệt sĩ rừng Sác. Một tượng đài uy nghi, biểu tượng cho uy danh và lòng quả cảm của các chiến sỹ đặc công rừng Sác sừng sững giữa rừng đước xanh, khói hương lan tỏa. Đây cũng chính là bức thông điệp cho muôn đời sau về sức sống, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng con người và cả dân tộc Việt Nam. Trong 9 năm sống và chiến đấu tại đây, có 860 anh hùng, liệt sĩ đã làm nên những chiến tích anh hùng và đã ngã xuống ở mảnh đất này nhưng chỉ một phần ba trong số họ có mộ chí. Những người lính rừng Sác đa phần còn rất trẻ, khi hy sinh tuổi mới đôi mươi. Do vậy đây trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục lòng yêu nước, tình cảm với quê hương đối với các thế hệ trẻ. Đây cũng là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà văn, nhà thơ.
Rừng ngập mặn Cần Giờ có hệ sinh thái thực, động vật phong phú trong đó có nhiều loại quý hiếm
Trong ảnh: Nhà văn Nguyễn Bính Hồng Cầu - ái nữ của nhà thơ Nguyễn Bính
với đàn Khỉ rừng ngập mặn Cần Giờ
Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Rừng Cần Giờ nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 150 loài thực vật, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.
Để phát triển kinh tế xã hội ở Cần Giờ, năm 2011 tuyến đường Rừng Sác đã khánh thành với chiều dài 31km, có 6 làn xe, tổng kinh phí đầu tư 1.500 tỷ đồng. Ngày 19/7/2014 tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trong đó có 26 km đi qua các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ cũng đã chính thức được khởi công. Đây là điều kiện quan trọng để Cần Giờ phát triển kinh tế xã hội, phát triển TP. Hồ Chí Minh về phía Đông, bảo đảm an ninh quốc phòng
Nhà văn Đào Thắng - Đồng trưởng ban tổ chức Cuộc vận động STVH (đội mũ) và đoàn công tác
của Nhà xuất bản GTVT tổ chức Trại sáng tác văn học về GTVT khu vực phía Nam trên ca nô vào Rừng Sác.