Đoàn nhà văn tham quan các công trình GTVT ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

2014/10/19 15:36 - Nguồn : Ban Web (giới thiệu)
Đoàn đã vượt qua quãng đường dài qua 7 tỉnh thành phố là TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang trong một ngày nắng nóng tới 35 - 36 độ để tham quan các công trình trọng điểm như dự án đường ô tô cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, dự án cầu Cao Lãnh (bắc qua sông Tiền), dự án cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu), dự án cầu Cần Thơ, dự án đường hành lang ven biển phía Nam...Sau đây là phóng sự ảnh về một số hoạt động của Đoàn:
 
Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương là tuyến cao tôc hiện đại đầu tiên của Việt Nam,
là một trong những tuyến đường huyết mạch về miền Tây Nam Bộ được đưa vào khai thác từ tháng 2/2010. Lưu lượng xe trên tuyến đạt 60.000 xe/ngày, đêm...Trong ảnh: Đoàn nhà văn dừng chân
tại ấp 1 xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang tham quan tuyến cao tốc
 
Các nhà văn trao đổi tại Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa
 
Phà Cao Lãnh trên sông Tiền
 
Phà Cao Lãnh đang thực hiện nốt sứ mệnh trước khi cầu Cao Lãnh hoàn thành.
Trong ảnh: Các nhà văn trên bến phà Cao Lãnh
 
Nhân viên Ban QLDA cầu Cao Lãnh phát nước cho các nhà văn trên công trình
 
Phó giám đốc dự án của Tư vấn liên danh, KS. Nguyễn Thế Vương
giới thiệu với Đoàn về quy mô dự án
 
 
Cốt thép của ống cọc (ảnh trên) và công nhân đang vận hành khoan cọc nhồi trên sông
 
KS. Nguyễn Tấn Thanh, Phó giám đốc điều hành dự án của liên danh nhà thầu
RBC - Vinaconex hướng dẫn các nhà văn tìm hiểu về công nghệ thi công
 
Trạm trộn bê tông trên sông phục vụ thi công cầu.
Trong ảnh: nữ nhà văn, trung tá Nguyễn Thị Kim Hương (thuộc Quân khu 9) trên công trường
 
Trước khi đến dự án cầu Vàm Cống, Cao lãnh đoàn nhà văn đã ghé qua TP. Cao lãnh
dâng hương cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Vài nét về Tổng công ty Cửu Long
 
Ngày 20/7/2011, Bộ GTVT đã ra Quyết định 1589/QĐ-BGTVT thành lập TCT Đầu tư phát triển & QLHTGT Cửu Long (TCT Cửu Long). Đây thực sự là mốc son đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Ban QLDA Mỹ Thuận, cũng là sự khởi đầu tiên phong của một Ban QLDA ngành GTVT dũng cảm chọn mô hình đầu tư, hợp tác đầu tư... để thoát ra khỏi “cái áo chật hẹp làm QLDA” nhằm đưa việc phát triển hạ tầng giao thông đi xa hơn, tiềm lực mạnh mẽ hơn trong thời kỳ mới.
 
Tiền thân là Ban QLDA cầu Mỹ Thuận, được thành lập theo QĐ số 950 QĐ/TCCBLĐ ngày 27/6/1994 của Bộ GTVT với nhiệm vụ thực hiện dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận. Giữa năm 1995, từ nhiệm vụ QLDA cầu Mỹ Thuận, Ban được đổi tên là Ban QLDA Mỹ Thuận.
 
Từ đó, tên tuổi của Ban QLDA Mỹ Thuận gắn liền với cây cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam. Ý nghĩa hơn, bởi đây là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Tiền, nối niềm mơ ước ngàn đời của người dân vùng sông nước Cửu Long. Cầu Mỹ Thuận còn là công trình hợp tác giữa các chuyên gia, kỹ sư và công nhân của hai nước Australia và Việt Nam. Đây là một công trình giao thông có kiểu dáng kiến trúc duyên dáng trên quốc lộ 1A, thu hút khách du lịch mọi miền.
 
Từ tháng 12/2001, Ban QLDA Mỹ Thuận còn được bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như: Thực hiện chức năng chủ đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BOT do Bộ GTVT giao; Tư vấn quản lý điều hành dự án cung cấp nước của TP.HCM; Tham gia thực hiện các hợp đồng tư vấn giám sát các dự án xây dựng công trình giao thông và phát triển CSHT trong nước và quốc tế do Ban trực tiếp quản lý.
 
Những công trình trọng điểm về giao thông tại khu vực phía Nam và TP.HCM đều gắn liền với tên tuổi của Ban QLDA Mỹ Thuận như: QL51, QL14, đường Xuyên Á, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tuyến Nam Sông Hậu, N2... với tổng giá trị khoảng 30.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm thực hiện giải ngân các dự án khoảng 4.000 tỷ đồng.
 
Từ tháng 10/2009, Ban được bổ sung thêm nhiệm vụ làm Chủ đầu tư 06 dự án với tổng mức vốn đầu tư hơn 120.000 tỷ đồng, như: Dự án thành phần 4 “tuyến nối từ điểm cuối dự án thành phần 1, dự án Hành lang ven biển phía Nam vào QL1 thuộc dự án Hành lang ven biển phía Nam”; Dự án xây dựng tuyến nối từ đại lộ Đông Tây vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương; Đường vành đai 3 và vành đai 4 TP.HCM; Dự án xây dựng đoạn Bến Lức - Hiệp Phước; Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Dự án xây dựng đường gom cầu Cần Thơ.
 
Năm 2010, với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án trọng điểm là đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) và cầu Cần Thơ, Ban QLDA Mỹ Thuận đã nối thêm những nét son mới trên bản đồ giao thông vận tải Việt Nam ở miền đất phương Nam.
 
Theo quy hoạch phát triển GTVT đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện các dự án giao thông chính yếu giai đoạn 2010-2025 vào khoảng 75 tỷ USD tức khoảng 5 tỷ USD/năm. Trong khi đó, đáp ứng về nhu cầu vốn hiện nay của ngành GTVT mỗi năm chỉ đạt mức bình quân khoảng 20 nghìn tỷ đồng.
 
Những năm gần đây Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ để huy động vốn đầu tư như: tăng vốn đầu tư ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn ODA; công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư BOT... Tuy nhiên, mức độ đáp ứng vốn đầu tư hàng năm mới chỉ đạt 1/3 so với nhu cầu thực tế.
 
Năm 2005, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thành lập Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để quản lý các dự án đường cao tốc ở phía Bắc. Qua 5 năm đi vào hoạt động, về cơ bản VEC đã đạt được mục tiêu thành lập DN theo định hướng của Chính phủ và Bộ GTVT. Trong khi đó, tại khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, đến nay vẫn chưa có DN nào đủ năng lực, tiềm lực tài chính để thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ và hiện đại.
 
Xuất phát từ thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Cửu Long CIPM) trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Ban QLDA Mỹ Thuận, Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Quản lý đường bộ 715, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.
 
Việc thành lập Cửu Long CIPM là cần thiết và phù hợp với thực tế hiện nay, giúp cho các đơn vị phát huy tính chủ động trong hoạt động kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông.
 
Với cơ chế thí điểm này sẽ là cơ sở vững chắc để Cửu Long CIPM phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cấp bách về đầu tư CSHT giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và của cả nước nói chung.
 
Sau 20 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2014) hiện nay Tổng công ty Cửu Long là một trong những đơn vị có uy tín của Bộ GTVT trong lĩnh vực đầu tư và quản lý dự án các công trình hạ tầng giao thông ở khu vực phía Nam và đang thực hiện nhiều dự án trọng điểm như: đường hành lang ven biển phía Nam (giai đoạn 1), tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, dự án kết nối đồng bằng sông Mê Kông (bao gồm các cầu Vàm Cống, Cao Lãnh và tuyến nối Vàm Cống - Cao Lãnh)....