Xuất bản - phát hành sách: Giẫm lên chân nhau mà tiến

2014/1/12 21:31 - Nguồn : Cẩm Lệ/Việt Báo
"Vẫn còn nhiều chỗ để bán sách...""
 
Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc công ty Fahasa khẳng định như vậy, khi cho rằng chỉ riêng nhà sách Nguyễn Huệ (Q1, TP.HCM) với mặt bằng bày bán trên hai chục nghìn đầu sách, thì mỗi năm con số vài trăm đầu của các đơn vị phát hành cùng tham gia xuất bản vẫn không thấm là bao so với nhu cầu của người đọc. Như vậy, các đơn vị phát hành vẫn rất cần nguồn hàng để có thể cung cấp cho thị trường thêm phong phú. Ông Thuận kết luận: Không thể nói các đơn vị phát hành giành thị phần được. Trên thực tế, phần lớn sách ra lò đều từ địa bàn TP.HCM với nguồn giấy phép xuất bản từ hơn 40 nhà xuất bản trên cả nước. Trong đó, hai phần ba đều là sách tung ra thị trường từ nguồn xuất bản liên kết. Bên cạnh một số đơn vị phát hành khá mạnh là công ty phát hành sách TP.HCM, công ty phát hành sách khu vực 2, công ty văn hoá Phương Nam… còn có hàng chục nhà sách tư nhân cùng tham gia làm sách trên địa bàn thành phố. Các đơn vị này hàng năm đều đăng ký liên kết với một nhà xuất bản để có giấy phép - hàng năm đã cho ra đời cả trăm đầu sách.
 
Đi đầu trong lĩnh vực phát hành vẫn là các đơn vị như Fahasa với hơn 400 đầu sách, công ty Phương nam: 150, công ty phát hành khu vực II với: 350 đầu sách… Nhiều nhà sách tư nhân cũng đã có một khối lượng sách tham gia thị trường rất lớn, điển hình như nhà sách Trẻ với hơn 1.000 đầu sách. Chọn đề tài, tự tổ chức các đội ngũ cộng tác viên và tự thẩm định nội dung… đó là cách làm chung của các đơn vị liên kết. Theo nguyên tắc, các đơn vị xuất bản sẽ biên tập và chịu trách nhiệm nội dung, nhưng trên thực tế nhiều người trong nghề cho biết: hầu như có đến hơn 90% các nội dung đều do các đơn vị liên kết quyết định, mọi động thái của các nhà xuất bản chỉ mang tính… thủ tục. Với thế mạnh: chủ động, linh hoạt với hệ thống phát hành (cả sĩ lẫn bán lẻ) nên các đơn vị liên kết rất chủ động tiêu thụ lượng sách của mình làm ra.
 
Mặt khác, do có kinh nghiệm tiếp cận thị trường nhiều năm, nên các đơn vị này cũng ổn định tính chuyên môn trong việc làm sách. Dân làm sách có nghề không bao giờ làm sách… đại trà (hàng trăm loại) mà thường gom vào một số lĩnh vực mà đối với họ là thế mạnh. Chẳng hạn, công ty phát hành sách khu vực 2 "chuyên trị" loại sách khoa học kỹ thuật, tâm lý, đề tài quân đội… Fahasa thì mạnh ở các thể loại biên khảo, công ty Phương Nam là các loại sách dịch, sách cẩm nang kiến thức gia đình, nhà sách Trẻ là các loại sách về kiến thức gia đình, nuôi dạy con…
 
Theo đánh giá của giới làm sách thì hiện nay các đầu sách công cụ luôn có lượng độc giả ổn định nhất, các loại sách giải trí thường chạy theo trào lưu, nên không dễ ăn. Các loại sách văn học hiện không còn lượng độc giả dồi dào nữa, lượng sách này in ra vẫn là một con số khiêm tốn so với các đầu sách khác. Tuy nhiên, không chỉ sách văn học bị hờ hững, mà là tình trạng chung của khá nhiều loại sách khác. Con số 1.000 cuốn đến 2.000 cuốn vẫn là con số in thường thấy khi một tác phẩm mới xuất bản. Ông Lê Hoàng – Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cũng bức xúc về vấn đề này khi cho rằng với 2.000 bản sách in cho thị trường 80 triệu người, thì con số người có nhu cầu đọc sách cũng là vấn đề cần báo động .
 
Vai trò Nhà xuất bản và ""bầu sữa liên kết""
 
Con số hơn 40 nhà xuất bản hiện đang hoạt động cho tới thời điểm này, cũng đã trải qua một thời gian chứng minh được hiệu quả hoạt động của mình. Trước đó một số nhà xuất bản tỉnh đã phải đóng cửa như nhà xuất bản Long An, Sông Bé, Khánh Hòa, An Giang… vì không thể trụ lại nổi với cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hiện nay chỉ có một vài đơn vị thực sự sống được bằng vai trò kế hoạch A hàng năm, tức chủ động làm sách, không qua kế hoạch liên kết để thu phí xuất bản. Đứng đầu danh sách, đó là hai nhà xuất bản Kim Đồng, nhà xuất bản Trẻ… đã chứng tỏ sự năng động của mình trong cơ chế thị trường. Có trong tay hơn 1.000 đầu sách đã xuất bản, thành lập hẳn cả nhà sách tại Hà Nội và mạng lưới phát hành riêng, nhà xuất bản Trẻ đã tạo được một uy tín rất cao so với các đơn vị bạn. Con số 10 tỷ đồng dành cho kế hoạch A của nhà xuất bản Trẻ cho thấy vai trò và hiệu quả thực sự của một nhà xuất bản.
 
Ông Lê Hoàng, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ tâm sự: "Trong giai đoạn này, các nhà xuất bản sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu chưa chuẩn bị gì cho việc thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào các công ty phát hành. Mình phải biết thâm canh trên mảnh đất mà mình đang có, thì mới có thể tạo được chỗ đứng riêng...". Nhà xuất bản Trẻ đã chủ động được "đầu ra", đồng thời cũng tìm được cái mới độc đáo của mình ở đầu vào để tìm được những khách hàng của riêng mình.
 
Tuy nhiên, một vài con số vượt bậc vẫn không che dấu được bức tranh buồn cho toàn cảnh hoạt động của các nhà xuất bản khác. Nhiều nhà xuất bản hiện sống bằng "bầu sữa liên kết", mà không hề chủ động nổi cho kế hoạch của mình. Thậm chí có nhà xuất bản xin được tài trợ làm kỷ yếu cũng không chịu xuất bản mà nhường luôn cho đối tác liên kết. Chính từ hệ quả này đã dẫn tới nhiều cách lách, chạy để có được sách xuất bản phù hợp với chuyên môn của mình như đổi tên tựa cho phù hợp với tên nhà xuất bản, hoặc dễ dãi với các bản thảo của đối tác; không qua thẩm định chặt chẽ hoặc copy của người khác và sửa chữa lại chút đỉnh(!?).
 
Một dạo dư luận khó chịu với bộ từ điển Tiếng Việt của một nhà xuất bản ghi lập lờ tên đơn vị chịu trách nhiệm biên soạn là Ngôn ngữ ­Việt Nam (một cái tên không hề có trong các cơ quan chuyên ngành), trong đó có khá nhiều sai sót. Mới đây, người đọc cũng không chịu nổi với bộ sách… Vua quảng cáo – sách cho thiếu nhi (Nhà xuất bản Thanh niên) với nội dung phản… giáo dục. Thậm chí dư luận báo chí cũng phát hiện cả hai bộ sách Nguyễn Trường Tộ – một sự lừa dối hào nhoáng (Tác giả Bùi Kha - Trần Chung Ngọc) và Petrus Trương Vĩnh Ký nhìn từ những khía cạnh và nhận thức khác nhau (tác giả Bùi Kha, Nguyễn Sinh Duy, Hồ Hữu Tường, Phạm Long Điền, Mẫn Quốc)… là những quyển sách phát hành lậu, có quan điểm không phù hợp, nhưng lại được in ấn đàng hoàng và được phát hành công khai.
 
Việc một số nhà xuất bản chạy theo một đề tài ăn khách cũng là việc thường xảy ra, do đó cũng xuất hiện các kiểu làm ăn hời hợt và người đọc bắt buộc phải chọn lọc một thương hiệu để tin cậy khi chọn mua sách. Bàn về vấn đề này, ông Trần Tấn Ngô, Giám đốc Công ty Phát hành sách khu vực 2 cũng khá bức xúc: "Việc làm sách cần phải có định hướng chặt chẽ hơn, không để nhiều người làm trùng lắp, cần chú ý chất lượng bản thảo để tránh sai sót. Hễ làm sách mà quá nhiều sai sót thì hậu quả là người đọc lãnh đủ. Ngay bản thân tôi bây giờ vào nhà sách, cũng không thể biết chọn mua cuốn gì…".
 
 
Chuyện buồn của nhà xuất bản?
 
Nói về việc các đơn vị phát hành có "ép" các nhà xuất bản hay không, câu trả lời vẫn chưa có gì cụ thể.
 
Các đơn vị phát hành luôn cho rằng, nếu chất lượng sách hay, các đơn vị phát hành cũng phải giành giật để phát hành, nhưng trên thực tế các nhà xuất bản luôn ở thế thụ động. Giám đốc một nhà xuất bản than thở, các đơn vị phát hành không bao giờ chịu mua sách mà chỉ có dạng ký gửi và trả tiền gối đầu, nhưng tính phí chiết khấu 40-50% giá bìa – một cái giá phải chấp nhận khá cao cho các đơn vị xuất bản. Mặt khác, các nhà phát hành luôn có "những đứa con của mình sinh ra", thì tất nhiên phải "nuôi cho nó khôn lớn", làm sao có thể dành toàn bộ tâm huyết cho "con nuôi" được. Dĩ nhiên phần thiệt thòi vẫn là các đơn vị xuất bản gánh chịu.
 

Các nhà xuất bản phải chấp nhận nếu không tạo sự chủ động bằng chính đôi chân của mình. Họ không thể làm gì khác vì đầu ra đều nằm trong tầm quản lý của các đơn vị phát hành. Để thoát khỏi lối mòn này nhiều nhà xuất bản cũng đã tính đường ra cho sản phẩm của mình bằng cách mở nhà sách, hay phát hành theo các quầy sách báo lẻ trong thành phố. Vô tình cả hai phía phát hành và các đơn vị xuất bản đều có cùng chung một công việc giống nhau. Nếu không có sự tự điều chỉnh, cả hai sẽ giẫm chân lên nhau. Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều "chuyên gia" trong ngành, cuộc chơi rồi sẽ còn lại những anh tài có đủ nội lực thật sự. Tình trạng các nhà xuất bản phụ thuộc vào "bầu sữa liên kết", chắc chắn sẽ nhận lãnh những kết thúc buồn hơn cả hiện tại mà họ đang gặp phải.