Tin tức - Sự kiện

Ðưa sách Việt Nam ra thế giới

- nhandan.com.vn

Bài 2: Làm thế nào để sách Việt Nam đến với thế giới?


Trong nhiều thập kỷ qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng những đề án cấp quốc gia về thông tin đối ngoại,... Tuy nhiên, sách Việt Nam vẫn ít được biết tới trên thị trường thế giới. Làm thế nào để đưa sách Việt Nam hội nhập nhanh với quốc tế vẫn là điều khiến không ít người trăn trở.

 

Đến nay, Việt Nam đã tham gia Công ước Berne (năm 2004), gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO (năm 2006), thành viên của Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương (APPA), Hiệp hội xuất bản Ðông - Nam Á (ABPA), Tổ chức Mã số sách chuẩn quốc tế (ISBN)... Ðây là những dấu mốc rất quan trọng để tạo môi trường thuận lợi đối với ngành xuất bản nước nhà trong quá trình hội nhập với thế giới. Từ năm 2007, với tư cách quốc gia, ngành xuất bản nước ta chính thức tham gia một số triển lãm - hội chợ sách quốc tế hằng năm như hội chợ sách quốc tế ở CHLB Ðức, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Cu-ba... Trước đó, chúng ta chỉ tham gia dưới hình thức là gian hàng của một số công ty phát hành sách, hoặc được sự tài trợ của một tổ chức hữu nghị.

Việc tham gia các hội chợ sách quốc tế là cơ hội giúp ngành xuất bản và người làm sách thông qua sách để giới thiệu, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn đọc nước ngoài. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế trong trao đổi, mua bán, chuyển nhượng quyền tác giả còn khá hạn chế, sách Việt Nam vẫn ít được biết đến trên thị trường thế giới, do vậy cũng chưa một lần được đề cử trong các giải thưởng quốc tế có uy tín, ngoại trừ giải thưởng của khu vực ASEAN, giải sách đẹp mang tên IBA (Internationale Buchausterlung) của khối các nước xã hội chủ nghĩa trước đây.

Ở trong nước, Hội chợ - Triển lãm sách quốc tế Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông, và các hội sách Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (được tổ chức hằng năm) đã góp phần nâng cao văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân cũng như nhu cầu tìm hiểu về Việt Nam của khách du lịch, lưu học sinh, những nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài đang sinh sống, học tập và công tác tại Việt Nam. Song hành với những cuộc triển lãm và ngày hội sách trong nước, còn tổ chức Triển lãm sách tại Nga, Trung Quốc, Pháp, Ðức, Ðan Mạch, Thụy Ðiển,... và gần đây nhất là tuần lễ sách Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội (9-2017). Ðây là cơ hội, cũng là dịp để các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách trong nước trao đổi thông tin, liên kết xuất bản, trao đổi bản quyền với các đối tác nước ngoài và giới thiệu những cuốn sách có giá trị của Việt Nam để đối tác xuất bản tại nước họ.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ tổng thể, ngành xuất bản Việt Nam trong cơ chế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế, trình độ của xuất bản nước ta chưa đạt được hiệu quả, sự chuyên nghiệp và dường như vẫn mang hình bóng của một nền xuất bản nghiệp dư. Tại các hội chợ quốc tế ở trong nước, những người tổ chức thường chỉ quan tâm mời được nhiều nhà xuất bản nước ngoài đến trưng bày sách nhưng lại chưa quan tâm đến việc tổ chức các sự kiện truyền thông, xúc tiến mua bán tác quyền một cách chuyên nghiệp,… dẫn đến số lượng các nhà xuất bản nước ngoài tham gia chỉ vài chục đơn vị. Mặt khác trên thực tế, không phải nhà xuất bản nào cũng nắm tác quyền những cuốn sách họ xuất bản mà việc bán và mua tác quyền những cuốn sách cụ thể nhiều khi lại do các công ty kinh doanh sách nắm giữ quyền tác giả và quyền liên quan quyết định. Vì vậy, nếu chỉ mời các nhà văn (tác giả) hoặc nhà xuất bản nước ngoài mà ít chú ý đến các đơn vị kinh doanh sách tham dự các hội chợ thì hoạt động quảng bá, giới thiệu, mua bán, môi giới bản quyền sách sẽ khó thành công.

Trong cách làm hiện nay, không ít người làm sách Việt Nam chọn con đường dễ dàng, có tính nhỏ lẻ kiểu "mì ăn liền" mà né tránh con đường lâu dài, chuyên nghiệp. Họ chú ý săn lùng những cuốn sách bán chạy trên thị trường thế giới để mua bản quyền, tổ chức dịch và phát hành ở thị trường trong nước, mà ít tìm cách bán tác quyền sách Việt Nam cho đối tác nước ngoài. Mặc dù số bản sách xuất khẩu hằng năm có tăng lên nhưng xét về hiệu quả truyền thông và hiệu quả kinh tế không thể bằng bán tác quyền xuất bản. Cho đến nay, số sách của nhà xuất bản Việt Nam bán được bản quyền cho nước ngoài rất khiêm tốn. Từ điển Tiếng Việt và Nhật ký Ðặng Thùy Trâm là những thí dụ hiếm hoi đạt con số trăm triệu đồng tiền bản quyền khi cho phép nước ngoài 
xuất bản.

Thống kê nhiều năm qua cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu sách, báo dao động trong tỷ lệ từ 1/9 đến 1/5, nghĩa là xuất một thì nhập từ năm đến chín bản sách, trong đó chủ yếu là xuất khẩu báo và tạp chí. Tình trạng nhập siêu về sách sẽ còn kéo dài và nếu không khắc phục trong thời gian tới thì hệ lụy là rất đáng lo ngại. Chúng ta coi sách là sản phẩm văn hóa có vai trò to lớn trong quá trình nhận thức thế giới, hình thành nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, hun đúc nên bản lĩnh và bản sắc văn hóa dân tộc của các thế hệ tương lai thì không thể nhập siêu thiếu định hướng, thiếu tổ chức và chủ yếu vì mục tiêu kinh tế.

Vậy giải pháp nào để đưa sách Việt Nam ra thế giới? Xin nêu ba nhóm giải pháp cơ bản:

Thứ nhất, cần có một địa chỉ cụ thể chịu trách nhiệm đưa sách Việt Nam xuất ngoại. Tổ chức này cần xây dựng một chiến lược dài hạn cho mục tiêu đưa sách Việt Nam ra nước ngoài. Không nhất thiết phải hình thành một cơ quan mới, mà nên giao nhiệm vụ cụ thể cho một trong các tổ chức, cơ quan hữu trách hiện có thuộc hệ thống các cơ quan chỉ đạo, quản lý hoặc nghiên cứu, lý luận phê bình của Ðảng, Nhà nước hay thuộc các hội nghề nghiệp về xuất bản. Ðây sẽ là cơ quan định hướng, tổ chức thực hiện và thẩm định chất lượng dịch thuật, chủ động đưa ra kế hoạch cụ thể, xây dựng danh mục các tác phẩm cần dịch ra một số ngôn ngữ cụ thể để quảng bá ra thế giới.

Về kinh phí, cùng với đầu tư của Nhà nước, chúng ta cần huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội khác có sự phân chia lợi nhuận hợp lý thu được từ việc bán tác quyền. Theo thông lệ nhiều nước ASEAN và thế giới, công việc này do các hiệp hội xuất bản thực hiện với sự đặt hàng hoặc tài trợ của chính phủ mỗi nước. Năm 2015, Chính phủ Indonesia (In-đô-nê-xi-a) đã chi 15 triệu USD cho Hiệp hội Xuất bản nước này để trở thành khách mời danh dự của Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt (Phơ-ranh-phuốc, CHLB Ðức). Trước đó, nước này cũng đã chi bốn triệu USD để dịch 100 tác phẩm tiêu biểu của In-đô-nê-xi-a ra tiếng Anh và tiếng Ðức để giới thiệu và trao đổi tác quyền tại Hội chợ Sách Frankfurt. Thông tin từ Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản In-đô-nê-xi-a cho biết, hai năm sau đó, bất chấp những bất ổn xã hội, thu nhập từ du lịch của nước này tăng hơn hai lần so với trước đó.

Thứ hai, cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia dịch thuật, trước mắt là đối với tiếng Anh và một số ngôn ngữ thông dụng có nhiều người sử dụng khác như Nga, Trung Quốc, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha. Ngoài chuyên gia dịch thuật trong nước, có thể mời dịch giả nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đội ngũ dịch thuật, cần đào tạo, tuyển chọn các chuyên gia giỏi về mua bán tác quyền, nhất là những chuyên gia vừa có ngoại ngữ, vừa có kinh nghiệm và kiến thức đàm phán về tác quyền để trực tiếp quảng bá, thúc đẩy trao đổi bản quyền tác giả hướng đến xuất khẩu.

Trong số hơn 1.200 biên tập viên hiện nay, có thể lựa chọn đào tạo những người phù hợp với công việc xuất nhập khẩu sách. Ðiều quyết định nhất của hoạt động xuất bản trong thời gian tới là chất lượng toàn diện của nguồn nhân lực. Chất lượng chuyên môn và sự tâm huyết của nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần thúc đẩy sự ra đời nhiều tác phẩm tốt, kịp thời đáp ứng và cung cấp cho người đọc những cuốn sách có giá trị cao. Ðây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động xuất bản Việt Nam trong khi góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường hội nhập quốc tế.

Thứ ba, cần xây dựng một hệ thống cơ chế, chính sách khả thi và phù hợp để tác phẩm tiêu biểu trong nước được xuất ngoại. Trước hết, cần sớm ban hành một nghị định của Chính phủ nhằm thúc đẩy việc quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài. Bên cạnh việc tham gia phục vụ công tác thông tin đối ngoại, cần có điều khoản cụ thể hóa Ðiều 7 Luật Xuất bản về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản trong việc mua bản quyền những tác phẩm có giá trị về chính trị, văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo,... của nước ngoài để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặt khác có thể học hỏi cách làm của đại sứ quán các nước tại Việt Nam về Quỹ tài trợ cho việc dịch và xuất bản các tác phẩm của nước họ, đồng thời nỗ lực quảng bá để công chúng Việt Nam hiểu được giá trị của những tác phẩm đó.

Nếu Ðại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cũng được giao nhiệm vụ và tâm huyết với công tác này, chắc chắn tình hình xuất bản phẩm của Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thế giới. Ðó là con đường chính thống. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức và biểu dương những tấm gương người Việt Nam, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ, dịch giả, lưu học sinh học tập và công tác ở nước ngoài trong vai trò như là một "đại sứ văn hóa", trước hết là văn hóa đọc. Mặt khác, cơ quan có trách nhiệm về xuất nhập khẩu sách cần phối hợp với các ngành liên quan xây dựng đề án trao giải thưởng dịch thuật cho các dịch giả trong nước và ngoài nước đã có các tác phẩm chuyển ngữ thành công, được đánh giá cao ở nước ngoài.

Xét đến cùng, những giải pháp nêu trên chỉ có thể đem lại hiệu quả khi chúng ta xây dựng được một nền xuất bản độc lập, tự chủ, vừa có bản sắc Việt Nam, vừa mang hơi thở và trí tuệ thời đại.

 

Nguyễn Kiểm

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG