DANH MỤC SÁCH HIỆN CÓ

KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

QUY TRÌNH - QUY CHUẨN - QUY PHẠM

VĂN HÓA - XÃ HỘI

TỦ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG

LUẬT PHÁP - CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH

Tin tức - Sự kiện

Toàn Ngành dùng chung tem chống sách giả: Giải pháp cấp bách chống in lậu

- infonet.vn

Để đạt mục tiêu có nhiều nhà xuất bản, xuất bản phẩm Việt Nam đạt mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN), có nhiều việc cần làm, đặc biệt là chống in lậu. Đã có nhiều giải pháp chống in lậu được đề xuất và triển khai, trong đó đáng chú ý là đề xuất xây dựng Thông tư về tem chống giả.


Còn in lậu, khó đảm bảo tiêu chuẩn sách quốc tế

 

Sách là sản phẩm văn hóa, văn minh của nhân loại, cho nên cần phải có một tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định, phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm, Tổ chức mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN) đều có cuộc họp bàn về việc xây dựng bộ tiêu chuẩn sách thế nào cho phù hợp, làm thế nào để một cuốn sách có điều kiện hòa nhập các cộng đồng khác nhau, trở thành văn hóa của nhân loại, góp phần xây dựng mặt bằng văn minh của nhân loại.

 

Theo định hướng của Tổ chức ISBN, để đảm bảo ISBN, cuốn sách phải đảm bảo không chỉ tiêu chuẩn kỹ thuật chung của thế giới, mà nội dung phải phù hợp với quyền lợi của cộng đồng cũng như tính nhân văn của nhân loại. ISBN góp phần xây dựng thương hiệu sách trong hoạt động văn hóa của loài người chứ không chỉ riêng một cộng đồng, một nhà xuất bản

Trao đổi với Infonet về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xuất bản – In và Phát hành Chu Văn Hòa cho biết, ngày 1/3/2016, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 05 quy định về quản lý và sử dụng ISBN. Thông tư này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2016.

Khi triển khai ISBN, chúng ta hướng tới 2 câu chuyện: một là quản lý được nội dung (không phải là sự hạn chế sáng tạo mà mục đích chính là không cho ra cộng đồng những nội dung độc hại hoặc không có lợi cho tiến trình phát triển của cộng đồng), và hai là thực hiện một phần chủ trương hòa nhập, hội nhập, có đóng góp với văn hóa nhân loại, khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam, tri thức Việt Nam, khẳng định bản sắc của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

“Việc áp dụng, triển khai ISBN là việc bắt buộc, góp phần thực hiện chiến lược phát triển văn hóa của Đảng”, Cục trưởng Chu Văn Hòa nói.

Hiện Việt Nam đã là một thành viên của Tổ chức ISBN, song việc đảm bảo tiêu chuẩn sách thế giới của Việt Nam hiện vẫn còn có rất nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn nạn in lậu.

Để triển khai ISBN có hiệu quả và chuẩn bị tốt cho việc hội nhập quốc tế, thì Việt Nam cần có nhiều giải pháp để quản lý đối với chất lượng sách. Trên thực tế, lâu nay, Bộ TT&TT đã triển khai rất nhiều giải pháp để quản lý sách, chẳng hạn như tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Xuất bản, Nghị định quản lý về in, thường xuyên triển khai công tác thanh kiểm tra, xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng biên tập viên.... Tuy nhiên, vấn nạn in lậu vẫn chưa bị triệt tiêu hoàn toàn.

 

Vấn nạn in lậu vẫn hiện hữu, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của ngành xuất bản Việt Nam.

 Tem chống sách giả, giải pháp cần thiết, cấp bách

Hiện mỗi cuốn sách khi được phát hành tại Việt Nam đều đã có 1 mã số ISBN, mỗi nhà xuất bản cũng có mã số ISBN. Trong kho đăng ký xuất bản phẩm và lưu chiểu của Cục Xuất bản – In và Phát hành đã lưu được tất cả những thông tin cần thiết phục vụ cho công tác thanh kiểm tra.

Gần đây, để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng chống in lậu, Cục Xuất bản – In và Phát hành đã đề xuất xây dựng Thông tư về tem chống giả.

Quan điểm của lãnh đạo Cục Xuất bản – In và Phát hành là Cục không đứng ra in mà để các nhà xuất bản tự bàn bạc thống nhất in chung 1 mẫu tem chống giả, đảm bảo chất lượng, tính bảo mật, tích hợp được tất cả thông số của ISBN và liên thông với trung tâm dữ liệu để phục vụ công tác thanh kiểm tra. 

Mẫu tem nào đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ đấu tranh chống in lậu sẽ được Bộ TT&TT công nhận là mẫu tem chung của ngành, coi đó là công cụ hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi cho các nhà xuất bản. Các cơ quan quản lý nhà nước gồm cả sở TT&TT, công an, văn hóa, chính quyền các địa phương cũng có thể dễ dàng vào cuộc kiểm tra, thậm chí người dân đi mua sách cũng có thể lấy điện thoại ra đối chiếu mẫu tem để kiểm tra xem có phải sách lậu hay không.

Nếu ngăn chặn được nạn in lậu thì sẽ góp phần tích cực lành mạnh hóa ngành xuất bản, lúc đó các tác giả tích cực viết hơn, các nhà xuất bản tích cực đi mua bản quyền để khai thác, người hành nghề in chân chính, người bán sách thu được nhiều tiền hơn....

Đặc biệt dán tem chống giả còn giúp nhà nước chống được thất thu thuế (hiện vẫn có tình trạng nhà xuất bản, nhà sách khai gian, chỉ báo với cơ quan quản lý là in 1.000 cuốn nhưng thực bán tới 10.000 cuốn để trốn thuế- PV).

Tại một cuộc họp mới đây do Cục Xuất bản – In và Phát hành tổ chức, 57/60 nhà xuất bản trên cả nước đã hoàn toàn đồng tình với định hướng xây dựng Thông tư về tem chống giả. Còn 3 nhà xuất bản vẫn đang lưỡng lự vì muốn xây dựng thương hiệu riêng.

Theo quan điểm của người viết bài này, dán tem chống giả chỉ là một trong nhiều giải pháp để phòng chống in lậu, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì đây là một giải pháp cấp bách, hết sức cần thiết nhằm một mặt nâng xuất bản Việt Nam lên ngang tầm thế giới, một mặt khác khẳng định thương hiệu của xuất bản Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của các nhà xuất bản, trong bối cảnh đất nước đẩy nhanh và mạnh tiến trình hội nhập quốc tế.

Bình Minh

 

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG