DANH MỤC SÁCH HIỆN CÓ

KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

QUY TRÌNH - QUY CHUẨN - QUY PHẠM

VĂN HÓA - XÃ HỘI

TỦ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG

LUẬT PHÁP - CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH

Tin tức - Sự kiện

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khai mạc Ngày sách Việt Nam lần 2

- Nguồn: infonet & Ban W

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thực hiện nghi thức đánh trống khai mạc Hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 2 năm 2015 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội vào sáng nay 17/4.


Lãnh đạo Chính phủ, Ban Tổ chức TƯ, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Thông tin Truyền thông
và các cơ quan, ban ngành dự Ngày sách lần thứ 2. Ảnh: Ngô Đức Hành
 
Sự kiện do Bộ TT&TT chủ trì phối hợp tổ chức cùng với UBND TP. Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam, là một trong những điểm nhấn đặc biệt nhất trong chương trình tổng thể Ngày sách Việt Nam lần thứ 2 năm 2015.
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh trống khai mạc Hội sách chào mừng
Ngày sách Việt Nam lần thứ 2. (Ảnh: B.M)
 
Phát biểu khai mạc Hội sách, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: Tại Hội sách lần này, ngoài khu vực gian hàng được thiết kế gắn liền với đặc trưng riêng của từng đơn vị có tổng diện tích sử dụng trên 1.000m2 phục vụ hoạt động đến tham quan và mua sách, còn có khu vực trưng bày sắp xếp theo mô hình với các chủ đề bám sát nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong năm 2015, khu vực giới thiệu xuất bản phẩm điện tử; giới thiệu thư pháp, chữ Việt cổ.
 
Đồng thời tại đây còn có các hoạt động phong phú khác như: hội thảo, tọa đàm về sách; các buổi diễn thuyết, giao lưu với tác giả; giới thiệu sách hay, sách mới.
 
Đặc biệt, Hội sách còn có các chương trình, hoạt động xã hội hướng tới lợi ích cộng đồng, mang ý nghĩa xã hội tích cực như: Các đơn vị trích 1 phần kinh phí từ lợi nhuận bán sách để đóng góp, ủng hộ cho Quỹ Trò nghèo vùng cao, ủng hộ các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo; Xây dựng nhà nội trú cho học sinh tiểu học miền núi, vùng sâu, vùng xa; Thu nhận sách trao tặng chương trình Sách hóa nông thôn.
 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đọc diễn văn khai mạc. (Ảnh: Ngô Đức Hành)
 
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó coi trọng xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Các thiết chế văn hóa đọc đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng. Và đến nay đã phát triển thành một hệ thống rộng khắp trong toàn quốc.
 
Cả nước hiện nay có 1 thư viện quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 650 thư viện cấp huyện, khoảng 2.400 thư viện xã phường, thị trấn, và hệ thống thư viện nhà trường từ phổ thông đến đại học, các thư viện khoa học kỹ thuật, thư viện của quân đội nhân dân, thư viện của công an nhân dân...
 
Bên cạnh đó cũng đã xây dựng hàng chục ngàn tủ sách pháp luật, tủ sách điểm bưu điện văn hóa xã, tủ sách đồn biên phòng, hàng trăm nghìn phòng đọc sách, tủ sách ở các bản làng, thôn ấp, tổ dân phố, khu dân cư.
 
Đồng thời, ngày càng xuất hiện nhiều tủ sách, thư viện tư nhân, thư viện gia đình với những bộ sưu tập sách phong phú rất có giá trị. Nhiều nhà sách, cửa hàng sách, siêu thị sách đã phát triển  nhanh chóng trong những năm gần đây tại các thành phố, thị xã, thị trân, khu công nghiệp...
 
Các hội chợ sách, phố sách cũng được tổ chức ở các thành phố lớn đã tạo cho điều kiện cho công chúng tiếp cận thường xuyên và dễ dàng hơn với sách, các loại văn hóa phẩm mới được xuất bản ở trong nước và trên thế giới.
 
Ngoài ra, sự xuất hiện của Internet trong đời sống xã hội cũng tạo ra một phương thức đọc hiện đại, cung cấp một lượng tri thức, thông tin khổng lồ cho đông đảo người đọc.  
 
Các thiết chế nêu trên đã và đang từng bước phát huy tác dụng tích cực trong việc phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, nhất là ở vùng sâu, xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế xã hội.
 
“Dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm thông tin qua mạng, thì sách vẫn không mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có. Cho đến hôm nay, sách vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của con người”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
 

Lãnh đạo Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT cắt băng khai mạc
Ngày sách Việt Nam lần thứ 2 năm 2015. (Ảnh: Ngô Đức Hành)
 
Được biết, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284 lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Ngay trong năm 2014, Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất đã thu hút đông đảo công chúng quan tâm, trở thành ngày hội văn hóa cộng đồng có ý nghĩa.
 
Năm 2015, Ngày sách Việt Nam lần thứ 2 tiếp tục được tổ chức nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, tôn vinh giá trị của sách; xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng; góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp ngành, mỗi người dân trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Cùng với Hội sách tại Hà Nội, từ ngày 1/4/2015 đến 1/5/2015, trên cả nước còn có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam như Tuần lễ phát hành sách, Tháng phát hành sách, Giao lưu ký tặng sách, quyên góp sách cho trẻ em nghèo; Phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; Tổ chức nhiều sự kiện xây dựng văn hóa đọc cho thanh niên, sinh viên, học sinh..
 
Bộ TT&TT còn chủ trì phối hợp UBND TP.HCM và Bộ Quốc phòng tổ chức Triển lãm sách về chủ đề Đất nước thống nhất.
 
Ông Lê Tử Giang - Giám đốc Nhà xuất bản GTVT tham dự buổi khai mạc. Ảnh Ngô Đức Hành
 
 
 Văn nghệ chào mừng (ảnh trên) và sinh viên Khoa xuất bản Học viện BCTT
tham gia Ngày sách. Ảnh: Ngô Đức Hành
 

Đông đảo độc giả tham gia Ngày sách Việt Nam. Ảnh Ngô Đức Hành

 

Mỗi năm, tại Việt Nam có hàng chục nghìn đầu sách được xuất bản với tổng số phát hành hàng trăm triệu bản. Riêng trong năm 2014, toàn quốc có 63 nhà xuất bản, khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp, hơn 13.700 cơ sở phát hành, xuất bản phẩm, và hơn 13.500 trung tâm, siêu thị sách, nhà sách, hộ kinh doanh, các điểm bán sách trên toàn quốc. Xuất bản được hơn 25.000 đầu sách với 361 triệu bản; xuất bản 859 loại văn hóa phẩm với gần 28 triệu bản. Mức hưởng thụ bình quân của người dân nước ta ở mức hơn 3 bản sách/đầu người. 

 

 

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG