DANH MỤC SÁCH HIỆN CÓ

KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

QUY TRÌNH - QUY CHUẨN - QUY PHẠM

VĂN HÓA - XÃ HỘI

TỦ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG

LUẬT PHÁP - CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH

Tin tức - Sự kiện

Định nghĩa Tác phẩm theo Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam và qui định của TRIPS

- GS TS Nguyễn Vân Nam

Khái niệm Tác phẩm và cùng với nó là định nghĩa tác phẩm vì vậy giữ một vai trò then chốt trong xây dựng và thực thi luật quyền tác giả. Bước đầu tiên khi xử lý bất kỳ một tranh chấp nào về quyền tác giả cũng là việc trả lời câu hỏi: đối tượng tranh chấp có phải là tác phẩm theo định nghĩa của luật quyền tác giả hay không?


 
Quyền tác giả phát sinh ngay khi tác phẩm ra đời mà không cần đơn yêu cầu công nhận, không phải trải qua bất kỳ thẩm định nào của cơ quan công quyền, không cần một thủ tục đăng ký nào. Do nó phát sinh dễ dàng và không được thẩm định trước nên khi có tranh chấp hay vi phạm quyền tác giả thì công việc đầu tiên của tòa án là xác định có hay không có quyền tác giả đối với sản phẩm là đối tượng tranh chấp, nghĩa là xác định sản phẩm đó có phải là một tác phẩm hay không.
 
Khái niệm Tác phẩm và cùng với nó là định nghĩa tác phẩm vì vậy giữ một vai trò then chốt trong xây dựng và thực thi luật quyền tác giả. Bước đầu tiên khi xử lý bất kỳ một tranh chấp nào về quyền tác giả cũng là việc trả lời câu hỏi: đối tượng tranh chấp có phải là tác phẩm theo định nghĩa của luật quyền tác giả hay không?
 
Định nghĩa Tác phẩm
 
Hiệp định TRIPS không trực tiếp định nghĩa thế nào là một tác phẩm, theo điều 9 khoản 1, các nước thành viên TRIPS có nghĩa vụ tuân thủ từ điều 1 đến điều 21 Công ước Berne (1971). Như vậy, dường như tác phẩm-theo tiêu chuẩn của TRIPS- được định nghĩa theo điều 2, khoản 1 của Công ước này. Tuy nhiên, cách dùng từ trong điều 2 Công ước Berne (CUB) đã gây ra sự nhầm lẫn rất đáng tiếc khiến một số nước coi đây chính là định nghĩa thế nào là một tác phẩm. Thực chất, điều 2 CUB chỉ qui định những loại hình tác phẩm thuộc các lĩnh nào sẽ được bảo hộ quyền tác giả, chứ không định nghĩa thế nào là một tác phẩm theo ý nghĩa của luật quyền tác giả:
 
“Điều 2. (1) Công ước Berne: “Tác phẩm văn học và Nghệ thuật” bao gồm toàn bộ các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật mà không phụ thuộc vào cách thức và hình thức thể hiện như: sách,…. và các tác phẩm ngôn ngữ khác; các bài thuyết trình, diễn thuyết, diễn văn và các tác phẩm cùng loại; các tác phẩm âm nhạc, kịch, nhạc kịch……”
 
Sở dĩ Công ước Berne không nêu định nghĩa thế nào là một tác phẩm mà chỉ qui định các tác phẩm thuộc lĩnh vực nào thì được bảo hộ, có lẽ vì các nước thành viên sáng lập khi ký kết Công ước này đều đã có một định nghĩa tác phẩm về cơ bản là giống nhau trong hệ thống luật quốc gia. Nhắc lại một điều như vậy trong một công ước quốc tế là không cần thiết. Nhưng chính điều này lại gây ra hậu qủa nghiêm trọng đối với  một số nước thành viên mới của WTO là các nước đang phát triển chỉ mới bắt đầu qúa trình xây dựng và thực thi quyền tác gỉa, do hiểu nhầm rằng điều 2, khoản 1 Công ước Berne là định nghĩa tác phẩm. Luật SHTT mới ban hành của ta tại Điều 4, khoản 7 cũng mới chỉ định nghĩa: Tác phẩm là các sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào.
 
Mặc dù bất kỳ một sản phẩm nào trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện dưới bất kỳ phương thức hay hình thức nào cũng có thể được coi là một tác phẩm. Nhưng một tác phẩm theo mục đích và ý nghĩa của luật quyền tác gỉa- và vì vậy tác giả của nó mới được hưởng quyền tác giả- thì không thể là một tác phẩm bất kỳ như thế được. Chúng ta có thể thấy ngay rằng, nếu một tác phẩm bất kỳ nào cũng là đối tượng điều chỉnh của luật quyền tác gỉa, thì bất cứ người nào trong chúng ta cũng được hưởng độc quyền khai thác nội dung các cuộc trao đổi miệng thường ngày, nội dung các buổi nói chuyện phiếm, các loại thư từ, văn bản giao dịch cá nhân hay kinh doanh, các bài báo có tính thông tin thường ngày, thông báo vụ việc, thậm chí cả câu chửi thề, bài mắng chửi nhau ngoài chợ v…v.
 
Ai muốn sử dụng hay phổ biến chúng đều phải xin phép mỗi ngừơi khác. Như thế hoạt động thường ngày của xã hội sẽ phải bị ngừng trệ vì chờ chúng ta xin phép lẫn nhau. Ngoài ra, việc khuyến khích bằng lợi ích kinh tế cho tác giả sản xuất các tác phẩm bất kỳ như thế cũng không cần thiết. Luật quyền tác giả vì vậy không thể không có điều khoản định nghĩa chính thức thế nào là một tác phẩm nằm trong sự điều chỉnh của nó.
 
Dù có khác nhau trong cấu trúc câu hay cách dùng từ, nhưng về cơ bản, định nghĩa thế nào là một tác phẩm có thể được bảo hộ quyền tác giả của tất cả các nước công nghiệp phát triển (trừ Mỹ với một vài ngoại lệ), các nước công nghiệp mới, các nước Châu Âu và của các nước đang phát triển hàng đầu đều giống nhau với 04 điều kiện tiên quyết (yếu tố cấu thành tác phẩm có khả năng được bảo hộ quyền tác giả) là: a) Sự sáng tạo của con người; b) Mang một nội dung tinh thần; c) Thể hiện trong một hình thức mà con người có thể tiếp cận; và d) Mang đặc trưng riêng của tác giả.
 
Ví dụ:
 
–  Luật quyền tác giả của CHLB Đức, Phần II: Tác phẩm, Điều 2: Các tác phẩm được bảo hộ; Điều 2, khoản 2: “Các tác phẩm trong ý nghĩa của bộ luật này chỉ là các sáng tạo tinh thần mang tính chất cá nhân.”
 
–  Luật về quyền tác giả và các quyền liên quan của Thụy sĩ: Phần II: Quyền tác gỉa; Chương 1: Tác phẩm; Điều 2: Định nghĩa Tác phẩm, khoản 1: “ Tác phẩm là- không phụ thuộc vào giá trị hay mục đích của nó- sáng tạo tinh thần trong văn học và nghệ thuật mang những đặc trưng riêng của tác giả”
 
Chỉ những thành qủa hoạt động sáng tạo của con người đáp ứng các điều kiện trên mới là tác phẩm mà tác giả của nó được hưởng quyền tác giả. Những thành qủa sáng tạo về tinh thần khác sẽ được bảo hộ dưới các dạng quyền SHCN chẳng hạn như Sáng chế.

a) Sự sáng tạo của con người:
 
Trước hết, một tác phẩm trong ý nghĩa của luật quyền tác giả (sau đây gọi tắt là tác phẩm), phải là thành qủa hoạt động tinh thần mang tính sáng tạo của con người. Có như vậy, tác giả của nó mới được hưởng sự khuyến khích về kinh tế thông qua độc quyền khai thác tác phẩm do luật quyền tác giả bảo đảm. Như vậy, tác giả trong phạm vi điều chỉnh của luật quyền tác giả (LQTG) chỉ có thể là con người-một pháp nhân tự nhiên- chứ  không thể là một pháp nhân phi tự nhiên như các công ty, hiệp hội hay các tổ chức. Một sản phẩm tinh thần do máy móc tạo ra- chẳng hạn như các bản dịch thực hiện bởi một chương trình máy tính- cũng không thể là tác phẩm. Tuy nhiên, Hiệp định TRIPS không cấm việc công nhận pháp nhân phi tự nhiên là tác giả.
 
Điều này sẽ trở nên phức tạp nhưng cũng lý thú hơn khi phải xem xét một bức ảnh được chụp theo chương trình hoàn tòan tự động có phải là một tác phẩm hay không? Điểm mấu chốt ở đây vẫn là xác định hoạt động sáng tạo của tác gỉa trong việc thiết kế bố cục bức ảnh. Nếu hoạt động sáng tạo của tác giả để lại một dấu ấn riêng, rõ ràng trên bức ảnh thì máy chụp hình và chương trình tự động ở đây chỉ đóng vai trò công cụ của tác giả. Bức ảnh là một tác phẩm. Ngược lại, đó chỉ là sản phẩm của máy móc và không thể được công nhận là tác phẩm. Nguyên tắc đánh giá này rất thường được ứng dụng khi xem xét các sản phẩm có được qua việc sử dụng các chương trình đồ họa, chương trình xử lý văn bản, phối âm v…v có phải là tác phẩm hay không?

b) Nội dung tinh thần:
 
Một tác phẩm do con người tạo ra phải chứa đựng nội dung tinh thần nhất định. Tinh thần-tư tưởng hay tình cảm- đó phải được thể hiện thông qua tác phẩm. Điều này không thể có được trong những sản phẩm của hoạt động thuần túy máy móc. Thông qua ngôn ngữ như một công cụ, tư tưởng, tình cảm của tác giả được thể hiện trong các tác phẩm ngôn ngữ. Trong các tác phẩm âm nhạc, nội dung tinh thần là cảm xúc, cảm nhận, tình cảm thể hiện qua sự sắp đặt âm thanh một cách sáng tạo mang tính chất riêng của nhà soạn nhạc. Trong tác phẩm hội họa đó là cảm xúc nẩy sinh khi ngắm bức họa v…v.
 
c) Thể hiện trong hình thức mà con người có thể tiếp cận:
 
Tác phẩm của sự sáng tạo tinh thần cần được thể hiện trong những hình thức mà con người có thể tiếp cận, trong những dạng thức có thể chuyển tải cách thức thể hiện sự sáng tạo đó. Một ý tưởng chưa được thể hiện, chưa được trình bày thì không thể được bảo hộ. Tuy nhiên một sản phẩm sáng tạo tinh thần không cần phải được thể hiện trong một hình thức hoàn chỉnh mới được công nhận là một tác phẩm. Các bản nháp diễn văn, phác thảo âm nhạc, thơ , ngay cả những phác thảo đồ họa có tính chất tạm thời trên máy tính cũng có thể được công nhận là tác phẩm.

d) Mang đặc trưng cá nhân của tác giả:
 
Tiêu chuẩn quan trọng nhất để xác định tác phẩm chính là đặc trưng riêng (đặc trưng cá nhân) của tác giả. Tác phẩm phải là kết qủa sự sáng tạo tinh thần của tác giả. Nó phải mang dấu ấn riêng biệt của năng lực sáng tạo của tác giả. Chính là ở đây mà ý nghĩa của Luật quyền tác giả được thể hiện rõ nhất: bảo vệ thành qủa tinh thần của riêng tác giả và bảo đảm quyền lợi kinh tế xứng đáng của tác giả trong việc khai thác tác phẩm của mình.
 
“Sáng tạo” đã mang ý nghĩa là một cái gì đó mới. Tất cả những gì mà ai cũng có thể làm được thì không thể mang đặc trưng riêng của người làm ra chúng. Chính đặc trưng riêng mang tính cá nhân này giúp ta phân biệt những tác phẩm văn học với các bức thư trao đổi thường ngày, giữa bài thuyết trình với một bài nói chuyện không mang ý nghĩa gì, giữa một kiểu dáng được thiết kế một cách nghệ thuật với dáng vẻ các loại hàng hóa sản xuất đại trà phục vụ nhu cầu hàng ngày. Ở đây, cần lưu ý rằng đặc trưng cá nhân không đồng nghĩa với chất lượng cao, vì cả những sản phẩm tồi tệ cũng có thể-và nhiều khi chính là vì vậy- mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả.
 
Điều kiện tiên quyết để có đặc trưng cá nhân làm nên tác phẩm là sự xuất hiện “sân chơi” cho sự phát triển các thuộc tính cá nhân trong qúa trình hình thành tác phẩm. Trong các sản phẩm, thành tựu văn học, nghệ thuật đã trở thành tài sản chung thì không thể còn chỗ cho sự phát triển thuộc tính cá nhân như vậy nữa. Ở nơi mà sự thiết kế, trình bày một sự vật đã là hệ qủa hiển nhiên từ bản chất sự vật mà ra hay là kết qủa tất yếu của qui luật tự nhiên, thì ở đó cũng không thể tồn tại đặc trưng cá nhân của tác giả. Chẳng hạn việc sử dụng các phương pháp chuyên ngành, hay sử dụng cấu trúc câu- mà giới chuyên môn không xa lạ-  trong tác phẩm ngôn ngữ không thể là các đặc trưng cá nhân.
 
Bên cạnh tính chất là một sáng tạo tinh thần (định tính), đặc trưng cá nhân của tác gỉa có thể được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau (định lượng). Nó có thể mạnh đến mức mang dấu ấn nhân cách của tác giả. Nhưng mức độ đó là không cần thiết đối với một tác phẩm là đối tượng điều chỉnh của Luật quyền tác giả. Tác phẩm-trong phạm vi bảo hộ của Luật quyền tác giả- chỉ cần mang đặc trưng cá nhân ở mức tối thiểu. Hàng loạt sản phẩm như sách quảng cáo hàng mẫu bằng hình ảnh (Katalog), sách sưu tập cách nấu ăn, sách dạy nhạc với các bài mẫu, bản trình bày công trình khoa học kỹ thuật và hiện nay là các chương trình phần mềm máy tính, ngân hàng dữ liệu hay ảnh chụp đều có khả năng được bảo hộ ngay cả khi đặc trưng cá nhân của tác giả chỉ ở mức tối thiểu về mặt định lượng.
 
Vậy làm thế nào để xác định các đặc trưng cá nhân của tác giả trong tác phẩm? Và các tiêu chí cụ thể để xác định mức độ đặc trưng cá nhân là gì? Trước hết, các yếu tố cấu thành đặc trưng cá nhân của tác phẩm phải được xem xét trong khuôn khổ các yếu tố cơ bản (như bố cục, phương pháp thể hiện v…v. ) làm nên tác phẩm mang tính đặc thù cho mỗi thể loại tác phẩm. Các yếu tố này cần được xem xét, đánh giá riêng, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ấn tượng chung (có hay không có dấu ấn riêng của tác giả) do tác phẩm như một tổng thể thống nhất đem lại. Ngay cả khi mỗi một yếu tố chỉ thể hiện rất mờ nhạt dấu ấn riêng của tác giả, thì sự kết hợp chúng trong một tác phẩm cũng đem lại một dấu ấn riêng đủ mạnh để tác phẩm mang đặc trưng cá nhân của tác giả. Tiêu chí cụ thể để xác định mức độ đặc trưng cá nhân phải là tiêu chí quen thuộc, được tin cậy theo cách nhìn của những người liên quan trực tiếp đến qúa trình hình thành, giao dịch thể loại tác phẩm đang xét đến. Tiêu chí được áp dụng là tiêu chí ở vào thời điểm sáng tạo ra tác phẩm.
 
e) Một số tiêu chí không quan trọng đối với quyền tác giả
 
* Tính mới của tác phẩm
 
Quyền tác giả không bảo hộ một sản phẩm mới, mà bảo hộ thành qủa sáng tạo cá nhân. Vì vậy tính mới khách quan của một tác phẩm không phải là điều kiện tiên quyết để tác giả của nó hưởng quyền tác giả. Tuy nhiên, để tác phẩm là thành qủa sáng tạo mang đặc trưng cá nhân, nó phải mang một cái gì đó mới của tác giả. Người ta gọi đó là tính mới chủ quan. Điều này không có nghĩa là mọi cái mới đối với tác giả cũng được bảo hộ. Tác giả một sản phẩm tinh thần hình thành từ việc sử dụng các thành qủa văn học nghệ thuật chung nào đó sẽ không được hưởng quyền tác giả dù cho anh ta-về mặt chủ quan- không biết đó là các thành qủa chung.
 
* Mục đích ý nghĩa của tác phẩm
 
Tác giả của một tác phẩm đương nhiên hưởng quyền tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo, không phụ thuộc vào mục đích, ý nghĩa của tác phẩm, không phục thuộc vào việc nó có thể được sử dụng kinh doanh hay nhằm một mục đích nào đó hay không.
 
* Chất lượng và khối lượng
 
Chất lượng của tác phẩm hay quan điểm đúng- sai, tốt-xấu của tác giả cũng không ảnh hưởng gì đến quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Nói chung, khối lượng hay phạm vi của một sản phẩm tinh thần không ảnh hưởng đến việc công nhận nó có là một tác phẩm hay không. Ngay cả một bức tranh nhỏ xíu hay một đoạn thơ vài dòng cũng có thể là một tác phẩm. Tuy nhiên, điều quan trọng là sản phẩm đó phải thể hiện một nội dung tinh thần và mang đặc trưng cá nhân của tác giả. Điều này rất khó thực hiện trong vài câu chữ hay trong một bức tranh đơn giản và nhỏ.
 
* Công sức và chi phí
 
Quyền tác giả không bảo hộ sự đầu tư. Vì vậy công sức hay chi phí làm nên một sản phẩm tinh thần không thể là lý do để nó được công nhận là một tác phẩm.
 
* Phạm pháp hoặc vi phạm đạo đức
 
Quyền tác giả bảo hộ sự sáng tạo tinh thần mang tính cá nhân. Tác giả của các tác phẩm được xây dựng bằng các vật liệu có được một cách phi pháp; hay đi ngược lại đạo đức, ngược lại các tư tưởng chính thống v…v cũng vẫn được hưởng quyền tác giả đối với các tác phẩm “có vấn đề” đó.
 
Luật SHTT của VN vẫn chưa nêu được một định nghĩa đầy đủ về tác phẩm. Ngoài Điều 4, khoản 7 qui định: “Tác phẩm là các sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào”, chỉ có Điều 14, khoản 3 bổ sung thêm tác phẩm “phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác”. 
 
Do chưa có định nghĩa tác phẩm với đầy đủ các điều kiện pháp lý theo tiêu chuẩn tối thiểu của TRIPS, các qui định về quyền tác giả trong bộ luật SHTT mới được quốc hội thông qua chắc chắn sẽ làm nẩy sinh rất nhiều trở ngại khiến nó hầu như không thể áp dụng và phát huy tác dụng tích cực trong thực tiễn. 

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG