DANH MỤC SÁCH HIỆN CÓ

KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

QUY TRÌNH - QUY CHUẨN - QUY PHẠM

VĂN HÓA - XÃ HỘI

TỦ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG

LUẬT PHÁP - CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH

Tin tức - Sự kiện

Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Giao thông vận tải và dư âm

- Ban Web (thực hiện)

Như tin đã đưa, sáng 18/8, tại Hà Nội, Bộ GTVT phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (28/8/1945 - 28/8/2015) và Đại hội thi đua yêu nước Ngành GTVT. Nhà xuất bản GTVT đã phỏng vấn một số tác giả đạt giải và nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, PGS.,TS. Tôn Phương Lan. Sau đây là nội dung phỏng vấn.


GS.,TSKH Lã Ngọc Khuê - Giải Nhì tập thơ "Cách đi là cách sống": Tôi đã có thêm cơ hội để giãi bày

 

Với rất nhiều nỗ lực, chúng ta đã thực sự tạo nên một bộ mặt mới của GTVT, trước hết là hệ thống kết cấu hạ tầng và tập hợp các loại hình phương tiện tiên tiến, hiện đại. Dẫu vậy vẫn còn đó những bất cập của tình hình. Nhức nhối nhất là vấn nạn trật tự an toàn giao thông.

 

GS.,TSKH Lã Ngọc Khuê

Bảo rằng xã hội chưa thực sự chung tay, chung sức, vậy có ở đâu người ta phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục một tệ nạn do chính con người tự gây ra, tự chuốc lấy cho mình. Bảo rằng sự cố xảy ra là do đường xá xuống cấp, hư hỏng, cớ sao lại có những tai nạn thảm khốc trên những cung đường hiện đại vào bậc nhất nhì như thế.
 
May mắn là đã ngộ ra, cơ sở vật chất kỹ thuật là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng không phải là tất cả. Trong mọi trường hợp, con người luôn là chủ thể, là tác nhân số một của thành bại. Để có được may mắn và hạnh phúc trong mỗi chuyến đi, người tham gia giao thông không chỉ cần hiểu biết pháp luật mà còn phải có văn hoá trong cách đi, cách đứng, trong ứng xử trước  những sự cố trên đường. Từ nhận biết đó, người ta đăng đàn luận giải rất nhiều về văn hoá giao thông. Kết luận rút ra:Việc đào tạo lái xe đã không chú trọng đầy đủ tới nội dung giáo dục, trau dồi, nhằm tạo nên cái phông văn hoá cho người cầm lái. Đó quả thực là một nhầm lẫn, một quan niệm hết sức phiến diện. Liệu rằng, với những bài giảng về đạo đức về nhân cách sống trong suốt 12 năm phổ thông,rồi những cuộc sinh hoạt thường xuyên của Đoàn, của Đội, cùng những chăm lo dạy dỗ thường nhật của ông bà, cha mẹ …đã đảm bảo để tạo nên được một lớp người có đủ hành trang văn hoá trong cuộc sống hay chưa?Vậy thì vài chục giờ lên lớp về văn hoá ứng xử trong một khoá đào tạo lái xe, liệu có thấm tháp gì. Vả chăng đi trên đường đâu chỉ có lái xe.
 
Cần hiểu rằng văn hoá giao thông, văn hoá xếp hàng, văn hoá ở nơi công cộng, v.v. và v.v… đều chỉ là những biểu hiện cụ thể về cách ứng xử, cách sống của một con người, xuất phát từ nền tảng đạo đức và văn hoá của con người ấy. Suy rộng ra là từ nền tảng văn hoá và đạo đức chung của cả cộng đồng mà tất cả đều phải là người trong cuộc, để cùngchung tay đắp bồi, hun đúc.
 
Tôi đã chấp bút một tiểu luận bàn về những lẽ trên đây. Nhưng rồi nhận ra bàn về văn hoá thì hợp lẽ nhất là phải sử dụng cách biểu đạt mang tính đặc trưng của văn hoá. Bài thơ được viết ra từ những mong muốn ấy. Cái khó là chủ đề ràng buộc vào một định đề triết lý mang tính tuyên ngôn, gắn với một nhiệm vụ chính trị của ngành GTVT, do vậy phải biết cách để làm mềm đi những tình tiết khô khan duy lý. Ít nhiều lý lẽ của bài thơ đã mang tính phát hiện, người đọc sẽ quan tâm tới cái mới mẻ của nó và với ý nghĩa nhân văn cùng với tầm rộng lớn của chủ đề, nó đã có cả một không gian để nương tựa và lựa chọn ra cách thể hiện.
 
Với bài thơ này tác giả có thêm cơ hội giãi bày, vì sao một người làm chuyên môn, làm quản lý Nhà nước lâu năm lại làm thơ. Ấy là vì khi các công cụ kỹ thuật và luật pháp không đủ sức để nhận biết, để cắt nghĩa chiều sâu của hiện tượng, của tình hình, thì người ta phải biết tìm ra một ngôn ngữ khác, một phương cách khác, sao cho có thể tiếp cận vấn đề một cách sâu sắc, đủ sức bày tỏ  được chính kiến, và cũng là để làm tốt hơn chức phận của mình.
 
 
Nhà văn PGS.TS. TÔN PHƯƠNG LAN: Cuộc vận động lần này có ý nghĩa rất quan trọng
 
Đề tài Giao thông vận tải (GTVT) là một đề tài luôn được nhiều người đọc quan tâm bởi giao thông vận tải

PGS.,TS Tôn Phương Lan

là một vấn đề luôn nóng. Trước đây, trong chiến tranh các cung đường giao thông trở thành trọng điểm bắn phá của kẻ địch; ở đó hàng bao nhiêu thanh niên xung phong, bộ đội, dân thường đã hy sinh xương máu, tuổi trẻ của mình để bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt… Những tấm gương trung liệt của họ hiện nay, sau này và mãi mãi vẫn là một đề tài có sức hút lớn đối với ngòi bút của các thế hệ nhà văn. Hiện nay, nhiều dự án và các công trình giao thông đang là tâm điểm của đời sống xã hội bởi nó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề nhân cách và sinh mạng con người.  
 
Cuộc thi lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Về thời điểm, đây là dịp ngành GTVT chuẩn bị tổ chức trọng thể kỷ niệm 70 năm thành lập – một dịp để tri ân các thế hệ lãnh đạo, những cán bộ công nhân viên đã có những đóng góp to lớn, đồng thời khích lệ tinh thần thi đua yêu nước của cán bộ và công nhân trên mặt trận Giao thông vận tải trong tình hình mới. Đây cũng là một dịp để tuyên truyền và phát huy truyền thống anh hùng của ngành trong lao động, trong nghiên cứu khoa học, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trước đây và hiện nay. Cuộc thi cũng là một dịp ghi nhận những nhà văn đã có những tác phẩm viết về đề tài giao thông vận tải có chất lượng, đóng góp xứng đáng vào nền văn học cách mạng. 
 
Cuộc thi đã được đông đảo các cây bút chuyên và không chuyên nhiệt tình hưởng ứng. Trong số hàng trăm tác phẩm thuộc các thể loại gửi về dự thi, nhiều tấm gương về lao động sáng tạo, về sự hy sinh anh dũng của cán bộ và chiến sỹ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước đây và trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay cùng với nhiều công trình giao thông lịch sử, hiện đại… đã được nhiều tác giả thể hiện một cách tinh tế dưới ngòi bút tài hoa. Cuộc sống và con người được phơi mở. Cũng như những tiêu cực đã được phanh phui. Điều đó chắc chắn sẽ có những hiệu ứng tích cực trong xã hội. Chọn trong số hàng trăm tác phẩm để trao một lượng giải thưởng có hạn, rồi xếp hạng, đó quả là một việc không dễ. Tuy nhiên, Ban Giám khảo cũng đã làm việc hết mình. Và giải thưởng đã có, trong đó có những sáng tác là của các nhà văn hội viên, nhưng cũng rất nhiều sáng tác là của những cây bút chưa là hội viên. 
 
Chúng tôi hy vọng những tác giả được giải và những tác giả sắp được giải sẽ cùng vui chung niềm vui về thành công của cuộc thi, về sự đóng góp và trưởng thành nhân 70 năm nhìn lại vì tất cả chúng ta đều chung một mong ước: làm thế nào để những vấn đề về giao thông không trở nên bức xúc trong các bản tin hàng ngày, cho những công trình giao thông không chỉ mang lại sự tiện lợi trong đi lại mà thật sự đó là những công trình kiến trúc mỹ lệ thể hiện được tài trí và kỹ năng trong khoa học, trong lao động của người Việt Nam. Đây cũng là một dịp để các nhà văn nhà thơ tiếp tục thử sức hướng tới những tác phẩm có giá trị.
 
 
Tác giả trẻ Đặng Minh Sáng, giải Nhất thể loại Truyện ngắn: Văn học sẽ hướng con người đến hành động cao đẹp
 

Tác giả trẻ Đặng Minh Sáng

Phải nói là tôi rất cảm ơn Bộ Giao thông Vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam đã đem đến cho những người viết một dịp rất quý để thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mình về ngành Giao thông Vận tải Việt Nam, một ngành luôn "đi trước, mở đường" hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang trong 70 năm qua.
 
Với tôi, sống ở Tây Nguyên, lại làm trong ngành Giao thông Vận tải, được trải nghiệm cùng bà con đồng bào, những người có đời sống chân chất, hiền hoà, đôn hậu nhưng không kém phần mãnh liệt, tôi hiểu giao thông vận tải đã góp phần mở cánh cửa ngàn năm để đưa ánh sáng của văn minh đến với Tây Nguyên, giao thông đã góp phần thay đổi bao phận người, cả đồng bào bản địa và đồng bào miền xuôi lên lập nghiệp nơi đây. Truyện này mường tượng đã lâu, nhưng chưa rõ hình hài.  Năm ngoái, được dự trại viết của Bộ Giao thông Vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, tôi mới có thời gian thể hiện ra trên trang giấy. Kết quả cuộc thi này là rất bất ngờ, vượt qua sự mong đợi của tôi.
 
Làm nghề trong lĩnh vực giao thông vận tải là cực nhọc, đôi khi cả nguy hiểm nữa, nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Văn học phản ánh đời sống của người lao động trên công trường, trên những chuyến tàu, chuyến xe với những đặc điểm như thế là đương nhiên rồi. Tôi vẫn thích được đọc những tác phẩm thể hiện được khát vọng của con người bật lên từ cuộc sống bộn bề, vất vả ấy. 
 
Tôi nghĩ một trong những chức năng của văn học là hướng con người đến những khát vọng cao đẹp, dẹp bỏ những toan tính hẹp hòi, thiển cận và ích kỷ, thôi thúc con người hành động biến ước mơ thành hiện thực
 
 
Nhà thơ Trần Quang Quý, giải Ba thể loại Bút ký: Cần đầu tư chiều sâu, dài hạn, tạo điều kiện để các nhà văn có đời sống thực tế về ngành
 
- Thưa anh, đề tài giao thông đã được anh thể nghiệm, đưa vào sáng tác như thế nào?
 

Nhà thơ Trần Quang Quý

Nhà thơ Trần Quang Quý: Giao thông là lĩnh vực cực quan trọng với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và đời sống dân sinh diễn ra hàng ngày. Ra ngõ là tham gia giao thông rồi. Đất nước mình trải qua nhiều năm chiến tranh, sự nghèo và lạc hậu kéo dài, kể cả tụt hậu... nên hạ tầng giao thông nhiều năm khốn khổ; nó chỉ bắt đầu được cải thiện từ Đổi mới và đang thay đổi lớn hiện nay. Vì vậy, với một người làm báo và sáng tác văn học lâu năm, giao thông là mối quan tâm thường xuyên, đau đáu của tôi. Điều này, tôi nghĩ nhiều người dân khác cũng quan tâm như vậy. Vì thế, khi tập trung vào một đề tài, vấn đề như giao thông, những cảm xúc, ẩn ức tích tụ tự nó đã “rào” lên rồi. Và Giao thông là một đề tài hay, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh. Chỉ ý nghĩa con đường, tính tượng trưng, biểu tượng của con đường đã đi vào mọi ngóc ngách đời sống, từ con đường giao thông cụ thể đến con đường tình yêu, con đường của trái tim, tâm hồn; con đường vượt qua những thách thức, con đường sự nghiệp, con đường của những giá trị...
 
- Có một số ý kiến nói rằng: viết về giao thông vận tải rất khó? Theo anh “cái khó” ở đây được hiểu như thế nào?
 
Nhà thơ Trần Quang Quý: Ảnh hưởng của giao thông với đời sống ai cũng thấy rõ. Nhưng làm thế nào để chuyển hóa được những giá trị và tinh thần ấy trong đời sống văn học hiện nay lại là câu chuyện khác. Tôi cho rằng người ta kêu khó chính là ở chỗ này. Dễ thấy việc nhưng khó thấy Người. Chỉ cần so sánh với thời chiến tranh thì rõ. Trong chiến tranh, đường ra trận là cái sống, cái chết, hèn nhát và quả cảm, ích kỷ và hy sinh... biết bao tính cách, tâm hồn con người được hun đúc, thử thách, thể hiện trong khói lửa đạn bom, trên con đường giải phóng đất nước. Cuối cùng, để có tác phẩm tốt, nó phụ thuộc vào việc người ta sống với nó thế nào, phụ thuộc vào tài năng.
 
- Anh có đánh giá gì về hiệu ứng của cuộc vận động?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Tôi thấy rất nhiều tác giả chuyên và không chuyên trong và ngoài ngành, nhiều nhà văn hưởng ứng cuộc vận động, thế là mừng. Cuộc vận động không chỉ động viên, khích lệ được người lao động, xây dựng những giá trị truyền thống của một ngành đóng góp lớn cho phát triển đất nước, mà còn là một dịp để xã hội quan tâm, hiểu biết thêm về ngành, có ý thức trách nhiệm xây dựng cũng như tham gia vào giao thông. Và để có nhiều tác phẩm văn học có giá trị về giao thông, cần đầu tư chiều sâu, dài hạn, tạo điều kiện để các nhà văn có đời sống thực tế về ngành. 
 
 
Nhà thơ Phạm Văn Đoan, giải Nhì thể loại Bút ký: Đầu tư cho văn hóa, cụ thể văn học là đầu tư khôn ngoan, lợi ích lâu dài
 
- Trước hết, chúc mừng anh đạt giải Nhì với tác phẩm “Cái gốc của vận tải chiến trường”, xin anh vui lòng cho biết cảm xúc của anh khi tham gia Cuộc vận động và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm?
 
- Nhà thơ Phạm Văn Đoan: Cám ơn Nhà xuất bản Giao thông vận tải đã chúc mừng. Thưa anh, từ việc bất ngờ mở bốn trại 

Nhà thơ Phạm Văn Đoan

viết trên khắp các vùng, miền trong cả nước đến việc phát động cuộc thi văn học rộng rãi với nhiều thể loại, tôi nghĩ việc làm này đã là những viên gạch đầu tiên xây nên một lâu đài văn hóa đặc trưng của ngành Giao thông vận tải. Tôi không tham gia trại viết nhưng tôi ủng hộ cách làm đầy văn hóa như đã nói, rất xúc động nên tôi đã gửi bài dự thi để hưởng ứng phong trào của Cuộc vận động.
 
Những năm chiến tranh, tôi là chiến sỹ lái xe của Đoàn 559, lúc đó tôi cũng mang máng một câu hỏi là tại sao máy bay địch đánh phá suốt ngày đêm như thế mà khắp chiến trường chỗ nào cũng xả xăng dư dả cho xe chạy thì lạ. Thời điểm ấy tôi chưa hình dung được sự kỳ vĩ của trên 5.000 cây số đường ống đang bí mật dẫn xăng dầu ngang dọc khắp chiến trường. Sau này, tôi được gặp lại bác Phan Tử Quang, người trực tiếp tổng chỉ huy thi công toàn bộ công trình bác đã yêu cầu tôi viết lại một cách có hệ thống từ đầu đến cuối con đường huyền thoại ấy để dựng thành phim tư liệu. Bác Quang đưa tôi đến gặp bác Mai Trọng Phước, bác Đỗ Ngọc Ngạn và nhiều người đã trực tiếp tham gia. Các bác đã cung cấp đầy đủ những chi tiết quan trọng và đưa cho tôi toàn bộ ấn phẩm, tài liệu đã in thành sách và cho phép tôi được toàn quyền sử dụng, mục đích cuối cùng là phải ra được một kịch bản phim. Kịch bản văn học viết xong lại đưa về bác Hà Văn Sỹ lúc đó là Phó Cục trưởng về chính trị Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu Cần để thẩm định. Các bác rất nhiệt tình cổ vũ và ủng hộ tôi. Sau đó, bác Phan Tử Quang mời nhà thơ Nguyễn Duy và tôi ra hãng phim Hội Nhà văn xin giấy phép làm phim. Nhà văn Hà Phạm Phú, Giám đốc Hãng phim xem kịch bản xong ký ngay quyết định sản xuất. Sau nhiều lần chúng tôi họp với Tổng cục Hậu cần và Bộ Quốc phòng nhưng vẫn không làm được vì lý do kinh phí. Nhà văn Minh Chuyên cũng đã lấy kịch bản này làm phim truyền hình nhưng cũng không thành. Nhân dịp có cuộc thi, thấy phù hợp với thể lệ và tác phẩm chưa sử dụng, tôi sửa lại cho thành thể loại bút ký và gửi dự thi, cũng mừng đã đạt giải.

- Theo anh, để có những tác phẩm lớn về ngành Giao thông vận tải, chúng ta cần phải làm gì?

Nhà thơ Phạm Văn Đoan: Phải tạo ra được thành quả kỳ vĩ sau đó tác phẩm tương ứng mới xuất hiện. Từ thành quả đã đạt được thiên hạ nhìn vào, tạo thành dư luận, lúc này buộc các nhà văn phải vào cuộc. Tác phẩm lớn hay nhỏ bây giờ mới cần đến những yếu tố để bàn. Trước hết, muốn có tác phẩm lớn, yếu tố quan trọng nhất là phải tìm ra được nhà văn thật sự có tài để đầu tư cho họ sáng tác. Đầu tư cho văn hóa, cụ thể hơn là văn học thì đấy là dạng đầu tư khôn ngoan để đem lại lợi ích lâu dài mà không thể tính ra tiền ngay được. Còn nữa, câu cửa miệng ta hay nói: Thủ trưởng nào phong trào ấy, cũng là một yếu tố cần thiết để cho ra đời những tác phẩm lớn và trước mắt nó đã rất đúng trong đợt phát động sáng tác này. Thì đấy, các anh vừa làm xong bộ tác phẩm đồ sộ của những bài dự thi đạt giải viết về đề tài giao thông vận tải cũng đã phần nào trả lời được câu hỏi còn trăn trở của các anh./.
 
 
Kỹ sư Vũ Phạm Chánh, giải Nhì thể loại tập Bút ký: Tôi kỳ vọng sẽ có những tác phẩm xứng đáng với nền văn học nước nhà
 
- Thưa anh Vũ Phạm Chánh, trước hết, chúc mừng anh đạt giải Nhì với tập bút ký Mặt đường cháy bỏng. Xin anh cho biết văn chương bén duyên với anh như thế nào?

Kỹ sư Vũ Phạm Chánh

- Kỹ sư Vũ Phạm Chánh: Anh hỏi thật là khó đối với tôi vì tôi không nghĩ là mình có thể được giải trong một cuộc thi văn chương. Tập Ký dự thi “Mặt đường cháy bỏng” gồm 26 bài ký của tôi gửi dự thi là rút ra trong kho bản thảo tôi viết trong nhiều năm qua. Tôi vốn là một kỹ sư cầu đường đúng nghĩa đen: được học nghề trong các trường trung cấp và đại học, ra trường đi làm khảo sat, thiết kế rồi thi công hàng chục công trình trên khắp mọi miền đất nước. Trong những tháng ngày lăn lộn đó, kể cả những năm tháng đảm bảo giao thông chống Mỹ, tôi dành những thời gian rảnh rỗi để ghi chép lại hoạt động của những người, những việc trên các công trường xây dựng và chiến đấu. Chính những hoạt động bình dị của những kỹ sư và công nhân giao thông hàng ngày đã làm nên truyền thống anh hùng giữ nước và dựng nước của ngành giao thông, cũng như của dân tộc ta. 
 
Khi Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác văn học về đề tài giao thông vận tải nhân kỷ niêm 70 năm thành lập Ngành, đọc lại những bài viết mà tôi vẫn lưu lại, tôi thấy hình như nó có thể đáp ứng cho mục đích cuộc thi: Xây dựng và phát huy truyền thống của Ngành, nên tôi mạnh dạn gửi cho ban tổ chức, với mong muốn là góp vào một vài chi tiết khắc hoạ chân dung những gương mặt anh hùng giản dị của những người lao động trong Ngành. Được nhận giải nhì, tôi thực sự cảm động và vui mừng.
 
 Nhưng cũng như tôi đã viết trong bài ký:” Con đường – con người và những trang viết” đề tài Giao thông vận tải, cả trong thời chiến cũng như thời bình, có biết bao nhiêu số phận của những con người bình thường đáng để các nhà văn, nhà thơ xây dựng thành những tác phẩm có tầm cỡ xứng đáng để lưu lại sau này. Tôi không nói về khuôn khổ và độ dài/dầy mà nói về sức nặng của nội dung tư tưởng và tầm cao của nghệ thuật biểu hiện. Là người đã lao động cả cuộc đời cho ngành Giao thông vận tải, chúng tôi rất mong được các nhà văn chuyên nghiệp tài năng đến với Ngành để sáng tác những tác phẩm để đời. 
 
Tôi hình dung như thế này: Truyền thống anh hùng của ngành Giao thông vận tải, hành động lao động kiên cường sáng tạo của những kỹ sư công nhân ngành Giao thông vận tải… vẫn tồn tại một cách khách quan cùng với không gian và thời gian, như những khối đá được phủ lên một lớp rêu cỏ, nằm chen chúc hoặc rải rác mọi nơi. Chỉ cần những nghệ sĩ tài năng, như những nhà điêu khắc thiện nghệ đến bóc đi lớp rêu cỏ và đưa dăm ba đường chạm là ta đã có một bức tượng thật kỳ vĩ. Tôi thực sự mong muốn các nghệ sĩ tài năng đến với ngành Giao thông vận tải chúng tôi để có những tác phẩm xứng đáng với nền văn học nước nhà.
 
- Xin cảm ơn anh.

 

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG