DANH MỤC SÁCH HIỆN CÓ

KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

QUY TRÌNH - QUY CHUẨN - QUY PHẠM

VĂN HÓA - XÃ HỘI

TỦ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG

LUẬT PHÁP - CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH

Tin tức - Sự kiện

"Con đường thức" - Khúc tráng ca về đoàn tàu có số

- Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

(NXBGTVT). Như tin đã đưa, sáng 18/8, tại Hà Nội, Bộ GTVT phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài GTVT nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (28/8/1945 - 28/8/2015) và Đại hội thi đua yêu nước Ngành GTVT. Trường ca "Thức với biển" của Nguyễn Đình Tâm đã đạt giải Nhất xứng đáng. Xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về trường ca này.


Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm (giữa) nhận giải Nhất thể loại Trường ca
 
Chúng ta biết khá nhiều về những con tàu không số dọc “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” qua phim ảnh, báo chí, phóng sự, ký sự và tiểu thuyết; nhưng chúng ta biết quá ít về những con tàu có số như các đội tàu Giải phóng (GF01 – GF37), đội tàu Tự lực (TL), đội tàu Quyết thắng (VS) và Tankit (TK chở xe tăng, và cảm tử để phá thủy lôi) đã vào sinh ra tử dưới làn bom đạn của máy bay, tàu chiến địch để vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men, xăng dầu, xe tăng… chi viện cho chiến trường, với sự hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến tranh vệ quốc đã qua. Ấp ủ suy nghĩ đó sau nhiều năm, nhà thơ Nguyễn Đình Tâm đã viết trường ca “Thức với biển” để tri ân và tôn vinh đồng đội của mình đã hy sinh vì sự nghiệp cao cả.
 
Có thể gọi “Thức với biển” (*) là một bản hùng ca vận tải biển, một khúc tráng ca về những thủy thủ tàu có số của một tác giả là người trong cuộc, từng sát cánh đồng đội của mình trên từng con sóng, trong từng trận bom, trải qua bao mùa chiến dịch trong những tháng năm chiến tranh ác liệt, những tháng năm mà những người thủy thủ phải hy sinh mọi tình cảm riêng tư để làm trọn nghĩa vụ công dân của mình:
 
Tôi đi qua quê mình mà không dừng lại
…Mẹ ơi! Con đây mà
con không dừng lại được
biển mịt mù sóng nước
con muốn kéo hồi còi thật vang
chào quê hương mà chẳng thể
chúng con phải khẩn trương đi
phải âm thầm lặng lẽ
xin con sóng tạo nên từ tàu con
vỗ về bờ với mẹ…
 
Hơn một nghìn câu thơ được bố cục thành 5 chương: Mùa chiến dịch, Mở luồng, Tri ân, Giọng biển, Đội ngũ đã làm thành một trường ca sử thi trữ tình đặc sắc về ngành vận tải biển từ những ngày kháng chiến gian nan để trưởng thành lớn mạnh như hôm nay. Với bố cục này, Nguyễn Đình Tâm đã hóa thân thành nhân vật trữ tình xuyên suốt bản trường ca để ca ngợi những con người, những chiến công của một tập thể anh hùng “gan vàng, dạ sắt” góp phần làm nên lịch sử chói rạng một thời.
 
Ta gặp ở đây những con người tự truy điệu mình trước khi bước vào cuộc chiến:
 
Chúng tôi truy điệu mình ở tuổi hai lăm
bước bình thản giữa trời xanh biếc
…Tuổi hai mươi, hai lăm như những lõi trầm
tự thơm và tự cháy
 
Ta gặp ở đây những thủy thủ trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường đến với con tàu vận tải trong mưa bom bão đạn vẫn phơi phới niềm tin yêu:
 
Chúng tôi mỗi người một quê
mỗi người một giọng
Chinh, Đỗ, Sơn giọng Bắc
Hào, Thiện, Điệp giọng Nam
Tôi gió Lào cát trắng
trẻ trung và cháy bỏng
từ mái trường của biển
đập cánh vào trời xanh
 
Ta gặp ở đây những giây phút thẳng căng khi tàu bị tấn công vẫn hướng về đích đến như không sức mạnh nào ngăn nổi:
 
pháo địch phá mất đèn chập tiêu
thủy lôi chiếm hết luồng hết lạch
ta đi theo trí nhớ
lại dò thêm luồng mới ta đi
theo một mạch thẳng băng
theo những đường zích zắc
xuyên qua màn đêm chỉ là đôi mắt
mũi con tàu vạch sáng vệt lân tinh
 
Ta gặp ở đây những con tàu bị thương không thể vào bến nhưng vẫn gửi được hàng vào đất liền thật thông minh và sáng tạo:
 
từng bao gạo thả trôi
ngàn bao gạo thả trôi
trôi qua cửa tử
những bao gạo bọc trong bao chống thấm
dập dềnh trôi về phía chờ mong
 
Và những niềm vui vỡ òa khi được giao những chuyến hàng lớn cho chiến trường đang mỏi mắt ngóng chờ:
 
một trăm bảy mươi ngàn tấn lương thực thuốc men
một triệu tấn xăng dầu
năm ngàn thùng đạn
năm mươi tư xe tăng cho “Đường 9 – Nam Lào”…
em ngồi cộng niềm vui theo từng phiếu nhận hàng
niềm vui tỏa quanh ngọn đèn hạt đỗ
 
Trường ca không phải là kể những sự kiện theo con số thống kê của bản báo cáo tổng kết, nhưng những con số ở đây như đã được tác giả thổi hồn mình vào để biến nó thành niềm vui, nỗi buồn của người trong cuộc. Với lối viết tự sự – trữ tình khá nhuần nhuyễn, Nguyễn Đình Tâm dẫn dắt người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ hồi hộp này đến hồi hộp khác, để rồi dâng lên những con sóng xúc động mang nhiều dư chấn.
 
Hình như sự hy sinh của những con tàu và đồng đội là những ám ảnh lớn trong lòng tác giả, vì thế mà chương “Tri ân” gây được cảm xúc mạnh mẽ với những đoạn thơ dữ dội thẳng căng:
 
hai phản lực đuổi theo bổ nhào
tàu GF 28 bị nổ tung
sĩ quan lái: đầu và tay chân bay lên cầu mười một
thuyền trưởng bị cắt đứt ngang thân
ba thợ máy xác tan bên bệ súng
bốn thủy thủ ruột trào khỏi bụng
…tiếng còi tàu rời ga như thét
như hú lên tiếng thú cuối rừng
 
Để rồi tác giả chùng lòng xuống cùng câu thơ lục bát hiếm hoi thay cho tiếng khóc, thay cho niềm tưởng nhớ lớn lao mãi mãi không nguôi:
 
bao nhiêu nước mắt đầm đìa
bao nhiêu mây trắng bay về chịu tang…
 
Viết về sự hy sinh trong thơ ta có thể nói là bất tận, bởi không có những hy sinh lớn lao đó thì không thể có chiến thắng vĩ đại để dành lại thống nhất, độc lập cho dân tộc. Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa, hy sinh không phải là mục đích, nhưng hy sinh để cho cuộc chiến tới đích của chiến thắng là những hy sinh mãi mãi được tôn vinh. Vì thế, viết về sự hy sinh là không bao giờ thừa. Nguyễn Đình Tâm không chỉ dâng hương cho những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến mà anh còn xây tượng đài cho cả những hy sinh thầm lặng của những đồng đội trở về sau chiến thắng.
 
Trong trường ca này, có thể nói, câu chuyện về thuyền trưởng có tên là Uyển “người dẫn đội tàu phá lôi Lê Mã Lương” đã tạo nên một dấu ấn đặc sắc mang đầy số phận bi hùng. Đấy là khi hoàn thành nhiệm vụ “khai thông luồng suốt chiều dài miền Bắc” thì anh em không còn gì để ăn Tết, Uyển đã cho anh em mang 2 bao gạo ướt vớt được trong bãi thủy lôi vào bờ đổi lấy ít rau thịt để có bữa tiệc đón xuân. Nhưng hành động nhân văn ấy của Uyển lại là hiểm họa cho anh. Anh bị cấp trên gọi về kiểm điểm. Và:
 
đồng đội thương anh, thanh minh
đồng đội thương anh, bất lực
hồ sơ phong anh hùng đặt trên bàn thi đua gấp lại
anh trở thành tội đồ
 
Viết đến đây, Nguyễn Đình Tâm như ứa nghẹn, anh tung ra một câu thơ chua xót: “tội đồ và anh hùng cách nhau một lời phán” để rồi khái quát một chiêm nghiệm của người lính biển: “chưa mặn sóng xin đừng nhân danh biển”. Và khẳng định:
 
Bao con người ra đi không có tượng đài
bao con người chỉ còn trong kí ức
không dòng tên khắc lên bia trang trọng
họ đã sống rạng ngời nhân cách sống
âm thầm làm nên đất nước
Việt Nam ơi!
 
Bằng đoạn thơ này, chính Nguyễn Đình Tâm đã dựng cho Uyển và bao nhiêu người chịu sự hy sinh như Uyển một tượng đài trong lòng người đọc.
 
Phải nói, ngòi bút Nguyễn Đình Tâm viết về sự tri ân luôn chân thành và dạt dào cảm xúc, bởi anh biết trong chiến tranh “cả sự sống cũng nhường nhau/thì còn gì để mất”. Chính vì thế mà ta được đọc những câu thơ ứa nghẹn tình người, dù những tên người trong thơ có thể là hư cấu, nhưng ta vẫn tin đó là sự thật, đó là những cái tên đã gắn chặt vào trái tim tác giả:
 
đứng xếp hàng trong nỗi nhớ điểm danh
thuyền trưởng Tùng, Vàng, Đảnh, Huyên
thuyền phó Hải , Loát, Hùng, Minh, Thiện
thủy thủ Vọng, Hương, Nga, Minh, Chiến…
tên nối dài theo những nén tâm nhang
tên nổi chìm trong tiếng biển âm vang
cứ thao thức đập vào vách đá
mấy chục con tàu đã nằm sâu lặng lẽ
vầng trăng cuối trời thương nhớ gửi về đâu
 
Hy sinh cho chiến thắng không chỉ có những người trực tiếp trên trận tuyến mà còn có cả một hậu phương không thể nào quên. Ngòi bút Nguyễn Đình Tâm ở đây đã dành những nét mực đậm cho những người mẹ, người em là điểm tựa vững chắc nơi quê nhà khói lửa. Một người mẹ cụ thể, cũng là một người mẹ tượng trưng cho đất nước trong những ngày gian khó nhất. Và anh nhận ra:
 
Mẹ ơi
biển đã tái sinh con
trong đêm cuồng phong, trở dạ
sau cơn bão này con lớn lên hơn
có lúc con chỉ nghĩ giản đơn
sức lực mình tháng năm quá tải
đâu biết mẹ trở mình hoài trong đêm
giữa đồng quê ta mùa khát khô, mùa lũ
vun một luống khoai bom đạn cày lên phải trồng lại mấy lần
nghĩ về chúng con
vầng trán mẹ chưa lúc nào lặng sóng
 
Vâng, những người mẹ Việt Nam là thế, ngay cả khi con chiến thắng trở về, mẹ vẫn mừng mừng tủi tủi, mẹ vẫn mang theo nỗi đau về những đứa con không bao giờ trở lại. Nhưng mẹ ơi, mẹ có thể vui hơn khi sau chiến tranh các con đã trưởng thành, đã lớn lên không ngừng cùng những con tàu. Đó cũng là tâm nguyện của tác giả khi viết chương cuối cùng của trường ca: “Đội ngũ”:
 
Ta nhỏ bé
ta lớn dần trước biển
càng thấy biển mênh mông
biển rộng lớn nhường nào
như ta lớn trong vòng tay của mẹ
mới thấy mẹ mình vĩ đại biết bao
 
Đó là khi:
 
Tổ quốc ngời lên sắc cờ đỏ thắm
lồng lộng giữa trời xanh
phần phật bay trên từng hải cảng
Nagoya – Busan – Singapore – Hongkong
Dubai – Tanger Met – Marseil
Hamburg – Rottecrdam – LosAngeles..
bước nhảy vọt của những con tàu GF, TL, VS
qua những đại dương.
 
Viết một trường ca mang tính sử thi không thể không vụ vào sự kiện, nhưng nếu chỉ vụ vào sự kiện thì chất tự sự dễ lấn át chất trữ tình, lấn át thơ. Với trường ca “Thức với biển”, Nguyễn Đình Tâm đã học được nhiều kinh nghiệm của những trường ca Việt Nam viết về chiến tranh. Và với một vốn sống biển giàu có và độc đáo, anh đã mang đến cho trường ca một hơi thở mới, đặc biệt là đề tài vận tải biển trong chiến tranh, một đề tài mà trường ca Việt trước đây đang bỏ ngỏ.
 
Với bài viết này, tôi chưa có dịp nói đến những nhược điểm khó tránh của “Thức với biển” như cấu trúc có phần chưa mạch lạc, và chưa có sự cách tân mạnh mẽ bắt kịp mạch thơ hiện đại… Nhưng những gì thành công của trường ca này đã mang đến cho người đọc nhiều xúc động và suy ngẫm, đó là thân phận con người trong chiến tranh vệ quốc, mà chính tác giả của trường ca cũng là một người thủy thủ trong cuộc, còn sống để kể lại cho các thế hệ sau về một bản tráng ca của những thủy thủ tàu có số, như anh từng thú nhận:
 
Tôi là người may mắn hơn các anh
sóng dạt sang bờ sống
để đứng về phía biển
dâng những lời tri ân.
 
Hà Nội, 8.2015
NTT
 
_________
 

(*) Thức với biển, trường ca của Nguyễn Đình Tâm, tác phẩm đoạt giải Nhất trong cuộc thi viết “70 năm ngành GTVT Việt Nam” do Hội Nhà Văn và Bộ GTVT tổ chức 2014-2015. 

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG