DANH MỤC SÁCH HIỆN CÓ

KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

QUY TRÌNH - QUY CHUẨN - QUY PHẠM

VĂN HÓA - XÃ HỘI

TỦ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG

LUẬT PHÁP - CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH

Tin tức - Sự kiện

Bộ luật hình sự 2015 quá khắt khe với các nhà làm sách?

- Infonet.vn

Bộ luật hình sự 2015 với nhiều quy định “xử khó” các nhà in, NXB và các đơn vị phát hành xuất bản phẩm, thậm chí là đang “hình sự hóa” hoạt động xuất bản.


Trên đây là kiến của Hội xuất bản Việt Nam – Cơ quan đại diện phía Nam tại TP.HCM và các đại diện NXB tại tọa đàm về bộ luật hình sự 2015 có các điều khoản liên quan đến hoạt động xuất bản, in và phát hành diễn ra ngày 21/7, tại TP.HCM.

 

Người dân TP.HCM mua sách tại hội sách được tổ chức vào tháng 3/2016.

 

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch hội xuất bản Việt Nam mở đầu: “Quốc hội tạm hoãn ban hành bộ luật hình sự 2015, đây là cơ hội để chúng ta đóng góp ý kiến cho những điều khoản liên quan đến hoạt động xuất bản - in - phát hành của bộ luật hình sự 2015. Nhất là điều 344 bộ luật hình sự liên quan đến hoạt động xuất bản đã mang tính hình sự. Không còn là vấn đề xử lý hành chính, nó gắn chặt và gây ra áp lực rất nặng nề đến sinh mạng chính trị của đội ngũ làm nghề, dễ dàng đưa người ta vào vòng lao lý".

 

Bà Hồng Vân – Giám đốc Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia ở TP.HCM cho rằng: “Những chế tài xử lý có thể bằng các biện pháp như xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và tổ chức là điều cần thiết. Do vậy, phải phân định rõ hành vi nào sẽ thuộc phạm vi xử lý bằng hình thức xử phạt hành chính, hành vi nào chịu trách nhiệm hình sự. Vì nó tác động đến toàn hộ hoạt động của ngành xuất bản nói riêng và của hoạt động văn hóa tư tưởng cả nước nói chung”.

 

Và, “đề nghị bỏ cụm từ: “không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật”. Vì thực tế bản thảo đã được duyệt phải lưu tại NXB, hoặc đối tác liên kết xuất bản chứ không chuyển cho công ty in. Công ty in chỉ thực hiện việc in trên cơ sở file hoặc bản scan từ NXB hay đối tác liên kết xuất bản. Nên việc nhà in phải lưu bản thảo là điều không cần thiết, quy định như vậy dễ dẫn đến hiểu lầm là nhà in cũng phải lưu bản thảo”.

 

Ngoài ra, trùng với luật xuất bản như “Không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

 

Vì xuất bản phẩm là một loại hàng hóa mang tính thời sự, việc nộp lưu chiểu là cần thiết, nhưng thực chất đây chỉ là khâu thủ tục hành chính, mà thực tế hiện nay các NXB đa số đều thực hiện việc nộp lưu chiểu theo đợt, nên việc áp dụng quy định này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của NXB vì cứ xong một cuốn lại phải đi nộp ngay, làm như vậy sẽ gây phiền hà cho các NXB và giảm tính thời sự cho xuất bản phẩm nhất là những xuất bản phẩm mang tính phục vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước”.

 

Bà Xuân Hạnh – Giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ thì cho rằng: “Bộ luật hình sự 2015 được viết với tư duy lượng số, chứ không phải lượng tính. Có những chi tiết về số, nhưng không đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.

 

Ví dụ: tội xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, Điều 125 quy định “giết người trong trạng thái bị kích động mạnh thì phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, 2 người trở lên thì tù từ 3 năm – 7 năm”, đây là điều cực kỳ nguy hiểm, vì khung hình phạt chỉ khống chế tối đa là 7 năm tù cho hành vi giết nhiều người trong trường hợp này.

 

Phải làm rõ những khái niệm: những hành vi nào về lĩnh vực xuất bản là vi phạm hình sự và nên bổ sung những nội dung đó vào những điều mà Luật hình sự đã có.

 

Luật Xuất bản, có thể bổ sung đưa vào các điều quy định ở chương 13 mục các tội xâm phạm an ninh quốc gia, đặc biệt Điều 117 của Luật Hình sự là “tội làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam”. Nên ghi “xuất bản, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin tài liệu, vật phẩm, ấn phẩm nhằm chống nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam” thì mới chính xác”.

 

Bà Minh Phương – Sở Thông tin truyền thông TP.HCM nói: “Hành vi và hậu quả là mối quan hệ tất yếu, đặc biệt là trong bộ luật hình sự. Nhưng Điều 344 chỉ quy định về các hành vi mà chưa thấy nói gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Trong khi ở các điều khoản khác thì có ghi hậu quả rõ ràng, ví dụ Điều 225 về Quyền tác giả cũng có quy định hành vi gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả từ 100 – 500 triệu đồng, có nêu rõ thiệt hại, quy định hậu quả rõ ràng.

 

Hành vi thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng vẫn bị đi tù!? Ví dụ: tôi viết một cuốn chuyện tình lãng mạn, nhưng lời giới thiệu người nào đó viết và sửa cho tôi là ngôn tình, sau lúc đó bản thảo được duyệt mang đi in, nhưng tôi thấy dạo này báo chí hay đăng bài phê phán về các thể loại ngôn tình, nên tôi tự ý đến nhà in sửa lại thành “chuyện tình lãng mạn” chẳng hạn, thế là tôi bị đi tù. Trong khi tôi thấy hành vi này trong này không quy định là gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Ví dụ khác, tôi in 2000 cuốn sách, nếu 2000 người nào đó cầm 2000 cuốn sách này đọc sau đó lăn ra chết, hoặc là ngộ độc chẳng hạn, thì nó gây hậu quả nghiêm trọng, thì tôi bị đi tù.

 

Trường hợp chậm nộp lưu chiểu quá 10 ngày, bị đi tù 2 – 3 năm!? Nếu hành vi chậm nộp lưu chiểu của tôi mà ảnh hưởng gây người chết hoặc làm ảnh hưởng môi trường thế nào thì được”.

 

“Lại đi hình sự hóa quy trình xuất bản. Ví dụ quy định về biên tập thì Giám đốc NXB quy định chứ Luật xuất bản không thể quy định về công việc mang tính nội bộ hoạt động của anh biên tập được. Nên tôi thấy nâng lên tới tầm hình sự thì quá lớn và căng thẳng, gây chết ngành xuất bản và không ai dám tham gia vào xuất bản. Đề nghị Luật hình sự cần chỉ rõ gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào thì mới bị phạt tù”, bà nói tiếp.

 

Còn ông Nguyễn Văn Tròn – Phó chủ tịch thường trực Hội In TP.HCM thì nhận định: “Tôi cũng thống nhất ý kiến là không nên hình sự hóa hoạt động xuất bản bằng cách đưa ra điều khoản riêng cho hoạt động xuất bản, hay nói cách khác, theo chúng tôi nên bỏ điều 344. Tôi cho rằng thật là không công bằng khi riêng hoạt động xuất bản lại được hình sự hóa hẳn hoi trong một bộ luật.

 

Trong khi đó, chúng ta đã có Điều 10 trong Luật Xuất Bản năm 2012, trong đó quy định cũng rõ rồi, và các từ ngữ trong luật xuất bản lại rất chính xác. Trong khi đó trong điều 344 của bộ luật hình sự lại có những từ ngữ sai lệch. Do đó, xin đề nghị bỏ điều này đi. Thật đáng buồn cho hoạt động xuất bản khi chúng ta bị hình sự hóa như thế này.

 

Chúng tôi thấy có vấn đề không ổn về vấn đề từ ngữ, thuật ngữ trong BLHS này. Việc soạn thảo và ban hành những luật quan trọng như thế này mà không tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn trong ngành nghề chúng ta đưa ra thì sẽ gây hiểu sai lệch, hiểu nhầm. Vì vậy, nếu duy trì điều này thì phải có ý kiến cụ thể của những người trong nghề, cụ thể là ở bên ngành in, xuất bản của chúng tôi”.

 

Đại diện Công ty sách First News tiếp lời: “Đối với hoạt động xuất bản: Chúng tôi nhận thấy hoạt động xuất bản từ trước tới nay đã được điều chỉnh thông qua Luật xuất bản 2012 và Nghị định 159 là đã hết sức chặt chẽ. Các hình thức sai phạm vượt giới hạn điều chỉnh của Luật xuất bản và Nghị định 159 có thể xử lý hình sự, nhưng không nhất thiết phải có một điều luật riêng (điều 344 - Bộ luật hình sự 2015). Chính vì những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động xuất bản đang được xử lý bằng hình sự đã được quy định đầy đủ trong điều 117 và điều 326 của bộ Luật hình sự 2015: (Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); (Điều 326: Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy). Tuy nhiên, cả hai điều này còn nhiều vấn đề cần chỉnh sửa như: Truy cứu hình sự khi chưa cấu thành hành vi cụ thể ("Người chuẩn bị phạm tội này..." - Mục 3, điều 117); hoặc định lượng số hóa trong điều 326. Các nội dung được quy định trong điều 344 - Luật hình sự 2015 là những vấn đề thuộc về vi phạm hành chính, liên quan đến quy trình công tác xuất bản. Những vấn đề này đã được quy định rất cụ thể trong Luật xuất bản.

 

Hoạt động in lậu chưa được đưa vào luật hình sự 2015. Trong khi Bộ Luật hình sự 2015 "hình sự hóa" hoạt động xuất bản, thể hiện rõ trong điều 344 thì một vấn nạn hết sức phổ biến, gây thiệt hại về nhiều mặt trong lĩnh vực xuất bản mà không được đưa vào Luật hình sự 2015, đó là nạn in lậu, sao chép, làm giả sách và các ấn phẩm văn hóa”.

 

Ông Dương Thanh Hoài nói tiếp: “Hình sự hóa các vấn đề mà xưa nay chúng ta xem nó như là hành chính, chỉ mang tính chất quy trình, nghiệp vụ. Giờ lại đưa vào áp dụng chế tài thì tôi thấy rất nguy hiểm. Những cái đơn giản như lưu chiểu hay biên tập thì bây giờ lại có khả năng trở thành một tội.

 

Và tôi cũng ngạc nhiên là dung lượng của điều này trong BLHS lại lớn như thế, vì chúng ta cũng biết một năm chúng ta xuất bản ra rất nhiều sách, và tôi tin chắc số ca bị xử phạt không đáng bao nhiêu so với tổng sản lượng ngành chúng ta xuất bản, mà giờ lại đưa nó ra thành cả một điều 344 như thế!

 

Tôi nghĩ người làm luật có thể không làm trong ngành này nên nhìn vấn đề trầm trọng, nguy hiểm, nhưng thật ra nó không phải như thế. Tác động của luật này khi đi vào áp dụng vô hình chung sẽ làm kìm hãm sự phát triển ngành xuất bản. Những điều luật như thế này quá khủng khiếp ai còn dám làm nghề xuất bản nữa. Luật này giống như một lưỡi dao treo lơ lửng có thể rơi bất kỳ lúc nào và không ai còn dám làm lĩnh vực xuất bản nữa. Nếu chúng ta muốn có một nền xuất bản ngang bằng với tiềm năng 90 triệu dân thì tôi nghĩ chúng ta không nên hình sự hoá hoạt động xuất bản bằng những điều luật như vậy được”.

 

Bà Thanh Thuỷ – Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM góp ý: “Trong điểm e khoản 1 của 344 có tội danh không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành XBP, như vậy NXB Trẻ và NXB Tổng hợp có mảng sách ebook (sách điện tử), vì chưa được hướng dẫn nên hai nhà vẫn chưa thực hiện việc nộp lưu chiểu, nên nếu áp dụng luật hình sự đối với việc không nộp lưu chiểu XBP thì sẽ rất khó cho hai nhà xuất bản chúng tôi”.

 

Ông Lê Nguyên Đại – GĐ Cty sách Thời Đại khép lời: “Những con số trong các điều luật không có ý nghĩa: vì 200.000.000 bây giờ sau này có thể chỉ còn 20.000.000 (lạm phát, tiền mất giá). Nhiều chỗ trong nội dung đọc được cho thấy người biên soạn Luật có kiến thức về lĩnh vực xuất bản rất hạn chế, chữ nghĩa trong các Điều luật này không rõ ràng, chưa đạt yêu cầu về văn chương”.

 

Minh Lâm

VIDEO
B Ộ SÁCH AN TOÀN GIAO THÔNG